(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 3/11/1957, Liên Xô đã khiến cả thế giới “choáng váng” với việc phóng tầu vũ trụ Sputnik 2 và đưa vật động còn sống đầu tiên vào quỹ đạo. Trên con tầu nhỏ này có một cô chó nhỏ, tên là Laika.
- Chú chó Laika, sinh vật sống đầu tiên bay vào vũ trụ: 60 năm loài người vẫn rơi nước mắt
- Chú chó huyền thoại Hachiko: Ăn đòn rồi được phong thánh
Từ cô chó lạc “ăn ảnh”…
3 năm rưỡi trước khi nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên vào quỹ đạo Trái đất, có tất cả 36 chú chó đã được đưa vào không gian nhưng chỉ với những chuyến bay ngắn.
Laika là một con chó lạc, nặng 16kg, được nhặt trên đường phố thủ đô Moskva chỉ một tuần trước khi được đưa lên vũ trụ.
Cô cùng hai chú chó khác đã được chọn bởi có vẻ điềm đạm và phù hợp nhất với sứ mệnh này. Trong quá trình huấn luyện, các nhà khoa học theo dõi sự lanh lợi của các chú chó bằng việc nhốt chúng trong những chiếc lồng với mức độ chật hẹp ngày càng tăng trong vòng 2 tuần liên tục. Chúng phải thường xuyên luyện tập với máy ly tâm mô phỏng quá trình tăng tốc của tên lửa đẩy, cũng như thiết bị mô phỏng tình trạng không trọng lực. Sau mỗi lần luyện tập, nhịp tim của chúng đều tăng gấp đôi.
Việc Laika được lựa chọn không chỉ đơn thuần ở khía cạnh khoa học. Laika đã “đánh bại” đối thủ sát sườn nhất của mình, Mukha, do “ăn ảnh”.
Ngày 3/11/1957, tại sân bay vũ trụ Baikonur, Sputnik 2 được phóng lên quỹ đạo Trái Đất, mang theo Laika.
Ngay ngày hôm đó, Đài Phát thanh Moskva cho phát đi thông tin rằng những tín hiệu từ Sputnik 2 cho thấy: hoạt động của các thiết bị khoa học vẫn diễn ra bình thường và Laika vẫn sống.
Sáu ngày sau đó, Trái Đất hoàn toàn mất liên lạc với tàu Sputnik 2.
Sau 163 ngày bay liên tục 2.570 vòng quanh quỹ đạo Trái Đất với vận tốc 28.968 km/h, ngày 14/4/1958, Sputnik 2 mang theo xác Laika đã rực cháy trên đường trở về Trái Đất, kết thúc xuất sắc sứ mạng tiên phong của mình.
Lời kể của huấn luyện viên
Không lâu sau khi Sputnik 2 được phóng đi, các nhà khoa học Liên Xô đã phải thừa nhận rằng, do các thiết bị đổ bộ chưa kịp hoàn thiện nên tàu Sputnik 2 đã được xác định là sẽ thực hiện chuyến bay thử nghiệm cảm tử, một đi không trở lại.
Hơn nữa, lượng thức ăn và ôxy chỉ đủ cho Laika dùng 10 ngày, trong khi sứ mệnh của Sputnik 2 kéo dài tới tháng 4/1958, tức là hơn 5 tháng.
Điều đó có nghĩa là số phận của Laika đã được định đoạt ngay từ đầu, nó sẽ chết và bị thiêu cháy cùng với con tàu khi quay trở lại bầu khí quyển Trái Đất.
“Tôi đã xin Laika tha thứ cho chúng tôi và tôi đã khóc khi vuốt ve Laika lần cuối cùng” - nhà sinh vật học Nga Adilya Kotovskaya kể lại ngày bà từ biệt Laika.
Bà Kotovskaya hiện đã 90 tuổi, vẫn tự hào là nhà khoa học tiên phong huấn luyện cho Laika và nhiều động vật khác được đưa vào vũ trụ.
“Chúng tôi chọn những con chó cái bởi chúng không phải nhấc chân lên mỗi khi đi tiểu, như vậy có nghĩa là chúng cần ít không gian hơn những chú chó đực. Và chúng tôi chọn chó lạc bởi chúng lanh lợi hơn và ít đòi hỏi hơn. Chúng tôi biết Laika được chọn có nghĩa là nó phải chết trong chuyến bay vì không có cách nào để đưa nó còn sống trở về. Thời điểm đó, chuyện này là không thể. Biết trước như vậy nên trước khi Laika lên đường làm nhiệm vụ, tôi đã chào từ biệt và chăm sóc tận tình lần cuối cùng” – Kotovskaya nói.
Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa Xuân Mậu Tuất
Tags