27/05/2019 19:33 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Được đánh giá là nền kinh tế có độ mở lớn với thế giới, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ có những tác động nhất định tới kinh tế Việt Nam. Những trao đổi dưới đây giữa phóng viên TTXVN với các chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội, doanh nghiệp sẽ ghi lại những góc nhìn từ cuộc chiến ảnh hưởng tới các ngành, lĩnh vực của kinh tế Việt Nam.
*Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Đoàn Quảng Trị): Lựa chọn nhà đầu tư có uy tín, chất lượng
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung được ví như việc "2 con hổ" có nền kinh tế lớn nhất thế giới "đánh nhau", rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu; trong đó có Việt Nam.
Mỹ là nền kinh tế số 1 thế giới với GDP hơn 20.000 tỷ USD, trong khi đó GDP của Trung Quốc cũng khoảng 13.000 tỷ USD. Như vậy, nếu 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới này có xung đột thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới kinh tế của nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt, nền kinh tế của Việt Nam đang có độ mở rất lớn; kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2018 đạt 480 tỷ USD và GDP đạt khoảng 250 tỷ USD. Tôi cho rằng đây là một thách thức lớn đối với kinh tế Việt Nam.
Thách thức đầu tiên có thể nói đến là vấn đề xuất nhập khẩu, tiếp đó là chính sách tiền tệ. Tôi ví dụ, Trung Quốc đang có xu hướng phá giá đồng Nhân dân tệ, trong khi đó Việt Nam lại có quan hệ xuất nhập khẩu trực tiếp với nước này. Như vậy, chắc chắn Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, các mặt hàng nông sản của Việt Nam chủ yếu là xuất khẩu sang Trung Quốc. Do đó, ngành nông nghiệp cũng sẽ bị tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Trong khi đó, ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập, chưa tạo được giá trị gia tăng lớn. Nguyên nhân chính là quy hoạch đất đai, hạ tầng giao thông, khoa học kỹ thuật... Hiện chi phí vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam còn rẻ hơn chi phí vận chuyển trong nước.
Thời gian tới, nếu không khắc phục được những bất cập này thì ngành nông nghiệp chắc chắn sẽ còn gặp nhiều bất lợi.
Đó là những thách thức mà Việt Nam có thể gặp phải, nhưng vẫn có những cơ hội nhất định như làn sóng đầu tư từ Trung Quốc sẽ quay sang Việt Nam. Bởi, Việt Nam hiện đang được ví như mảnh đất màu mỡ và thế giới đang muốn đầu tư vào.
Do đó, với việc nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam nhiều hơn thì Chính phủ cũng cần phải tính đến và nếu không tận dụng dòng vốn này thì sẽ mất cơ hội.
Đây chính là lúc Việt Nam có quyền quyết định lựa chọn các nhà đầu tư có uy tín, chất lượng và đảm bảo môi trường. Và lựa chọn cao nhất lúc này chính là chất lượng chứ không phải chạy theo số lượng. Bởi năng suất lao động là yêu cầu cuối cùng. Do đó, ngoài việc tiếp cận được nguồn vốn đầu tư thì cũng phải có những ràng buộc như: yêu cầu nhà đầu tư chuyển giao công nghệ, tránh bị lệ thuộc vào nước ngoài, tăng dần năng suất lao động.
Thực tế hiện nay, ngành công nghiệp chế biến chiếm khoảng 70% là thuộc các doanh nghiệp FDI. Mặc dù, khối doanh nghiệp FDI này đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không nhiều nhưng rõ ràng Việt Nam vẫn bị phụ thuộc vào nước ngoài. Trong khi đó, các doanh nghiệp của Việt Nam mới chỉ tham gia được ở khâu gia công trong chuỗi giá trị; còn phần giá trị gia tăng lớn lại thuộc các doanh nghiệp FDI. Do đó, cần phải khắc phục được vấn đề này càng sớm càng tốt.
Trên cơ sở những lợi thế và thách thức thì Chính phủ cũng đã có những kịch bản để ứng phó. Qua đó, làm sao để tận dụng được những cơ hội và giảm thiểu khó khăn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung; đồng thời, giữ vững được nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô.
TS. LS Bùi Quang Tín: Cẩn trọng trong điều hành chính sách tiền tệ
Chính sách tiền tệ của Trung Quốc hiện nay thể hiện rất quyết liệt trong việc phá giá đồng Nhân dân tệ. Khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ thì hàng loạt đồng ngoại tệ khác sẽ bị ảnh hưởng theo. Việt Nam cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng này.
Tuy nhiên, trong chính sách điều hành tiền tệ, tỷ giá, lãi suất thời gian này, Ngân hàng Nhà nước điều hành theo hướng linh hoạt, ổn định, nỗ lực nhằm ổn định các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác. Mối quan hệ giữa tỷ giá và lãi suất là tỷ lệ thuận, tỷ giá tăng lên thì lãi suất tăng nhưng với định hướng ổn định tỷ giá tăng khoảng 2% trong năm nay của Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp cho lãi suất ổn định từ nay đến cuối năm.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều biện pháp cụ thể để điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất như ổn định mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, duy trì thanh khoản VND giúp cho các ngân hàng có dòng tiền.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã tăng tỷ giá trung tâm để theo đà tăng của sự phá giá các đồng tiền nhưng sự tăng này vẫn trong nỗ lực có sự kiểm soát để ổn định cân đối lớn của nền kinh tế.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước quyết tâm tuân thủ theo chuẩn mực về quản trị điều hành, quản trị vốn trong Basel 2 (là phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel; trong đó đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng) đối với hệ thống các ngân hàng thương mại sớm dự kiến vào đầu năm 2020 thì sẽ giúp cho các ngân hàng quản trị rủi ro tốt hơn thay vì tăng trưởng nóng về tín dụng như trước đây.
Ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex): Doanh nghiệp biết tận dụng sẽ giành chiến thắng
Theo gói áp thuế lên tới 200 tỷ USD của Mỹ vừa áp dụng với Trung Quốc, thì các mặt hàng dệt may Trung Quốc sẽ bị áp thuế suất lên tới 10%.
Với tình hình này, Trung Quốc sẽ tìm các bạn hàng mới để bù đắp việc giảm 10% doanh thu ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt thuế, buộc các doanh nghiệp nước này đẩy mạnh xu hướng dịch chuyển sản xuất sang các quốc gia khác để cạnh tranh nhằm tránh bị áp thuế; trong đó có Việt Nam. Cụ thể, doanh nghiệp Trung Quốc có thể dịch chuyển sản xuất, “tuồn” hàng dư sang Việt Nam, đe dọa lợi ích của các doanh nghiệp Việt Nam.
Đặc biệt, còn một điều không thể không tính đến đó là do bị áp thuế cao, doanh nghiệp Trung Quốc buộc phải cắt giảm chi phí từ sản xuất để giảm giá sản phẩm bù vào khiến thị trường cạnh tranh càng khốc liệt.
Vinatex cũng tính toán và nhận thấy có 20 mặt hàng dệt may Việt Nam có cơ hội xuất khẩu nhiều hơn vào thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, thị phần của dệt may Việt Nam trên thế giới rất nhỏ nên cũng không có thể nói trước được nhiều. Vì vậy, cho dù sẽ có lợi thế xuất khẩu một số mặt hàng vào thị trường Mỹ, nhưng cơ hội lại là 50-50 nên chỉ doanh nghiệp biết tận dụng sẽ giành chiến thắng.
Ông Trần Việt Tiến, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh (HAWA): Cơ hội tốt cho ngành công nghiệp gỗ
Việc Mỹ áp thuế suất lên 25% đối với mặt hàng gỗ của Trung Quốc có thể là cơ hội tốt đối với ngành công nghiệp đồ gỗ Việt Nam. Thời gian tới, tình hình xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam sang Mỹ sẽ tiếp tục phát triển.
Bởi khi mức thuế suất tăng không chỉ các doanh nghiệp Trung Quốc mà cả những doanh nghiệp đầu tư vào Trung Quốc sẽ chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam như doanh nghiệp từ châu Âu, Hàn Quốc, Mỹ…
Chẳng hạn trong năm qua, HAWA cũng tiếp nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào Trung Quốc trong ngành này có hướng dịch chuyển sang các nước trong khu vực và Đông Nam Á; trong đó Việt Nam đang được nhiều doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn.
Việc chuyển hướng này Việt Nam cũng có nhiều điểm lợi, nhưng cũng có nhiều thách thức bởi khi các doanh nghiệp đến Việt Nam nhiều trong cùng thời điểm có thể gây tình trạng khủng hoảng lao động. Cùng đó, việc dịch chuyển cũng tạo sự khan hiếm tạm thời trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp.
Cũng có quan điểm lo ngại là khi doanh nghiệp có lợi nhuận tốt trong việc kinh doanh bất động sản công nghiệp chẳng hạn như bán, cho thuê tài sản đó, họ sẽ giảm động lực trong kinh doanh sản xuất. Trong khi đây là ngành sử dụng diện tích mặt bằng sản xuất lớn. Những doanh nghiệp muốn phát triển sản xuất, hay mới vào ngành sẽ phải chịu giá thuê mặt bằng cao, như vậy chi phí cho đầu tư sẽ tăng lên.
Một thách thức khác đặt ra đó là khi Mỹ áp thuế suất cao với mặt hàng gỗ của Trung Quốc sẽ có tình trạng doanh nghiệp Trung Quốc muốn thay đổi nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Để kiểm soát vấn đề này cần có sự bắt tay vào cuộc của các cơ quan nhà nước như hải quan.
Để tận dụng những cơ hội khi các doanh nghiệp lớn chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam, Nhà nước nên có sự chọn lọc trong thu hút đầu tư, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể vào Việt Nam. Những ngành/mảng Việt Nam còn yếu thì nên có những lựa chọn ưu tiên phát triển ngành/mảng đó. Những ngành Việt Nam đang có nhiều thì không nên ưu tiên đầu tư.
Hay những doanh nghiệp có quy mô nhỏ cũng không nên thu hút vì chính những doanh nghiệp này sẽ có những cạnh tranh không lành mạnh với doanh nghiệp trong nước. Do đó, Nhà nước cần có sự chắt lọc trong đầu tư.
Việt Nam cũng cần có các kênh thông tin có thể qua các hiệp hội, hội ngành nghề để cung cấp các thông tin mà những lĩnh vực Việt Nam đang thiếu hay đang thừa; hay có những đơn vị kết nối bài bản. Như vậy, Việt Nam có thể kêu gọi, thu hút được đúng quy hoạch, đối tượng, giá trị thương mại… mà Việt Nam cần để giúp cho ngành đó phát triển hoàn thiện hơn. Nhưng để làm được điều này cần có tổ chức lớn hơn những tổ chức như hội/hiệp hội. Do đó, việc kết nối này rất cần có sự đồng hành từ cấp Chính phủ, bộ ngành, địa phương và các hiệp hội/hội để có những kế hoạch trong thu hút đầu tư.
HAWA kêu gọi sự minh bạch trong sản xuất, nguồn gốc gỗ. Đây cũng là thông điệp của ngành trong việc sử dụng nguồn gốc gỗ hợp pháp. Điều này cũng quảng bá hình ảnh ngành sản xuất đồ gỗ Việt Nam với các nước, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ tìm đến Việt Nam. Thời gian tới, tình hình xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn tính bị động, chỉ làm theo đặt hàng của khách hàng, chưa chủ động trong kế hoạch sản xuất để tận dụng thời cơ phát triển thị trường. Những năm qua, HAWA cũng có những khuyến cáo với doanh nghiệp trong việc giảm lệ thuộc vào lao động như áp dụng công nghệ, cùng với những định hướng trong đào tạo nguồn nhân lực để có thể đáp ứng công nghệ và kế hoạch phát triển sản xuất của doanh nghiệp.
Nhóm PV (TTXVN)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất