Tại Hội nghị thường niên mùa Thu năm ngoái của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), lãnh đạo và chuyên gia hai định chế tài chính lớn nhất toàn cầu đã nói tới khả năng phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, dù rằng đại dịch COVID-19 cùng vấn đề lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng … vẫn là những rủi ro tiềm ẩn.
Chín tháng sau, tại Hội nghị mùa Xuân, những bước tiến còn mong manh của kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ bị kéo lùi bởi những nguy cơ mới. Bối cảnh khủng hoảng "chồng" khủng hoảng thậm chí càng thôi thúc hơn các ý kiến cải tổ IMF và WB để thích ứng tốt hơn với tình hình mới.
Hội nghị mùa Xuân diễn ra từ ngày 18-24/4 theo hình thức trực tuyến và trực tiếp tại Washington DC (Mỹ) trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine kéo theo một loạt biện pháp trừng phạt và đáp trả giữa phương Tây và Moskva, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống chính trị, an ninh, xã hội và kinh tế.
Do tác động của cuộc khủng hoảng, giá dầu tiếp tục leo thang do gián đoạn nguồn cung – chuyện xảy ra tương tự với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, kim loại… mà Nga và Ukraine là những nhà cung cấp chính của thế giới.
Giá lương thực thế giới tăng tới 37% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) – thước đo lạm phát vốn cũng đang trên đà phi mã trên khắp thế giới. Việc quốc đảo 22 triệu dân Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ, không đủ ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa có thể coi là ví dụ tiêu biểu cho thấy tình cảnh khó khăn hiện nay của nền kinh tế. Thay vì bàn về chuyện phục hồi, người ta nhắc đến khủng hoảng lương thực, nợ công tăng và khả năng điều chỉnh lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Những tác động từ xung đột tại Ukraine đến kinh tế toàn cầu, trong đó có việc lạm phát cao nhất trong nhiều thập niên, là mối quan tâm chính của các quan chức lĩnh vực tài chính toàn cầu tham dự Hội nghị mùa Xuân IMF/WB. Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới được công bố tại hội nghị, IMF đã hạ mức dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay xuống còn 3,6%, tức giảm 1 điểm % so với dự báo trước đó, đồng thời cũng khẳng định lạm phát “hiện là mối đe dọa hiện hữu và rõ ràng” đối với nhiều nước.
Trong khi đó, Chủ tịch WB David Malpass thông báo trong hội nghị rằng dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2022 sẽ bị hạ từ mức 4,1% xuống còn 3,2%. Ông cho biết căng thẳng Nga-Ukraine đã khiến giá lương thực tăng cao, tác động đặc biệt nghiêm trọng tới những người nghèo nhất, đồng thời cảnh báo cuộc khủng hoảng an ninh lương thực sẽ kéo dài nhiều tháng, thậm chí có thể sang tận năm 2023.
Với quan điểm các nước đang phát triển là đối tượng chịu thiệt hại nhiều nhất từ sức ép giá cả, chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo và chuyên gia IMF/WB trong tuần qua bàn nhiều đến các gói cứu trợ dành cho các nước gặp khó khăn, đặc biệt là các nước đang phát triển. Đáng chú ý, Ban lãnh đạo WB đã thảo luận về gói ứng phó khủng hoảng kéo dài 15 tháng trị giá khoảng 170 tỷ USD từ tháng 4/2022 đến tháng 6/2023, trong đó gần 50 tỷ USD sẽ được triển khai trong 3 tháng tới. Đây là cam kết hỗ trợ tài chính lớn nhất từ trước tới nay của WB, vượt qua khoản quỹ 157 tỷ USD mà WB dành để hỗ trợ kinh tế thế giới trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19.
Tác động của cuộc khủng hoảng tại Ukraine đến kinh tế, tài chính thế giới không chỉ ảnh hưởng đến chương trình nghị sự mà còn đặt ra thách thức không nhỏ cho hợp tác quốc tế. Lần đầu tiên trong lịch sử, IMF đã kết thúc cuộc họp thường kỳ 6 tháng mà không đưa ra tuyên bố chung. Thay vào đó, Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Nadia Calvino, hiện là chủ trì Ủy ban Tài chính và Tiền tệ quốc tế, chỉ cho biết các vấn đề về hoạt động của thể chế này được nêu ra trong cuộc họp đã “nhận được sự ủng hộ của đa số” 189 thành viên.
Bất đồng quan điểm liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến giới chức tài chính và ngân hàng thế giới không tìm được tiếng nói chung. Điều này cho thấy cuộc khủng hoảng Ukraine không chỉ làm thay đổi chương trình nghị sự của hội nghị mà còn đặt ra mối đe dọa cho nền tảng hợp tác trong các thể chế đa phương như IMF hay WB.
COVID-19, gián đoạn nguồn cung, lạm phát, xung đột Ukraine cùng nh hệ lụy như khủng hoảng lương thực… cho thấy thế giới đang trong giai đoạn “khủng hoảng chồng khủng hoảng”. Khi hình thành cách đây 70 năm, IMF và WB có lẽ không được thiết kế để ứng phó với các cuộc khủng hoảng đa tầng nấc như hiện nay. Theo phân tích của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, IMF với nguồn lực cho vay khoảng 1.000 tỷ USD có chức năng chính là hỗ trợ các nước ứng phó với các cuộc khủng hoảng riêng biệt, trong khi WB có nhiệm vụ cấp vốn cho các dự án phát triển ở những nước thiếu khả năng tiếp cận thị trường vốn.
- Quỹ Tiền tệ Quốc tế hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Á-Thái Bình Dương
- Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF cảnh báo dịch COVID-19 đe dọa nghiêm trọng sự ổn định tài chính
- Quỹ tiền tệ Quốc tế phiên bản 2.0?
Trong khi đó, các thách thức của thế giới hiện nay đòi hỏi những khoản đầu tư mà không một thể chế quốc tế nào có thể tự mình quản lý. Điều này đặt ra yêu cầu WB và IMF phải tiến hành cải tổ sâu rộng để thích nghi với bối cảnh mới theo hướng tập hợp được những nguồn lực từ khu vực tư nhân. Bên cạnh đó, những vấn đề an ninh phi truyền thống như đại dịch, biến đổi khí hậu... cũng cần được cân nhắc khi các thể chế quốc tế đa phương này lên phương án đối phó để tránh rơi vào thế bị động trong tương lai.
Điều chỉnh để vượt qua khủng hoảng - nền kinh tế thế giới cần điều này, và WB, IMF cũng vậy. Trong bối cảnh vẫn còn những ẩn số như cuộc khủng hoảng Ukraine chưa biết sẽ kéo dài đến lúc nào, đại dịch COVID-19 khi nào thực sự bị đẩy lùi, có lẽ đây vẫn sẽ là những chủ đề chi phối cuộc họp thường niên tiếp theo vào tháng 10 tới.
Phương Hà/TTXVN
Tags