(Thethaovanhoa.vn) - Trả lời câu hỏi về khả năng Hoa Kỳ tiếp cận vịnh Cam Ranh, Đại sứ Osius tái khẳng định Hoa Kỳ không tìm kiếm và không muốn đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam. Hoa Kỳ tôn trọng chính sách quốc phòng "ba không" của Việt Nam.
- Nhật Bản yêu cầu Mỹ ngăn chặn các vụ phạm tội tại các căn cứ quân sự
- Mỹ xây dựng hai căn cứ không quân tại miền Bắc Syria
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, mở đầu bài phát biểu, Đại sứ Ted Osius cho biết Tổng thống Obama rất xúc động trước sự chào đón nồng hậu của người dân Việt Nam. Ông Ted Osius điểm lại những thành tựu quan trọng đạt được trong chuyến thăm của Tổng thống Obama, khẳng định Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ là thành công lớn của mối quan hệ ngày càng mở rộng giữa hai nước trên tình thần Quan hệ Đối tác Toàn diện.
Đại sứ Ted Osius cho biết khi trao đổi với nhân viên Đại sứ quán một năm trước đây, ông đặt tham vọng thúc đẩy 12 thỏa thuận hợp tác chung với Việt Nam và chỉ dám mong đợi 7-8 thỏa thuận được ký nhân chuyến thăm của Tổng thống Obama.
Tuy nhiên, thực tế là hai nước đã đạt được tới 20 thỏa thuận và điều đó chứng tỏ cả Hoa Kỳ và Việt Nam đều sẵn sàng hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trải dài từ song phương cho tới đa phương như hợp tác kinh tế-thương mại, an ninh-an toàn hàng hải, chống biến đổi khí hậu, giáo dục, khoa học-công nghệ, giải quyết hậu quả chiến tranh, chống buôn bán động vật hoang dã và giao lưu nhân dân…
Theo ông Ted Osius, điều đó cho thấy quan hệ song phương thực sự có nền tảng vững chắc trong vòng 50-60 năm tới.
Về hợp tác kinh tế-thương mại, Đại sứ Ted Osius đánh giá cao việc hai bên ký một số thỏa thuận hợp tác thương mại, trong đó có hợp đồng bán 100 máy bay Boeing cho hãng Vietjet Air, giúp tạo 61.000 việc làm tại Hoa Kỳ. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dù chưa được chính thức thông qua, song ông Ted Osius cho biết Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Việt Nam thực thi đầy đủ các cam kết trong khuôn khổ hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới này.
Theo ông, Chính phủ Việt Nam đã quyết định tham gia TPP, quyết định cải tổ và xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới. Đây cũng là xu hướng tốt và là cơ hội cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Giao lưu nhân dân và hợp tác giáo dục tiếp tục là một thành công trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, đánh dấu bằng sự kiện Việt Nam cấp phép mở Trường Đại học Fulbright tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tình nguyện viên Hoa Kỳ sẽ sang Việt Nam để giảng dạy tiếng Anh, mở rộng thời hạn cấp thị thực cho công dân Hoa Kỳ lên một năm qua đó giúp đơn giản hóa việc đi lại của người dân hai nước.
Về hợp tác an ninh, Đại sứ Ted đánh giá việc Chính quyền Tổng thống Obama dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam là bước đi lịch sử giúp xóa bỏ một rào cản lớn trên con đường bình thường hóa hoàn toàn và tăng cường quan hệ song phương.
Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng cam kết đẩy mạnh hợp tác an ninh với Việt Nam, trong đó có an ninh hàng hải. Ông đánh giá hợp tác trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu tiếp tục là một thành công của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên nhất trí hợp tác đối phó, thích nghi với biến đổi khí hậu, cách thức thúc đẩy hợp tác ở cả đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long.
Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Việt Nam đối phó với nạn hạn hán lịch sử hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long. Về lĩnh vực hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, Đại sứ Ted Osius cho biết hai nước vẫn đang tiếp tục triển khai các nỗ lực và Hoa Kỳ sẽ chia sẻ thông tin với Việt Nam để giúp Việt Nam xây dựng hồ sơ binh sỹ thiệt mạng và mất tích trong chiến tranh. Hoa Kỳ đã chi 92 triệu USD trong thập kỷ qua và thu được nhiều kết quả tích cực nhờ nỗ lực hợp tác của phía Việt Nam.
Ông Ted Osius cam kết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tẩy độc da cam/dioxin tại Đà Nẵng và sân bay Biên Hòa. Đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Hoa Kỳ cũng đang có các dự án hỗ trợ tại 10 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Trả lời câu hỏi của học giả liên quan tới tình hình Biển Đông, Đại sứ Ted Osius cho rằng Trung Quốc đang có các hành động đơn phương, không tôn trọng luật pháp quốc tế tại vùng biển này. Hoa Kỳ kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, không quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông. Đại sứ Ted Osius cho biết Washington muốn có những đối tác mạnh, có khả năng tốt nhất để xác định và đối phó với những thách thức tại tuyến hàng hải trọng yếu này.
Theo ông, các hành động của Trung Quốc đang đẩy một số nước ASEAN gần hơn với Hoa Kỳ và điều này khiến Bắc Kinh phải tính toán khi thực hiện các hành động trên Biển Đông trong dài hạn. Ông cũng cho rằng ASEAN cần có phản ứng thống nhất trước phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài Thường trực về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc trong tranh chấp tại Biển Đông.
Trả lời câu hỏi về khả năng Hoa Kỳ tiếp cận vịnh Cam Ranh, Đại sứ Osius tái khẳng định Hoa Kỳ không tìm kiếm và không muốn đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam. Hoa Kỳ tôn trọng chính sách quốc phòng "ba không" của Việt Nam gồm: không tham gia các liên minh quân sự, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam, không dựa vào nước này để chống nước kia.
Theo Đại sứ Osius, nếu điều kiện cho phép thì Hoa Kỳ có thể sẽ sử dụng các dịch vụ trả phí ở cảng quốc tế Cam Ranh, trong đó có dịch vụ tiếp dầu hay sửa chữa như tàu của Singapore và Nhật Bản đã làm. Tuy nhiên, Hoa Kỳ hoàn toàn không có ý định tiếp cận căn cứ Hải quân của Việt Nam, luân chuyển quân hay đặt căn cứ quân sự tại Cam Ranh. Mọi đồn đoán về những vấn đề này đều không đúng sự thực.
Kết thúc buổi nói chuyện, Đại sứ Ted Osius đánh giá chuyến thăm thành công là nhờ nỗ lực từ cả hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ. Các phát biểu của Đại sứ Ted Osius phản ánh quan điểm khá chính thống của chính quyền Hoa Kỳ về kết quả chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama, cho rằng chuyến thăm đã thành công ngoài sự mong đợi.
Hoa Kỳ đánh giá Việt Nam đã có những nhượng bộ nhất định trong các thỏa thuận song phương để giải quyết các vấn đề cấp bách về kinh tế, an ninh, quốc phòng, nhất là trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đông. Chuyến thăm của Tổng thống Obama đã đặt nền tảng vững chắc để hai nước tiếp tục tăng cường quan hệ trong thời gian tới, nhất là khi Hoa Kỳ sẽ có chính phủ mới vào năm 2017.
TTXVN
Tags