(Thethaovanhoa.vn) - Cần phải có một "cam kết mới" phân phối vaccine ngừa COVID-19 một cách công bằng hơn để có thể kiểm soát đại dịch này. Đây là lời kêu gọi của những người đứng đầu 4 tổ chức quốc tế lớn gồm Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpas và Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala.
Trong lời kêu gọi đăng tải trên tờ Washington Post số ra ngày 1/6, các quan chức trên cho rằng sự khác biệt giữa các chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đã "tiếp tay" cho các biến chủng của virus SARS-CoV-2 xuất hiện và những biến chủng này đã dẫn tới nhiều đợt bùng phát dịch mới tại các quốc gia đang phát triển. "Rõ ràng rằng sẽ không có sự phục hồi diện rộng sau đại dịch COVID-19 nếu cuộc khủng hoảng sức khỏe không có hồi kết. Tiêm vaccine là chìa khóa cho cả hai yếu tố này. Việc chấm dứt đại dịch là có thể và điều này đòi hỏi hành động toàn cầu ngay bây giờ".
Lãnh đạo 4 tổ chức quốc tế nói trên còn kêu gọi trong khuôn khổ cuộc họp sắp tới tại Anh sau tháng 6 này, Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) sẽ nhất trí với chiến lược phối hợp tăng cường, dựa trên nguồn tài chính mới, để tiêm chủng vaccine trên quy mô toàn thế giới. Bên cạnh đó, đề nghị G7 chấp thuận tài trợ cho kế hoạch trị giá 50 tỷ USD do IMF đề ra nhằm đẩy nhanh nỗ lực chấm dứt đại dịch COVID-19.
Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh gia tăng nhiều quan ngại cho rằng tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 giữa các quốc gia giàu và nghèo đang làm phức tạp hơn và kéo dài hơn đại dịch mà cho đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 3,5 triệu người trên toàn cầu.
- Một nửa số người trưởng thành Mỹ đã tiêm vaccine Covid-19
- Thêm 125 tỷ đồng, 1 triệu USD và 1 triệu liều vaccine cho Quỹ mua vaccine phòng Covid-19
Trong tháng 3 năm nay, WHO đã lên án tình trạng bất bình đẳng nói trên và Tổng giám đốc Tedros đã kêu gọi các quốc gia giàu có vaccine không nên tiêm cho trẻ em cũng như thanh thiếu niên, thay vào đó tặng những liều vaccine này cho các quốc gia khác.
Chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX do Liên hợp quốc bảo trợ đặt mục tiêu chia sẻ vaccine cho các nước nghèo nhất thế giới. Tuy nhiên, các quốc gia giàu đã loại bỏ chương trình này trong những giai đoạn đầu tiến hành mua vaccine ngừa COVID-19, thực hiện các giao dịch của riêng họ với các nhà sản xuất thuốc và sở hữu tỷ lệ số liều vaccine áp đảo trong tổng số hơn 1,8 tỷ liều đã được tiêm trên toàn thế giới cho đến nay.
Trong tháng 5 vừa qua, các nước thành viên G7 đã nhóm họp tại London và cam kết hỗ trợ tài chính cho COVAX. Tuy nhiên, chưa có bất kỳ thông báo nào về nguồn tài trợ mới để cải thiện cơ hội tiếp cận vaccine, cho dù có rất nhiều lời kêu gọi nhóm này hành động nhiều hơn nữa để hỗ trợ các quốc gia nghèo hơn.
Minh Tâm (TTXVN)
Tags