(Thethaovanhoa.vn) - Trận cầu giữa Anh và Argentina là trận máu me nhất giải World Cup 1966, đồng thời là ngày sinh của chiếc thẻ đỏ, được phát minh bởi một người cũng từ Anh quốc, quê hương bóng đá, và một trọng tài Đức. Từ đó đến nay thế giới được chứng kiến bao cảnh dở khóc dở cười vì nó.
Cách ví von dùng ná cao su và viên sỏi để hạ sát một người khổng lồ vốn được các cây bút văn học ưa dùng đến sáo mòn, nhưng để miêu tả trận tứ kết của giải túc cầu thế giới 1966 thì khó tìm được hình tượng nào hợp hơn, tuy không phải để ám chỉ đội Anh hay Argentina, mà để cụ thể hoá những gì khán giả chứng kiến ở phút thứ 37.
Trọng tài Kreitlein “tống cổ” cầu thủ Goliath
Tất cả nín thở khi trọng tài Đức Rudolf Kreitlein, cao 1,68m lừ lừ tiến lại phía đội trưởng Argentina là Antonio Rattin, một gã khổng lồ cao 1,91m. Khó có sự tương phản nào hài hước hơn. Phải kể thêm là ở phút thứ 17 và 32 họ đã có vấn đề với nhau. Phút 34 Kreitlein giơ ngón tay trỏ lần nữa, khi Rattin chơi xấu: “One more you go out!” (một lần nữa là ra khỏi sân)”. Và bây giờ thì trọng tài Kreitlein không thể nhân nhượng được nữa: Ông tống cổ cầu thủ Goliath ra khỏi sân.
9 phút đằng đẵng trôi qua, khán giả trên sân Wembley London ngán ngẩm quan sát mọi diễn biến trên sân cỏ. Vấn đề của trọng tài Kreitlein là ông có một tấm bìa nhỏ để ghi lại các lần cảnh cáo, nhưng tấm bìa trắng đó chẳng có nghĩa lý gì đối với cầu thủ cố tình không hiểu tiếng Anh. Rốt cuộc hai cảnh sát phải vào điều Rattin ra khỏi vạch biên.
Nhờ hành vi này mà Kreitlein trở thành một trong những trọng tài FIFA nổi tiếng nhất. Nhà sử học Rainer Schimpf sau này làm hẳn một phóng sự dài về sự kiện này. Vận dụng năng khiếu đặc thù của một ngôi sao Nam Mỹ - sau này ta sẽ còn biết thêm một đồng hương thiên tài của anh là Diego Maradona với “bàn tay Chúa” - diễn viên Antonio Rattin vung tay múa chân diễn tả mình vô tội, rồi quay đi như không hiểu Kreitlein nói gì.
Phút ra đời của một phát kiến cách mạng
Argentina thua 0-1 và lực lượng fan đội khách sôi máu. Một người hâm mộ đã rình đợi trọng tài Kreitlein trên đường vào phòng thay đồ và đạp đúng ống đồng của ông!
Những gì sau đó xảy ra xứng đáng được gọi là cuộc cách mạng trong lịch sử bóng tròn. Trong những lúc ủ ê đợi kẹt xe trên đường về khách sạn ở nội thành London, nhân viên chăm sóc trọng tài Ken Aston chợt nảy ra một ý tưởng được kích hoạt trực tiếp bởi hàng trăm đèn giao thông: Aston đề nghị dùng thẻ màu vàng và đỏ, vốn là các màu mà cả thế giới hiểu được ý nghĩa.
"Anh ta bàn với tôi, và tôi thấy ý tưởng đó thật tuyệt diệu. Ngay hôm sau tôi trình lên các ủy ban của FIFA" - ngót nửa thế kỷ sau cựu trọng tài Kreitlein nhớ lại.
4 năm sau, World Cup 1970 ở Mexico được chứng kiến ngay công dụng của hai tấm bìa màu. Phút 31 trong trận Liên Xô chạm trán chủ nhà, trọng tài Kurt Tschenscher rút thẻ vàng đầu tiên của lịch sử túc cầu, cảnh cáo cầu thủ Liên Xô Kakhi Asatiani đã chơi dữ với đối thủ Javier Valdivia. Chưa đầy 5 phút sau Evgheni Lovchev đến lượt, sau khi ngáng chân một cầu thủ Mexico đang dẫn bóng trước khung thành bỏ trống của Liên Xô.
Những “kỷ lục” thẻ đỏ
Thẻ đỏ đầu tiên ở một World Cup được dành cho cầu thủ Chile - Caszely - sau cú đạp trả thù đốn ngã Berti Vogts của đội Đức ở giải 1974. So với hôm nay, trọng tài ngày ấy rất dè dặt khi rút thẻ vàng và thẻ đỏ. Năm 2006 thì động tác rút thẻ của các ông vua áo đen đã có vẻ “nhuần nhuyễn”: Trong trận Bồ Đào Nha gặp Hà Lan một kỷ lục được lập ra với 3 thẻ đỏ, 1 vàng - đỏ và 16 vàng!
Tuy nhiên kỷ lục cho số thẻ đỏ được trao tặng trong một trận thuộc về cầu thủ Andy McLaren người Scotland. Trong trận giao hữu hồi tháng 12/2006 McLaren không chỉ đốn ngã đối phương, mà còn đấm một cầu thủ đội bạn rồi sau đó nhảy ra đá đổ cabin dành cho trọng tài: 3 thẻ đỏ!
Sau nhiều năm, kỷ lục đó mới bị Ricky Broadley xô đổ. Vận động viên của đội chân đất Mountain Rangers xứ Wales lĩnh 4 thẻ đỏ liền. Thoạt tiên anh đá vào mặt một đối thủ đang nằm và trọng tài rút tấm bìa đỏ, tất nhiên.
Broadley thấy biện pháp đó quá nặng và chửi um lên: Thẻ đỏ số hai. Anh lại gần trọng tài và rỉ tai một câu gì đó có vẻ khiếm nhã, lập tức bị xơi thẻ đỏ thứ ba. Tin chắc là không còn gì để mất, Broadley chạy ra rìa sân cỏ lấy một xô nước đứng đó và ụp lên đầu trọng tài để đổi lấy thẻ đỏ số tư. Về đến nhà, Broadley nhờ một luật sư kháng án, đòi hủy… 1 trong 4 quyết định quá hà khắc. Nhưng không thấy niên giám túc cầu xứ Wales thông báo đơn kháng án có kết quả gì không.
Một sự kiện nữa cũng đáng nhớ, được kiến tạo bởi David Pratt. Tiếng còi báo hiệu mới dứt được 3 giây thì cầu thủ người Anh đã ăn thẻ đỏ. Pratt tuy vậy còn thua Walter Boyd của Câu lạc bộ Swansea City (xứ Wales): Anh chưa bước vào sân cỏ đã bị đuổi ra! Số là huấn luyện viên cử Boyd từ ghế dự bị vào thay người, và trên đường vào sân anh đã kịp thích cùi chỏ vào mặt khiến một đối thủ đo ván tại chỗ.
Họ không tái ngộ…
Nửa thế kỷ trôi qua, hôm nay ta có thể vào một bảo tàng ở Stuttgart (Nam Đức) để chiêm ngưỡng những thẻ vàng và thẻ đỏ đầu tiên, bên cạnh bộ đồ trọng tài do chính ông Rudolf Kreitlein thiết kế. WC 1966 ở Anh đã và luôn là đỉnh cao xúc cảm trong đời trọng tài của ông. Trong giải ấy ông còn được đề cử cho trận chung kết, song phải ngậm ngùi rút lui vì đội Đức có mặt. Một năm sau ông lĩnh sổ hưu.
Giây phút huyền thoại của WC 1966 còn theo đuổi ông Kreitlein đến những ngày cuối đời. Nhân sinh nhật thứ 90, ông được nhận kỷ niệm chương từ tay tổng thống Đức cho phát minh lịch sử của mình. Dù đã già yếu, ông mong có ngày tái ngộ... Antonio Rattin! Tổng lãnh sự Argentina hứa sẽ giúp ông toại nguyện, nhưng ông mỉm cười khẽ nói với cộng sự ngồi bên: “Tôi không nghĩ là ông ấy gặp Rattin để… xin lỗi đâu”. Tiếc là đến cuối đời họ chưa gặp nhau để “thanh toán ân oán” như hai cụ già đầu bạc răng long đã tìm thấy bến thanh bình của cuộc đời thể thao.
Ít nhất thì cựu thủ lĩnh đội tuyển Argentina Rattin cũng lên tiếng và cả quyết là… bị phạt oan hồi 1996: Rattin không cãi vã gì với Kreitlein, mà chỉ đòi một phiên dịch để giải thích!
Lê Quang
Tags