(Thethaovanhoa.vn) - Theo tạp chí National Geographic (NatGeo), một sự kiện thiên văn hiếm hoi có tên là "Black Moon" (Mặt Trăng đen) sẽ xuất hiện vào tối hôm nay (ngày 30/9) và sẽ khiến cho bầu trời của vùng Tây Bán cầu tối đen.
Chỉ có những cư dân thuộc Tây Bán cầu (gồm Bắc, Nam Mỹ, phần phía Tây của châu Âu và châu Phi) mới có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng thiên nhiên kỳ bí này.
Nói đến Mặt Trăng đen nhiều người lo lắng đây là một điềm xấu báo hiệu Ngày Tận thế theo như ghi chép trong một truyền thuyết cổ, song giới khoa học cho biết đây là một hiện tượng bình thường không có gì đáng sợ.
Các nhà khoa học giải thích hiện tượng trăng đen xảy ra khi các phần Mặt Trăng được chiếu sáng rơi vào bóng của Trái Đất, do đó Mặt Trăng sẽ biến mất hoàn toàn trên bầu trời và khiến con người không quan sát được nó và màn đêm cũng không xuất hiện chút ánh sáng nào.
Tuy nhiên, một vài ngày sau khi xảy ra hiện tượng này, bạn sẽ thấy một mảnh trăng bạc hình lưỡi liềm dẫn xuất hiện trên bầu trời.
Cứ khoảng 32 tháng thì hiện tượng thiên nhiên bí ẩn này lại xuất hiện một lần và lần gần đây nhất là vào tháng 3/2014. Trăng đen thực chất là cách gọi mà con người tự đặt ra để chỉ lần xuất hiện kỳ trăng mới thứ 2 trong một tháng dương lịch.
Thông thường mỗi năm có 12 kỳ trăng tương ứng với 12 tháng, nhưng mỗi tháng dương lịch bình quân có 30 ngày hoặc 31 ngày, trong khi Mặt Trăng quay quanh Trái Đất chỉ trong 29,5 ngày, do đó những ngày thừa trong năm dương lịch sẽ dồn lại và sẽ có nhiều hơn 11 ngày so với năm âm lịch. Những ngày này dồn lại, sau khoảng 2 đến 3 năm lại có thêm một kỳ trăng nữa. Và khoảng 32 tháng hoặc lâu hơn, vài tháng lại xuất hiện kỳ trăng mới thứ 2.
Theo báo Los Angeles Times (Thời báo Los Angeles), thuật ngữ Trăng đen hiện không được giới khoa học hay Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) công nhận chính thức.
TTXVN