(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 2/6 theo giờ Việt Nam, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 6.365.173 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 377.397 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục là 2.903.382 người.
Mỹ đang là tâm dịch của thế giới với 1.859.299 ca mắc và 106.925 ca tử vong. Tiếp đến là Brazil với 529.018 ca mắc và 30.046 ca tử vong, Nga với 414.878 ca mắc và 4.855 ca tử vong.
Cũng tại châu Mỹ, Bộ Y tế Mexico thông báo đã ghi nhận thêm 237 ca tử vong do COVID-19 trong ngày 1/6, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 10.167 ca, trong khi số ca mắc tăng thêm 2.771 ca lên 93.435 ca.
Bộ Y tế Chile xác nhận thêm 5.471 ca mắc và 59 ca tử vong ở nước này trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc và tử vong tại Chile lên lần lượt 105.159 ca mắc và 1.113 ca tử vong. Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục lây lan nhanh, Bộ trưởng Y tế Chile Jaime Manalich cho rằng các biện pháp phong tỏa tại thủ đô Santiago và nhiều khu vực khác của đất nước sẽ cần thêm thời gian để đạt được hiệu quả. Các biện pháp hạn chế tại thủ đô Santiago đã được gia hạn áp dụng đến ngày 5/6.
Trong khi đó, tại Venezuela, sau gần 3 tháng thực hiện biện pháp cách ly xã hội, chính phủ đã quyết định triển khai các phương án mới nhằm đưa các hoạt động kinh tế xã hội của đất nước trở lại trạng thái bình thường tương đối, bất chấp tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp. Cụ thể, Chính phủ Venezuela sẽ triển khai nới lỏng linh hoạt các hoạt động trong ngày song song với 10 ngày cách ly xã hội một cách kỷ luật và có tổ chức. Các hoạt động kinh doanh, dịch vụ cũng được chia làm nhiều múi giờ khác nhau.
Tại châu Âu, Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết nước này không có ca nhiễm mới và tử vong nào trong 24 giờ qua. Đây là lần đầu tiên kể từ đầu tháng 3 Tây Ban Nha không có ca nhiễm mới trong ngày.
Chính phủ Séc sẽ cho phép nhà hát, rạp chiếu phim chấm dứt các quy định giãn cách xã hội kể từ tuần tới. Kể từ ngày 8/6, các sự kiện quy mô lớn được phép tăng số người tham gia lên tối đa 500 người, sau đó từ tháng 7 đến hết năm được tăng lên 1000 người.
Tại Ba Lan, Bộ trưởng Giáo dục Dariusz Piontkowski tuyên bố học sinh nước này sẽ không quay trở lại trường trong năm nay. Một phần các trường học sẽ hoạt động như trung tâm chăm sóc trẻ em cho đến ngày 26/6 để giảm bớt gánh nặng khi phụ huynh đi làm. Các lớp trực tuyến sẽ được triển khai và học sinh sẽ được nghỉ trong thời gian thi cử.
Tại châu Á, nhà chức trách y tế Trung Quốc cho biết không ghi nhận ca nhiễm mới nội địa và ca tử vong nào do COVID-19 tại Trung Quốc đại lục trong ngày 1/6. Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, trong ngày 1/6 có thêm 5 ca bệnh “nhập khẩu” Trung Quốc đại lục. Theo đó tính đến ngày 1/6, tại Trung Quốc đại lục có tổng cộng 83.022 ca mắc và 4.634 ca tử vong do COVID-19. Tổng số bệnh nhân bình phục là 78.315 người.
Sau gần 2 tháng thực hiện các biện pháp hạn chế, ngày 2/6, Singapore đã mở cửa lại trường học nhưng thực hiện học luân phiên theo tuần để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo tại trường học. Học sinh sẽ được nhắc nhở hạn chế đi lại và tụ tập, đồng thời lau bàn ghế, các thiết bị chung bằng dung dịch sát khuẩn sau khi sử dụng. Các giáo viên sẽ sử dụng tấm che mặt khi giảng dạy, sử dụng hệ thống loa của lớp học hoặc hệ thống loa cầm tay để tránh phải nói to.
Tại châu Phi, Bộ Y tế Ai Cập ngày 1/6 thông báo nước này đã ghi nhận thêm 1.399 ca mắc, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở quốc gia Bắc Phi này lên 26.384. Tổng số bệnh nhân tử vong do COVID-19 Ai Cập đã lên tới 1.005 người sau khi ghi nhận thêm 46 ca tử vong trong ngày 1/6. Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly (Mốt-xta-pha Mát-bu-li) cảnh báo số ca mắc COVID-19 sẽ tiếp tục tăng trong 2 tuần tới.
Tại Nigeria, chính phủ cho biết sẽ mở cửa trở lại các nhà thờ cũng như cho phép tiến hành các hoạt động tôn giáo. Người đứng đầu Lực lượng đặc nhiệm quốc gia đối phó với khủng hoảng của Nigeria cho biết cơ quan chức năng sẽ ban hành các hướng dẫn cụ thể đối với việc triển khai trở lại các hoạt động tôn giáo.
Đặng Ánh/TTXVN
Tags