(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 1/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận hơn 46,512 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.202.117 ca tử vong. Tổng số bệnh nhân COVID-19 đã phục hồi là hơn 33,569 triệu người trong khi vẫn còn hơn 11,741 triệu người vẫn đang được điều trị.
Tại châu Á, Hàn Quốc công bố một kế hoạch mới về giãn cách xã hội trên cơ sở 5 mức giãn cách, thay vì 3 mức như trước đây. Kế hoạch mới được đưa ra nhằm tăng cường nỗ lực ngăn chặn đà lây lan của virus và có hiệu lực từ ngày 7/11. Theo đó, chính phủ chia quốc gia thành 7 khu vực dựa trên trung bình số ca mắc mới mỗi tuần.
Các khu vực sẽ được xếp thành 2 nhóm gồm "ưu tiên" hoặc "bình thường" trong khi áp đặt các quy định phòng chống dịch bệnh. Những quy định gồm đeo khẩu trang bắt buộc hay một số quy định quan trọng khác vốn chỉ được áp dụng với nhóm "nguy cơ cao" nay cũng sẽ được áp dụng với tất cả các nhóm. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh ngày thứ 5 liên tiếp, Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới trong ngày ở mức 3 con số. Hiện tổng số ca bệnh tại nước này là 26.635 ca.
Iran cũng ghi nhận số ca tử vong cao kỷ lục trong ngày 1/11 với 434 ca mới, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại quốc gia này lên 35.298 ca. Trong khi đó, tổng số ca mắc bệnh cũng tăng lên 620.491 ca sau khi ghi nhận thêm 7.719 ca mắc mới trong ngày. Trước đó, ngày 31/10, Iran đã ban bố các biện pháp hạn chế mới có hiệu lực trong 10 ngày kể từ ngày 4/11 tại 25/30 tỉnh trên cả nước. Để ngăn chặn làn sóng dịch bệnh thứ 3, Iran đã cấm các sự kiện như đám cưới, đám ma và hội họp tại vùng thủ đô Tehran và yêu cầu tất cả các trường học, trường đại học và nhà thờ ở trên hầu khắp cả nước đóng cửa.
Tại Đông Nam Á, Malaysia ghi nhận 957 ca mắc mới trong ngày 1/11, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này lên là 32.505 ca. Trong khi đó, tổng số ca tử vong vì dịch bệnh tại quốc gia này là 249 ca, không có sự thay đổi trong 24 giờ qua. Philippines thông báo thêm 2.396 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này lên là 383.113 ca.
Theo Bộ Y tế Philippines, tổng số bệnh nhân COVID-19 tại nước này đã hồi phục là 348.760 người, tăng 17.727 người so với một ngày trước đó. Thêm 17 bệnh nhân COVID-19 tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên là 7.238 ca. Indonesia ghi nhận thêm 2.696 ca mắc mới và 74 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại quốc gia này lên lần lượt là 412.784 ca và 13.943 ca. Hiện Indonesia đứng đầu Đông Nam Á về tổng số ca mắc và tử vong vì COVID-19.
Tại Australia, ngày 1/11 đánh dấu lần đầu tiên quốc gia này không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng sau gần 5 tháng. Theo Bộ trưởng Y tế Australia Minister Greg Hunt, bang Victoria, điểm nóng COVID-19 chiếm hơn 90% ca tử vong do virus SARS-CoV-2 ở Australia, thông báo không phát hiện ca nhiễm mới và tử vong nào trong ngày thứ hai liên tiếp. Như vậy, đây là lần lần đầu tiên kể từ ngày 9/5, quốc gia châu Đại Dương này không có ca mắc mới trong cộng đồng. Kể từ khi dịch bùng phát tới nay, Australia ghi nhận khoảng 27.500 ca mắc COVID-19, ít hơn nhiều so với đa số các những quốc gia phát triển khác.
Tại châu Âu, Nga thông báo ghi nhận thêm 18.665 ca mắc COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, số ca mắc mới trong ngày cao nhất từng được ghi nhận tại quốc gia này. Tính đến nay, Nga ghi nhận tổng cộng 1.636.781 ca mắc COVID-19, trong đó có 28.235 ca tử vong và 1.225.673 ca hồi phục. Nga, cũng như nhiều quốc gia châu Âu khác, chứng kiến số ca mắc COVID-19 gia tăng kể từ đầu mùa Thu tới nay.
Chính phủ Bồ Đào Nha đã công bố lệnh phong tỏa mới kể từ ngày 4/11 đối với phần lớn đất nước, yêu cầu người dân ở nhà, ngoại trừ trường hợp ra ngoài vì lý do công việc, đi học hoặc mua sắm, đồng thời đề nghị các công ty chuyển sang chế độ làm việc từ xa. Các biện pháp hạn chế mới sẽ áp dụng với 121 thành phố, chiếm khoảng 70% trong 10 triệu dân Bồ Đào Nha, trong đó có các khu vực Lisbon và Porto. Biện pháp mới được công bố một ngày sau khi quốc gia này ghi nhận số ca mắc mới tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay. Hiện Bồ Đào Nha ghi nhận tổng cộng hơn 141.000 ca mắc bệnh và 2.507 ca tử vong.
Chính phủ Anh thông báo sẽ không loại trừ khả năng gia hạn biện pháp phong tỏa 4 tuần sắp áp dụng với vùng England nếu tỷ lệ lây nhiễm không giảm. Trước đó, ngày 31/10, chính phủ ban bố lệnh phong tỏa xứ England trong 4 tuần sau khi xuất hiện nhiều cảnh báo rằng các bệnh viện sẽ quá tải trong vài tuần tới. Lệnh phong tỏa có hiệu lực từ ngày 5/11 tới hết 2/12. Tuy nhiên, Chánh văn phòng nội các Anh Michael Gove cho biết chính phủ sẽ duy trì các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nếu tỷ lệ lây nhiễm (số người bị lây nhiễm virus từ một người mắc bệnh- R) vẫn ở trên mức 1. Theo lệnh phong tỏa mới áp dụng với xứ England, mọi người được yêu cầu ở nhà và chỉ ra ngoài để đi làm, đi học hoặc đi thể dục. Các biện pháp được đưa ra trong bối cảnh tổng số ca mắc bệnh tại Anh đã vượt ngưỡng 1 triệu ca sau khi quốc gia này ghi nhận thêm gần 22.000 ca mắc mới trong ngày 31/10.
Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza nhận định tình trạng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại quốc gia này diễn ra "kinh khủng" đồng thời cảnh báo chỉ có 48 giờ đồng hồ để chính phủ thông qua những hạn chế mới ngăn chặn dịch bệnh lây lan đáng ngại hơn. Trong ngày 31/10, Italy ghi nhận gần 32.000 ca mới mắc COVID-19, con số trong ngày cao kỷ lục kể từ đầu dịch trong khi số ca tử vong mới là gần 300 ca. Tổng số ca tử vong tại Italy vì COVID-19 hiện là 38.618 ca. Trước diễn biến này, Bộ trưởng Speranza nhấn mạnh cần nhanh chóng thông qua những hạn chế mới khi đường cong dịch bệnh vẫn rất cao. Theo ông, một lệnh phong tỏa mới, dù không mở rộng như lệnh phong tỏa áp đặt hồi tháng 3, dường như là lựa chọn duy nhất để kiềm chế số ca nhiễm mới.
Liên quan tới tiến trình phát triển và sản xuất vaccine phòng COVID-19, Tập đoàn dược phẩm AstraZeneca Plc (trụ sở tại Anh) cho biết các nhà quản lý y tế của Vương quốc Anh đã bắt đầu đánh giá vaccine tiềm năng của hãng này. Theo đó, Cơ quan Quản lý Dược phẩm của Anh (MHRA) đang đánh giá về vaccine trên, xem xét các dữ liệu lâm sàng, trao đổi với hãng dược phẩm về tiến trình sản xuất và những thử nghiệm để đẩy nhanh tiến trình cấp phép. Vaccine tiềm năng ngừa COVID-19 của AstraZeneca được phát triển cùng với Đại học Oxford. AstraZeneca cùng với Pfizer nằm trong số những tập đoàn dược phẩm đang dẫn đầu cuộc đua phát triển một loại vaccine ngừa COVID-19, bên cạnh những tên tuổi lớn khác như Johnson & Johnson và Moderna. Các vaccine tiềm năng này đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối và dữ liệu sơ bộ sẽ có trong những tuần tới. Tuần trước, AstraZeneca cho biết trong quá trình thử nghiệm, vaccine của hãng tạo ra được phản ứng miễn dịch ở cả người già và người trưởng thành, cũng như gây ra ít phản ứng phụ có hại ở người cao tuổi.
- Dịch COVID-19: Số ca mắc mới trong ngày tại Nga cao kỷ lục
- Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới, 17 bệnh nhân đã âm tính với SARS-CoV-2
- Dịch COVID-19 sáng 1/11: Thế giới có tổng cộng 46.367.626 ca bệnh và 1.199.729 ca tử vong
Israel cũng thông báo bắt đầu những thử nghiệm lâm sàng một loại vaccine tiềm năng ngừa COVID-19. Vaccine do Viện Nghiên cứu sinh học Israel (IIBR) phát triển đã bước vào giai đoạn mới khi 2 tình nguyện viên được thử vaccine ngày 1/11. Theo kế hoạch, ban đầu Israel sẽ thử nghiệm vaccine này trên 80 người, trước khi mở rộng lên 980 người ở giai đoạn 2 và 25.000 người ở giai đoạn cuối dự kiến vào giữa năm sau. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có khoảng 40 "ứng viên vaccine" được thử nghiệm trên toàn thế giới. 10 trong số đó đang ở giai đoạn cao nhất, với tính hiệu quả được đo lường trên quy mô hàng chục nghìn tình nguyện viên tham gia thử nghiệm.
Lê Ánh/TTXVN
Tags