(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 16/8, Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham cho biết chính phủ nước này đang lên kế hoạch thí điểm đón sinh viên quốc tế trở lại Australia từ tháng 9/2020.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Bộ trưởng Birmingham cho hay dự kiến trong đợt đầu chương trình thí điểm được thực hiện vào tháng 9, khoảng 300 sinh viên quốc tế từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hong Kong (Trung Quốc) sẽ tập trung tại Singapore trước khi bay đến thành phố Adelaide, thủ phủ bang Nam Australia.
Toàn bộ sinh viên này sẽ được cách ly y tế theo quy định trước khi tham gia học tập. Chi phí di chuyển và cách ly tại các khách sạn sẽ được chia sẻ giữa các sinh viên và trường đại học mà các sinh viên này theo học.
Đề cập đến lý do chọn Adelaide là điểm đến cho cuộc thí điểm này, ông Birmingham cho biết bang Nam Australia đã kiểm soát tốt dịch bệnh trong thời gian qua với 18 ca mắc kể từ đầu tháng 7 cho tới nay, đặc biệt là hạn chế tối đa bùng phát các trường hợp lây nhiễm cộng đồng. Toàn bộ sinh viên khi đến Australia sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm dịch an toàn nghiêm ngặt.
Ngành giáo dục quốc tế đóng góp khoảng 40 tỷ AUD (28,73 tỷ USD) cho nền kinh tế Australia. Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, có hơn 500.000 sinh viên quốc tế theo học tại Australia. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, đa số sinh viên quốc tế không thể trở lại hoặc đến Australia tiếp tục theo học do các biện pháp đóng cửa biên giới để phòng dịch. Khoảng 65.000 trong số 100.000 sinh viên Trung Quốc có chương trình học tại Australia chưa thể quay trở lại đất nước này. Ngoài ra còn lượng lớn sinh viên từ Ấn Độ, Nepal và Việt Nam cũng đang không thể đến Australia vào thời điểm này.
Đại dịch COVID-19 khiến các trường đại học của Australia dự kiến sẽ thất thu khoảng 3 tỷ AUD (2,16 tỷ USD) tiền học phí trong năm 2020. Trong khi đó, nhiều dịch vụ đi kèm như cho thuê nhà, kinh doanh ăn uống, mua sắm, giải trí và du lịch cũng chịu thiệt hại lớn do thiếu hụt lượng sinh viên quốc tế.
Australia đang phải nỗ lực nhằm kiềm chế tình trạng lây lan dịch COVID-19 sau nhiều tháng không ghi nhận ca lấy nhiễm trong cộng đồng. Tính đến nay, có hơn 23.000 ca mắc COVID-19 và 421 ca tử vong tại nước này.
Trong khi đó, chính quyền bang New South Wales, Australia đã ban hành quy định mới nhằm khống chế dịch COVID-19 lây lan, theo đó cấm chơi các nhạc cụ hơi và biểu diễn hợp xướng tại trường học trên toàn bang đông dân nhất Australia này.
Thông báo của Cơ quan giáo dục bang New South Wales nêu rõ tất cả hoạt động hát hợp xướng hay việc sử dụng các nhạc cụ hơi như sáo ống, kèn trong trường học và hoạt động nhảy múa đều không được phép tại bang New South Wales. Bên cạnh đó, các hoạt động dạ hội, lễ tốt nghiệp tại trường học và một số hoạt động xã hội khác cũng bị cấm.
Theo nhà chức trách bang New South Wales, các biện pháp mới này sẽ giúp các trường công lập tại Sydney nói riêng và trên toàn bang New South Wales hoạt động an toàn nhất có thể sau khi những cơ sở giáo dục này đã mở cửa trở lại.
Cùng ngày, Thủ hiến bang New South Wales Gladys Berejiklian đã lên tiếng xin lỗi vì cách xử lý của chính quyền bang liên quan đến ổ dịch trên du thuyền Ruby Princess hồi cuối tháng 3 vừa qua. Thủ hiến Berejiklian nhấn mạnh bài học đã không được rút ra kịp thời và bà gửi lời xin lỗi thay cho tất cả những cá nhân và cơ quan đã phạm phải sai lầm. Bà đặc biệt xin lỗi 62 người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 từ một du khách trên thuyền trên.
Hồi tuần trước, một cuộc điều tra về ổ dịch bùng phát trên tàu Ruby Princess đã kết luận rằng giới chức y tế bang New South Wales đã gây ra sai lầm "không thể bào chữa được" khi cho phép 2.700 hành khách, 120 người trong số này cảm thấy không khỏe, rời thuyền lên bờ mà không tiến hành kiểm tra sức khỏe đối với những người này.
Giới chức y tế bang New South Wales vào thời điểm đó đã cho rằng tàu này có mức độ rủi ro thấp trước khi phát hiện một số hành khách và thủy thủ nhiễm virus SARS-CoV-2. Cuộc điều tra cũng cho thấy 914 người mắc COVID tại bang New South Wales có thể liên quan đến du thuyền Ruby Princess. Cho đến nay, đã có 22 người tử vong liên quan đến ổ dịch này.
Hoàng Linh - Thanh Hương/TTXVN
Tags