(Thethaovanhoa.vn) - Giá năng lượng tăng vọt đang "gióng tiếng chuông báo động" các nhà lãnh đạo châu Âu và tác động đến các thị trường toàn cầu trong phiên 6/10, gây lo ngại về một cuộc khủng hoảng nhiên liệu trong mùa Đông.
Giá dầu của Mỹ chạm mức cao nhất trong gần 7 năm và giá khí đốt tự nhiên cao kỷ lục khi Trung Quốc và các nước tiêu thụ lớn khác đang phải nỗ lực đáp ứng nhu cầu phục hồi nhanh hơn dự kiến sau giai đoạn giảm sút do dịch.
Tại châu Âu, giá khí đốt tự nhiên tăng gần 600% kể từ đầu năm 2021 đến nay do lo ngại mức dự trữ khí đốt thấp hiện nay sẽ không đủ trong mùa Đông. Trong khi tại Mỹ, giá khí đốt tự nhiên kỳ hạn gần đây ở mức cao kỷ lục 12 năm.
Sự không chắc chắn về việc liệu giá năng lượng tăng mạnh có làm gia tăng lạm phát và khiến lãi suất tăng hay không đã gây sức ép lên các thị trường chứng khoán toàn cầu và thị trường trái phiếu châu Âu, đặc biệt là tại Anh, nơi một số công ty năng lượng đã phá sản do giá tăng mạnh.
Khi người tiêu dùng đang đối mặt với sự gia tăng mạnh chi phí nhiên liệu trong mùa Đông, giá năng lượng đã trở thành vấn đề quan trong nhất trong chương trình nghị sự của Liên minh châu Âu (EU).
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã nói giá khí đốt phi mã là điều rất rõ ràng, kêu gọi tiếp tục chú trọng đến năng lượng tái tạo.
- Nhật Bản sử dụng robot kiểm tra nhiên liệu phóng xạ tại nhà máy Fukushima
- Hàng nghìn cuộc biểu tình nổ ra tại Pháp phản đối tăng thuế nhiên liệu
EU, với 90% nhu cầu khí đốt được đáp ứng từ nguồn nhập khẩu, nhấn mạnh Nga đã không tăng nguồn cung khí đốt như một nhà cung cấp lớn khác của khối này là Na Uy.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 6/10 cho biết nước này đang tăng cường cung cấp khí đốt cho châu Âu và sẵn sàng ổn định thị trường.
Tuy nhiên, phó Giám đốc điều hành tập đoàn khí đốt Gazprom (Nga) cho rằng tập đoàn này đang tiếp tục bơm khí đốt tự nhiên vào các bể chứa ngầm tại Nga. Gazprom tuần này cho biết sẽ ưu tiên thị trường trong nước trước khi xuất khẩu do dự báo về mùa Đông lạnh giá.
Lê Minh/TTXVN (Theo Reuters)
Tags