Muôn hình vạn trạng
Tờ Sun mở màn bằng việc đưa tin đã phát triển thành công một công nghệ “có một không hai”, khiến cho tờ báo của họ lần đầu tiên có hương vị. Sun khuyến cáo độc giả nên liếm vài trang báo mới in để “khám phá một vị đặc biệt mà họ chưa từng được thưởng thức”. Tuy nhiên ngay khi độc giả định thè lưỡi liếm vào khoảng trống mà Sun dành riêng cho việc thử vị trang báo đặc biệt, họ sẽ thấy một dòng chữ ngắn với nội dung rõ ràng: “Bên trong có chứa sự dở hơi”.
Đổi tên công ty, trò đùa trong ngày Cá tháng Tư của Google
Tờ Daily Mail nhập cuộc bằng tuyên bố nhân viên ở trung tâm sửa chữa xe hỏng Automobile Association (AA) sẽ được trang bị thiết bị bay phản lực cá nhân. Dưới tiêu đề “Airborne Association”, tờ báo cho biết việc này sẽ giúp nhân viên AA có thể bay qua các con đường đang kẹt cứng để tới với những chiếc xe hỏng. Daily Mail thậm chí còn tăng độ “xác thực” của câu chuyện bằng việc trích lại lời tiến sĩ Raif Lopol, chiến lược gia trưởng phụ trách công nghệ ở AA: “Những chiếc xe lưu động của AA sẽ đỗ trong bán kính 1 dặm, với tâm là chiếc xe hỏng. Tiếp đó, các thợ sửa xe với thiết bị bay phản lực cá nhân sẽ cất cánh từ phần thùng phía sau xe tải”.
Trò đùa lâu đời
Không ai rõ ngày Cá tháng Tư ra đời như thế nào. Trong khi có một vài ý kiến cho rằng nó xuất hiện ở thời La Mã, phần đông giới quan sát đều tin ngày này bắt nguồn từ thế kỷ 16, tại Pháp. Cụ thể, năm 1582, Vua Charles IX đã xóa bỏ lịch truyền thống và sử dụng dương lịch hiện đại, trong đó dời thời điểm năm mới từ cuối tháng 3 lên ngày 1/1. Quyết định này đã làm xuất hiện một làn sóng trêu chọc những ai vẫn còn mừng năm mới theo lịch cũ, coi họ là những kẻ khờ khạo. Một trong những trò đùa phổ biến thời đó là thả một con cá giấy vào lưng kẻ bị trêu. Nạn nhân của các trò đùa kiểu này thường bị gọi là Poisson d’Avril, hay Cá tháng Tư, và thuật ngữ đó tiếp tục được sử dụng cho tới ngày nay.
Chiếc bút có khả năng nhớ mọi thứ, trò đùa của Artline
Đùa cợt trong ngày 1/4 là truyền thống mà báo chí Anh tự hào. Hồi năm 1957, chương trình tin tức Panorama của BBC đã kể một câu chuyện về việc Thụy Sĩ được mùa spaghetti do các “cây spaghetti” ở đây cho ra nhiều “quả”. Sử dụng lối kể chuyện thản nhiên như không, với những thông tin hết sức thuyết phục, trò đùa này đã khiến rất nhiều thính giả mắc lỡm. Cho tới nay, nó vẫn được xem là trò chơi khăm kinh điển trong ngày Cá tháng Tư.
Internet tiếp sức
Ngoài giới báo chí, nhiều công ty cũng đã có các trò đùa riêng của họ. Thời đại Internet đã mang tới những cơ hội đùa cợt mới. Đơn cử như trang chủ của Google ở Anh đã mở thêm một dịch vụ mới mang tên Google Animal Translate (dịch ngôn ngữ động vật). Google nói rằng dịch vụ này đảm bảo sẽ giúp bạn biết rõ những con vật nuôi yêu dấu đang nghĩ điều gì.
Khách sạn Holt ở Iceland đã đưa lên trang web của họ lời mời du khách bốn phương tới đây để du ngoạn thắng cảnh xung quanh núi lửa Fimmvorduhals mới tỉnh giấc. Du khách sẽ được đưa tới các điểm hoạt động mạnh của núi lửa để tham quan. Họ sẽ được ăn một bữa với rượu champagne khai vị, súp, tôm hùm nướng, cá và ức gà. Tất cả được bốn đầu bếp tài hoa của khách sạn nấu nướng trên nham thạch nóng chảy.
Hãng làm bút Artline quảng cáo trên trang web của mình rằng họ vừa chế tạo được một chiếc bút có khả năng nhớ mọi thứ người ta đã ghi ra. “Hãy quên đi mối lo của việc mất danh sách mua sắm hay các mẩu giấy với những cái tên, con số quan trọng trên đó” - đoạn quảng cáo của Artline viết - “Bạn có thể tải về máy tính những thông tin này bởi chúng đã được lưu lại khi bạn ghi chép”. Được biết trò đùa Cá tháng Tư năm ngoái của công ty này là một chiếc bút được trang bị “siêu chip” nhằm giúp nó không bao giờ có thể bị mất trộm.