(Thethaovanhoa.vn) - Trong không khí vui mừng, phấn khởi của ngày khai trường, ngày “Toàn dân đưa trẻ đến trường”, sáng 5/9, Trường Trung học Phổ thông(THPT) Chu Văn An tổ chức trang trọng Lễ khai giảng năm học 2018 - 2019. Đây là năm học thầy và trò Trường THPT Chu Văn An triển khai các hoạt động văn hóa hướng tới “Đại lễ kỷ niệm 110 năm Trường Bưởi - Chu Văn An”.
- Hơn 23 triệu học sinh, sinh viên khai giảng năm học mới 2018-2019
- Tổ chức khai giảng năm học mới trên cả nước vào sáng 5/9
Tại Lễ khai giảng, thầy và trò Trường THPT Chu Văn An vinh dự đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến dự, phát biểu và đánh trống khai trường. Cùng dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; đại biểu lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sở, ban, ngành của thành phố Hà Nội.
Trường THPT Chu Văn An thành lập từ năm 1908, nổi tiếng với bề dày thành tích học tập và cơ sở vật chất tốt nhất ở Thủ đô Hà Nội. Là một ngôi trường có truyền thống hiếu học, Trường THPT Chu Văn An được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xếp vào nhóm trường có lớp chuyên trên địa bàn thành phố. Hàng năm điểm đầu vào khối lớp 10 của trường luôn đứng đầu toàn thành phố.
Trong suốt quá trình 110 năm truyền thống, nhất là những năm gần đây, Trường THPT Chu Văn An luôn đạt kết quả cao trong giáo dục, đào tạo; tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp, đỗ đại học và nhận học bổng ở các trường đại học danh tiếng nước ngoài luôn ở nhóm đầu cả nước. Nhà trường đã và đang triển khai có hiệu quả “Đề án Thí điểm chương trình song bằng tú tài Trung học phổ thông quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc - chứng chỉ A-level”; tiếp tục xây dựng và triển khai “Đề án Thí điểm phát triển tổng thể nhà trường đạt tiêu chuẩn chất lượng cao quốc gia theo chuẩn mực quốc tế”.
Trong năm học 2017 - 2018 vừa qua, cùng với thành tích chung của ngành Giáo dục nước nhà và Thủ đô Hà Nội, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã đoạt nhiều giải học sinh giỏi quốc gia, khu vực Duyên hải và Đồng bằng Bắc Bộ và thành phố Hà Nội. Các hoạt động giáo dục toàn diện, phong trào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao... đã thu hút học sinh tham gia và đạt thành tích cao trong các hội thi cấp quốc gia và thành phố. Chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên ngày càng được nâng lên, nhiều thầy giáo, cô giáo đã có thành tích cao trong công tác giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi.
Phát biểu tại Lễ khai giảng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng những kết quả, thành tích xuất sắc của toàn ngành Giáo dục nói chung, ngành Giáo dục Thủ đô và Trường THPT Chu Văn An nói riêng trong những năm qua.
Chủ tịch nước nêu rõ, Trường THPT Chu Văn An là ngôi trường lâu đời, giàu truyền thống “Yêu nước - cách mạng - dạy tốt - học giỏi” của nền giáo dục Việt Nam. Trong suốt lịch sử hào hùng của dân tộc, nhiều thế hệ thầy giáo, cô giáo nhà trường đã nêu gương sáng về tài năng và đức độ, cống hiến hết mình cho nền giáo dục và sự nghiệp cách mạng nước nhà, như: Liệt sĩ- Giáo sư Dương Quảng Hàm, Giáo sư Tạ Quang Bửu, nhà giáo Ngô Gia Tự, nhà giáo Nguyễn Lân…
Từ Trường Bưởi - Chu Văn An, nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành, đóng góp công sức, trí tuệ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều cựu học sinh nhà trường đã trở thành các nhà lãnh đạo nổi tiếng của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân, nhà khoa học, kỹ sư, bác sĩ, nghệ sĩ, doanh nhân thành đạt, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Lê Trọng Tấn, Giáo sư Ngụy Như Kon Tum, Giáo sư Tôn Thất Tùng, Nhà văn Nguyễn Đình Thi, Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm… Trường Bưởi - Chu Văn An còn là cái nôi đào tạo cán bộ các nước bạn, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Cay-xỏn Phôm-vi-hản (Kaysone Phomvihane).
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của sự nghiệp giáo dục, đào tạo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chỉ rõ, năm học 2018 - 2019 có ý nghĩa quan trọng đối với ngành Giáo dục nước nhà trong việc tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng tốt nhất yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang mong muốn, phát huy truyền thống trường Bưởi - Chu Văn An, thầy và trò trường THPT Chu Văn An nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu:
“Các thầy dạy bảo tốt,
Các cháu học tập tốt,
Mọi người lao động tốt,
Cả trường đoàn kết tốt”.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, thầy và trò trường THPT Chu Văn An cần ra sức thi đua dạy tốt, học tốt, nâng cao chất lượng công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, giúp học sinh phát triển tư duy sáng tạo, độc lập và khả năng kết nối học tập, tinh thần hợp tác. Phát triển hơn nữa văn hóa đọc, góp phần tạo hành trang kiến thức toàn diện cho học sinh. Nâng cao trình độ ngoại ngữ, rèn luyện kỹ năng đáp ứng tốt mục tiêu hội nhập, phát triển và đào tạo công dân toàn cầu.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị nhà trường tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh; kết hợp chặt chẽ giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có chuyên môn nghiệp vụ giỏi, nêu cao tinh thần trách nhiệm, khát vọng cống hiến, giữ vững ngọn lửa đam mê với sự nghiệp giáo dục.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang mong muốn các em học sinh phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, ý chí vươn lên, nỗ lực thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt, trở thành con ngoan, trò giỏi, để mai sau là những công dân tốt, tích cực góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các bậc phụ huynh tiếp tục quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo; tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học để các em học sinh được học tập, phát triển trí tuệ, kỹ năng, thể lực ngày càng tốt hơn. Cùng với đó, cần chú trọng quan tâm chăm sóc các em học sinh là con em thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chúc trường THPT Chu Văn An mãi xứng đáng là ngôi trường mang tên người thầy Chu Văn An, danh sư của muôn đời, là Đơn vị Anh hùng thời kỳ đổi mới, “Lá cờ đầu” của ngành Giáo dục Thủ đô và của cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh trống khai giảng năm học mới tại Kon Tum
Trong không khí hân hoan của hàng chục triệu học sinh, sinh viên cả nước bước vào năm học mới 2018 – 2019, sáng 5/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự, đánh trống khai giảng và chung vui với thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc nội trú Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Đây là một trong những huyện nghèo của tỉnh Kon Tum, nơi được ví như “cổng trời” bởi độ cao chót vót hàng ngàn mét với đồi núi trập trùng, dân cư phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, sống từng cụm nên việc dạy và học gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Cùng dự ngày hội khai trường tại đây có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ và đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành và địa phương.
Trường Phổ thông dân tộc nội trú Tu Mơ Rông có 385 học sinh; trong đó có 382 em là người đồng bào dân tộc thiểu số, theo học tại 14 lớp. Trước đây, tình trạng học sinh bỏ học diễn ra thường xuyên nên ngoài buổi dạy, các thầy cô giáo phải băng rừng, lội suối đến tận nhà vận động học sinh đến lớp.
Bày tỏ xúc động đến dự lễ khai giảng tại một trường vùng núi xa xôi nắng gió còn nhiều khó khăn của tỉnh Kon Tum, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc nội trú Tu Mơ Rông để chuẩn bị cho một ngày khai giảng ấm cúng, tràn ngập không khí thi đua dạy và học mở đầu năm học mới.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi những tình cảm thân thương nhất đến tất cả các em học sinh, sinh viên cả nước trong ngày hội khai trường, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng gặp nhiều khó khăn, vùng thiên tai. Thủ tướng nêu rõ, cả nước dành sự quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp giáo dục đào tạo và nỗ lực đảm bảo để các em học sinh có đủ lớp học, đủ thầy, cô giáo, sách giáo khoa trong năm học mới.
Khẳng định tình cảm, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo, Thủ tướng nhấn mạnh giáo dục, phát triển đất nước là sự nghiệp chung của 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam thân yêu.
“Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm, tạo điều kiện cho sinh viên, học sinh, thế hệ trẻ các dân tộc anh em cùng sánh vai, đoàn kết, phát triển trên mọi vùng miền của cả nước”, Thủ tướng nói.
Nhắc lại Thư của Bác Hồ gửi đồng bào dân tộc thiểu số, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, lời dạy đó vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay. Bày tỏ ấn tượng về việc cả nước có 319 trường dân tộc nội trú, Thủ tướng cho rằng đây là sự quan tâm trực tiếp đến trẻ em vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để các em có điều kiện học tập, phát triển trong tương lai.
Tâm sự với các em học sinh nhà trường rằng bản thân Thủ tướng cũng từng học dưới những mái trường tập trung, đầy khó khăn gian khổ, Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính các em sẽ là tương lai của đất nước” và mong muốn các em học sinh tiếp tục nỗ lực phấn đấu để xứng đáng với sự trông đợi của Đảng, Nhà nước và gia đình.
Vui mừng nhận thấy, năm vừa qua, tỷ lệ học sinh đi học, đến lớp đầy đủ ở Trường nội trú Tu Mơ Rông là khá cao trong bối cảnh đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, Thủ tướng cho rằng đây là nỗ lực lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương và thầy cô giáo nhà trường. Bên cạnh đó, năm học qua, trường đạt 98,7% tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông, 30% học sinh được xét tuyển vào các trường đại học cao đẳng, Thủ tướng cho rằng đây là tỷ lệ cao đối với một trường dân tộc nội trú như Tu Mơ Rông.
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị ngành Giáo dục và đào tạo cả nước và tỉnh Kon Tum thực hiện nghiêm Nghị quyết 29 của Trung ương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; thực hiện chuyển giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang giáo dục toàn diện; chú trọng phẩm chất và năng lực. Điều này đòi hỏi kỹ năng, kiến thức, phương pháp của người thầy với yêu cầu lấy học sinh làm trung tâm, mang lại niềm cảm hứng học tập cũng như những kỹ năng cần thiết phấn đấu không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng cũng đề nghị ngành giáo dục Kon Tum đảm bảo số lượng, chất lượng giáo viên để việc dạy và học đạt kết quả tích cực phù hợp với chương trình mới.
Nhấn mạnh: “Hiền tài trong tương lai là thế hệ hôm nay”, Thủ tướng đề cập đến trách nhiệm giáo dục đào tạo lớp trẻ; đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, dành ngân sách thỏa đáng để cải thiện phòng học, thư viện, nhà vệ sinh; đảm bảo tốt hơn nữa điều kiện đi lại, ăn ở của các em, các cháu, nhất là vùng sâu vùng xa; bình đẳng trong học tập, làm việc, thăng tiến để xuất hiện ngày càng nhiều nhân tài.
“Chúng ta phải làm sao để con cháu của nông dân, của công nhân, của người nghèo, của đồng bào dân tộc thiểu số đều có cơ hội học tập, tiến thân; đều có cơ hội trở thành lãnh đạo của đất nước trong tương lai”, Thủ tướng nói và nhắn nhủ đến các em học sinh nhà trường cần có hoài bão, phấn đấu để trở thành tiến sỹ, bác sỹ, kỹ sư, công nhân lành nghề, hoặc trở thành những thầy giáo, cô giáo hoặc làm người nông dân xuất sắc của nông nghiệp công nghệ cao.
Nhắc đến Sâm Ngọc Linh – loài cây thuốc đặc biệt quý hiếm của địa phương, song Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính các em, các cháu mới là hạt giống quý báu nhất mà các thầy giáo, cô giáo nhà trường đang ngày đêm vun trồng. Các cháu, các em chính là cây sâm Ngọc Linh của trường phổ thông dân tộc nội trú Tu Mơ Rông”.
Thủ tướng cũng yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương, thầy cô giáo nhà trường và gia đình các em học sịnh đảm bảo điều kiện học tập trước hết là sách giáo khoa; tiếp tục tăng cường trang bị dạy học, “không phải dạy chay học chay”; tạo môi trường thân thiện, an toàn, lành mạnh trong trường; đảm bảo dinh dưỡng cho các cháu và nâng cao thể lực các em ngay trong nhà trường. Đặc biệt, Thủ tướng căn dặn cần phải có nhà vệ sinh đạt chuẩn để đảm bảo sức khỏe lâu dài cho các cháu. Trong chính sách, cần ưu tiên gia đình nghèo, thương binh, liệt sỹ.
Thủ tướng cũng yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm đối với thầy cô giáo và các em học sinh.
Đề cập đến truyền thống hiếu học của dân tộc, Thủ tướng mong muốn thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc nội trú Tu Mơ Rông nỗ lực quyết tâm cao hơn mức bình thường để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong tình hình mới.
Tại lễ khai giảng, Thủ tướng đã trao 500 bộ sách giáo khoa tặng các em học sinh nhà trường. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng trao 50 triệu tặng thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc nội trú Tu Mơ Rông.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Lễ khai giảng năm học mới tại TP HCM
Sáng 5/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dự Lễ khai giảng năm học mới 2018-2019 và vinh danh học sinh xuất sắc tại Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong, Thành phố Hồ Chí Minh.
Tham dự có: ông Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng...
Trong không khí tươi vui của ngày hội khai giảng năm học mới, hơn 1.700 học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong đã được nghe đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đọc Thư Chúc mừng năm học mới của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Tiếp theo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đánh trống khai trường.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội gửi đến các thầy giáo, cô giáo, các vị phụ huynh, cùng toàn thể các cháu học sinh lời chúc sức khỏe và lời chúc năm học mới 2018- 2019 thành công tốt đẹp.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất để đầu tư cho sự nghiệp giáo dục, xem giáo dục là quốc sách hàng đầu, đồng thời xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai; giáo dục vừa là động lực, vừa là mục tiêu cho sự phát triển của xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết'', “Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta”. Giáo dục tốt sẽ tạo ra đội ngũ những người lao động, những cán bộ có tri thức góp phần phát triển đất nước bền vững. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, phát huy truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, chương trình, kế hoạch... để thúc đẩy sự phát triển của ngành giáo dục và đào tạo.
Trường Lycee Petrus Trương Vĩnh Ký được thành lập năm 1927 với kiến trúc đẹp, cổ kính, trang nghiêm. Ngay từ những ngày đầu thành lập, trường đã được xác định mục tiêu đào tạo chất lượng cao, là nơi tập hợp những nhà trí thức, những thầy, cô giáo hàng đầu, tuyển chọn những học sinh ưu tú. Truyền thống đó được nối dài mãi đến ngày hôm nay.
Ngôi trường Petrus Ký - Lê Hồng Phong là cái nôi nuôi dưỡng, ươm tạo nhân cách của nhiều nhà cách mạng, trí thức lớn, như: Giáo sư Phạm Thiều, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Giáo sư -Viện sĩ - Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa, Giáo sư - Bác sĩ Trịnh Kim Ảnh, Giáo sư - Tiến sĩ - Nhạc sĩ Trần Văn Khê... và cũng là xuất phát điểm của nhiều thế hệ lãnh đạo Đảng và Nhà nước như nguyên Chủ tịch nước: Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang…
Trong bề dày lịch sử của mình, ngôi trường hơn 90 năm tuổi không chỉ tự hào về thành tích học tập mà còn tự hào là cánh chim đầu đàn của phong trào học sinh - sinh viên. Các thế hệ học sinh của trường luôn rất hăng hái trong các hoạt động đoàn thể, phong trào yêu nước, văn hóa - văn nghệ - thể dục thể thao.
Ngày 9 tháng 1 năm 1950 đã đi vào lịch sử dân tộc, trở thành ngày truyền thống của học sinh - sinh viên cả nước. Sự hy sinh của cậu học trò Trần Văn Ơn - một cột trụ của phong trào học sinh yêu nước của Trường Petrus Ký đã làm bùng cháy ngọn lửa nhiệt huyết, trở thành biểu tượng của ý chí đấu tranh và lòng tự hào dân tộc của bao thế hệ học sinh, sinh viên.
Hòa bình được lập lại, mái trường cổ kính lại tiếp tục là nơi nuôi dưỡng, chắp cánh cho những tài năng trẻ của đất nước. Từ năm 1995, được Thủ tướng Chính phủ tin tưởng, giao trọng trách trở thành trung tâm đào tạo học sinh chất lượng cao của các tỉnh, thành phố phía Nam, trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong luôn nỗ lực và gặt hái nhiều thành tích đáng tự hào với hơn 90% học sinh thi đỗ vào các trường đại học hằng năm và đóng góp cho Thành phố Hồ Chí Minh nhiều học sinh giỏi, là mũi nhọn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc xây dựng và phát triển thành phố, cũng như cho đất nước.
Bày tỏ vui mừng khi đến tham dự Lễ Khai giảng tại một ngôi trường có truyền thống, tiêu biểu của Thành phố Hồ Chí Minh và của cả miền Nam, Chủ tịch Quốc hội vui mừng được biết, học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong đã tiếp nối được truyền thống của các thế hệ trước, không chỉ học giỏi mà là giỏi toàn diện với nhiều hoạt động Đoàn và phong trào sôi động thu hút học sinh tham gia. Nhà trường đã tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, tiếp cận các chương trình tiên tiến trên thế giới, tăng cường các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo cho học sinh.
Bên cạnh việc duy trì thế mạnh trong các cuộc thi truyền thống, Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong cũng là đơn vị đi đầu trong phong trào học sinh nghiên cứu khoa học.
Chỉ tính riêng năm học vừa qua, các em học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong đã đạt được nhiều giải quốc tế, quốc gia, khu vực và thành phố (đạt được 6 giải quốc tế, 66 giải quốc gia, 60 giải khu vực và 411 giải thành phố).
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố lớn, là trung tâm về nhiều mặt của cả nước, luôn năng động, sáng tạo, tích cực, đi đầu trong mọi công cuộc đổi mới. Thời gian qua, thành phố đã mạnh dạn đề xuất những giải pháp sáng tạo, có tính đột phá, mang tính đặc thù, trong đó có các cơ chế, chính sách liên quan đến giáo dục đào tạo nhằm mang lại hiệu quả tích cực, thực chất. Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm, ủng hộ những chủ trương, giải pháp đột phá của Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhấn mạnh đến những thách thức lớn, trong đó nổi bật là nhu cầu đặc biệt lớn đối với nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cho quá trình hội nhập quốc tế và khu vực, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, để giải quyết vấn đề này, thành phố cần tiếp tục dành nhiều ưu tiên cho việc đầu tư và phát triển giáo dục đào tạo, quan tâm ưu tiên quỹ đất, nguồn kinh phí và đẩy mạnh công tác xã hội hóa để đáp ứng nhu cầu phát triển trường lớp, cơ sở vật chất cho giáo dục; mạnh dạn tăng thêm quyền tự chủ về tài chính, nhân sự cho ngành giáo dục, đổi mới cơ chế quản lý nhằm tăng tính chủ động cho các đơn vị cơ sở.
Hiện nay, chương trình giáo dục mới sắp được triển khai thí điểm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh có sự chuẩn bị chủ động và tích cực, trong đó cần quan tâm hơn đến công tác đào tạo - bồi dưỡng đội ngũ thầy cô giáo, chú trọng đổi mới tư duy, bồi dưỡng kỹ năng sử dụng các phương pháp dạy học hiện đại. Đồng thời, thành phố cũng cần nghiên cứu, đề xuất và xây dựng các chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý để thầy cô giáo yên tâm với nghề, thu hút được nguồn nhân lực giỏi, chất lượng cho sự nghiệp giáo dục.
Đánh giá ngành giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh luôn là đơn vị đi đầu về đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập, phương pháp kiểm tra - đánh giá, trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thành phố cần đẩy mạnh công tác đào tạo và bồi dưỡng; tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ý chí phụng sự Tổ quốc, xã hội và kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên; đồng thời cần chú trọng phát triển tư duy khoa học, sáng tạo, tìm tòi, nghiên cứu của học sinh; tiếp tục đẩy mạnh giáo dục toàn diện, quan tâm thúc đẩy giáo dục các kỹ năng thực hành xã hội, kỹ năng sử dụng tiếng Anh và tin học, nhất là mục tiêu đào tạo “công dân toàn cầu”.
Trong không khí tươi vui của ngày hội khai giảng năm học mới, gửi tới các học sinh nhân ngày khai trường, Chủ tịch Quốc hội chúc: “Các cháu hãy bắt đầu năm học mới với niềm hứng khởi, say mê, giữ lại cho mình những phút giây đẹp nhất của tuổi học trò, vô tư bên người thân, thầy cô, bạn bè. Được học dưới một ngôi trường có bề dày thành tích trong đấu tranh, rèn luyện và học tập, các cháu hãy thắp tiếp ngọn lửa truyền thống học tập say mê, rèn luyện đạo đức và lối sống tốt để phục vụ nhu cầu của chính bản thân mình, giúp đỡ cho gia đình, trang bị cho mình hành trang đầu đời để trở thành những công dân có ích cho thành phố, cho đất nước”.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao phần thưởng cho những học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong trong năm học 2017-2018 đã đạt nhiều thành tích xuất sắc trong học tập, được tuyển thẳng vào một số trường đại học lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự khai giảng tại Trường Tiểu học Thanh Trì
Hòa chung không khí vui tươi, phấn khởi trong Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, sáng 5/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến dự lễ khai giảng năm học mới 2018 – 2019 tại Trường Tiểu học Thanh Trì, quận Hoàng Mai (Hà Nội). Năm học 2018-2019, Trường Tiểu học Thanh Trì đón nhận 446 em học sinh lớp Một.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thăm hỏi, trao đổi với các thầy cô, phụ huynh học sinh. Phó Thủ tướng đánh giá cao thành tích mà tập thể giáo viên, học sinh nhà trường đã đạt được trong những năm qua; đồng thời mong muốn nhà trường tiếp tục phát huy mặt tốt, khắc phục hạn chế để hoàn thành nhiệm vụ giáo dục đề ra trong thời gian tới. Phó Thủ tướng cũng đề nghị Hội Phụ huynh học sinh phối hợp chặt chẽ với nhà trường để rèn luyện các cháu ngay từ khi còn “măng non”, đặc biệt phải chỉ bảo để các cháu thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy thiếu nhi Việt Nam...
Tại lễ khai giảng, toàn thể thầy cô giáo, phụ huynh, các em học sinh cùng lắng nghe lời chúc mừng và căn dặn của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong bức thư gửi các em học sinh cả nước nhân Ngày khai trường năm học mới 2018 - 2019.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Trì Nguyễn Thúy Vân nêu rõ: Trong năm học vừa qua, dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nhà trường đã nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Trong đó, các hoạt động giáo dục được ổn định; chất lượng đại trà, chất lượng mũi nhọn được duy trì; các hoạt động thể dục thể thao có nhiều thành tích; hoạt động giáo dục toàn diện khởi sắc đã tạo nên hiệu quả chất lượng trong giảng dạy và học tập. Năm học 2017-2018, đã có 1 học sinh của trường đoạt giải quốc tế, 3 học sinh đạt giải cấp quốc gia, nhiều học sinh giành giải thưởng cấp quận; nhiều giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp cơ sở và quận... Năm học mới 2018 - 2019, tập thể cán bộ giáo viên, học sinh nhà trường phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của năm học.
Đồng chí Võ Văn Thưởng đánh trống khai giảng năm học mới tại Ninh Thuận
Hòa chung không khí sôi nổi cùng cả nước chào đón năm học mới 2018 - 2019, sáng 5/9, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cùng đoàn công tác đã dự lễ, đánh trống khai giảng năm học mới tại Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Ninh Thuận.
Trong không khí vui tươi đón chào năm học mới của Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Ninh Thuận, đồng chí Võ Văn Thưởng biểu dương những thành quả mà thầy và trò của nhà trường đã đạt được trong năm học vừa qua cũng như sự quyết tâm của của Ban Giám hiệu nhà trường và toàn thể học sinh trong năm học mới 2018 - 2019.
Thay mặt đoàn công tác, đồng chí Võ Văn Thưởng đã đánh trống khai giảng năm học mới 2018 - 2019, tặng quà lưu niệm cho Ban Giám hiệu nhà trường; qua đó mong muốn thầy và trò Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Ninh Thuận tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu đạt nhiều kết quả hơn nữa trong năm học mới; tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 29 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Ông Đàng Quang Linh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Ninh Thuận cho biết: Năm học 2017 - 2018 tuy có nhiều khó khăn nhưng nhà trường đã nỗ lực thực hiện tốt công tác dạy và học. Nhờ đó tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm khá, tốt; học lực khá, giỏi đều tăng; tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp vượt chỉ tiêu đề ra; tỷ lệ học sinh thi đỗ các trường đại học, cao đẳng tăng theo các năm.
Năm học mới 2018 - 2019, Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Ninh Thuận đón 291 học sinh của 6 dân tộc anh em trong tỉnh học tập tại trường. Với sự quan tâm của các cấp, thầy và trò Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Ninh Thuận quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học mới 2018 - 2019 và những năm tiếp theo, xứng đáng là trường chuyên biệt cấp tỉnh, có nhiệm vụ giáo dục, nuôi dạy học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh.
TTXVN
Tags