(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 tối 20/2 (giờ Việt Nam), toàn thế giới có hơn 111.340.630 ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 2.465.590 người đã tử vong. Số người nhiễm đã phục hồi trên toàn cầu đến nay là hơn 86.220.672 người, trong khi số người cần điều trị tích cực là hơn 22.623.048 ca.
Mỹ đứng đầu thế giới với 28.604.576 ca nhiễm và 507.756 ca tử vong. Đứng thứ hai là Ấn Độ với 10.982.609 ca mắc sau khi ghi nhận thêm 5.833 ca mắc mới và số ca tử vong tại nước này là 156.268 ca. Tiếp theo là Brazil với 10.081.693 ca mắc và 244.955 ca tử vong. Nga đứng thứ tư thế giới với 4.151.984 ca mắc và 82.876 ca tử vong.
Trong ngày 20/2, cả thế giới ghi nhận thêm 100.175 ca mắc mới, trong đó hơn một nửa là tại châu Âu với 58.990 ca. Nga là nước có số ca lây nhiễm mới nhiều nhất thế giới với 12.953 ca trong vòng 24 giờ qua, trong khi Mexico là nước ghi nhận số ca tử vong nhiều nhất với 857 ca.
Tình hình dịch bệnh tại châu Âu vẫn chưa lắng dịu khi số ca mắc mới vẫn cao. Đứng sau Nga, Ba Lan và Ukraine ghi nhận số ca lây nhiễm mới nhiều thứ hai và thứ ba trong khu vực châu Âu, lần lượt là 8.510 và 6.295 ca. Trong khi đó, một số nước khác như Romania, Bỉ, Áo, Hungary, Slovakia và Belarus ghi nhận số ca mắc mới vượt ngưỡng 1.000 ca/ngày.
Tại châu Á, Indonesia là quốc gia có số ca mắc mới cao nhất khu vực này với 8.054 ca, tiếp theo là Iran là 7.922 ca.
- Dịch Covid-19 ngày 19/2: Thế giới có 110.951.913 ca bệnh, 2.454.722 ca tử vong
- Dịch Covid-19: Nhật Bản phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2
Các nước có số ca mắc mới trong ngày vượt ngưỡng 2.000 ca gồm Malaysia, Pakistan, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Philippines. Trong khi đó, Campuchia đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 3 sau khi phát hiện 32 ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tại thủ đô Phnom Penh, chủ yếu trong khu vực đảo Koh Pich và một khu chung cư gần sân vận động Olympic.
Trước tình hình này, Bộ Giáo dục Campuchia đã ra thông báo về các biện pháp mới chống COVID-19 trong các trường học, trong đó có quy định tránh tập trung trên 20 học sinh và tiếp tục các tiêu chuẩn an toàn phòng dịch. Bộ Y tế và chính quyền thủ đô Phnom Penh kêu gọi tất cả những người đã từng tới những địa điểm mà người mắc bệnh từng đến, phải cách ly 14 ngày và đi xét nghiệm virus SARS-CoV-2.
Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới đang nỗ lực phổ cập chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và hoạt động sản xuất vaccine.
Nga đã cấp phép sử dụng loại vaccine ngừa COVID-19 có tên CoviVac do Trung tâm Chumakov Centre phát triển và sản xuất. Đây là loại vaccine thứ 3 được Nga cấp phép sử dụng trong nước, sau 2 loại vaccine là Sputnik V của Viện Gamaleya và 1 loại vaccine của viện Vector.
Không giống như vaccine Sputnik V có cơ chế sử dụng virus vô hại đưa protein của SARS-CoV-2 vào tế bào người, giúp kích thích phản ứng miễn dịch, vaccine CoviVac là loại vaccine hàm chứa toàn thành phần virus, qua đó được đánh giá là loại vaccine có khả năng bảo vệ người dùng trước mọi biến thể của virus SARS-CoV-2. Hiện Nga chưa triển khai tiêm chủng loại vaccine này.
New Zealand đã chính thức triển khai rộng rãi việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho lực lượng biên phòng và nhân viên kiểm dịch biên giới sau khi tiến hành tiêm chủng cho một nhóm nhỏ các nhân viên y tế trong ngày hôm trước. Vào đầu tuần này, khi New Zealand tiếp nhận 60.000 liều vaccine Pfizer-BioNTech đầu tiên, Thủ tướng Jacinda Ardern tuyên bố nước này đã đặt mua đủ lượng vaccine để tiêm miễn phí cho hơn 5 triệu người và tất cả người nước ngoài đang có mặt ở đây. Chiến dịch tiêm chủng ở New Zealand dự kiến sẽ hoàn thành trong 1 năm.
Romania trở thành một trong số những quốc gia châu Âu đầu tiên đưa người vô gia cư vào diện ưu tiên được tiêm chủng, tương tự như người cao tuổi và người có bệnh lý nền. Theo giới chức y tế Romania, trong nhiều ngày qua, nước này đã tiêm chủng cho gần 300 người vô gia cư. Ước tính, có khoảng 1.300 người đăng ký là người vô gia cư tại Romania.
Hãng tin AFP tổng hợp nhiều nguồn tin cho biết tính đến 17h ngày 20/2 (theo giờ Việt Nam), đã có 201.042.149 liều vaccine được tiêm chủng tại ít nhất 107 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó G7 - nhóm các nước công nghiệp phát triển chỉ chiếm 10% dân số thế giới, lại chiếm tới 45% tổng số mũi tiêm.
AFP nêu rõ con số thống kê này không bao gồm số liệu mới nhất từ Trung Quốc và Nga - 2 nước ngừng công bố kết quả của các chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trong vài ngày gần đây.
Hiện 7 nước G7 gồm Mỹ, Canada, Anh, Đức, Pháp, Italy và Nhật Bản đã cam kết chia sẻ số lượng vaccine công bằng với những nước đang khó khăn chống đỡ với dịch bệnh này. Cùng với đó, lãnh đạo các nước G7 có kế hoạch tăng gấp 2 lần số tiền đóng góp cho các chương trình vaccine ngừa COVID-19 toàn cầu, trong đó có chương trình COVAX của Tổ chức Y tế thế giới (COVAX), tức lên 7,5 tỷ USD.
Thanh Hương (TTXVN)
Tags