(Thethaovanhoa.vn) - “Đó là vào lúc 15h40 chiều thứ Hai (9/9), một chiếc xe cứu thương đặc biệt xuất hiện ở sảnh bệnh viện Georges Pompidou, Paris. Chiếc xe sơn màu xanh và vàng, có biển số được đăng ký ở Geneva. Một tấm vải màu xanh che phủ hoàn toàn người của bệnh nhân. Các bác sĩ đã đợi sẵn, di chuyển bệnh nhân đặc biệt này tới phòng theo dõi liên tục của Khoa Phẫu thuật Tim mạch”, Le Parisien miêu tả.
Theo nhật báo hàng đầu tại Paris, bệnh nhân đó chính là Michael Schumacher, tay đua Công thức 1 huyền thoại.
Nhập viện ở Paris
Đó là lần thứ 2 Schumacher được đưa tới bệnh viện tại Pháp kể từ đầu năm 2019 tới nay. Mỗi lần nhập viện, Schumacher được đăng ký bởi những tên giả khác nhau. Cả hai lần, Schumacher đều di chuyển cùng một cách thức, đi trực thăng từ Thụy Sỹ sang, hạ cánh tại sân bay trực thăng ở Issy-les-Moulineaux, gần Paris, sau đó được đưa tới bệnh viện bằng xe cứu thương.
Ở lần đầu tiên, Schumacher đã trải qua các bài kiểm tra sơ bộ về sức khỏe tại bệnh viện Pitié-Salpêtrière. Tại đây, Schumacher được Giáo sư Philippe Menasche thăm khám. Lần thứ 2, Schumacher được chuyển tới bệnh viện George Pompidou, nơi có cơ sở vật chất hiện đại hơn. Theo lịch hẹn với Giáo sư Menasche, Schumacher đáng ra đã tới Paris vào tháng 7. Nhưng vấn đề sức khỏe đã ngăn huyền thoại F1 tới đây đúng hẹn. Việc điều trị vì thế bị hoãn lại vào đầu tuần này.
Trong nỗ lực giúp Schumacher hồi phục từ tai nạn gặp phải trong lúc trượt tuyết ở khu nghỉ dưỡng Meribel vào năm 2013, gia đình Schumacher duy trì sự riêng tư. Họ bỏ ra nhiều triệu bảng để xây dựng một bệnh viện thu nhỏ tại biệt thự ở Geneva, Thụy Sỹ và mời các chuyên gia hàng đầu thế giới về điều trị. Bởi vậy, quyết định chuyển Schumacher tới một nơi đông đúc như bệnh viện Georges Pompidou vào thời điểm này làm dấy lên lo ngại tình trạng sức khỏe của huyền thoại F1 có những chuyển biến xấu.
Vẫn còn những bí ẩn về việc sức khỏe Schumacher biến động ra sao và sẽ điều trị như thế nào bởi gia đình giấu kín thông tin. Nhưng tin tức các tờ báo tại Pháp thu về cho rằng Schumacher sẽ được điều trị bằng phương pháp tế bào gốc lên các mô tim bị tổn thương. Giáo sư Menasche, 69 tuổi, sẽ trực tiếp điều trị cho Schumacher.
Schumacher bị biến chứng tim mạch?
Việc phải cậy nhờ tới Giáo sư Menasche cho thấy Schumacher có thể có vấn đề về tim mạch.
Giáo sư Menasche nổi tiếng với việc thực hiện cấy ghép tế bào gốc đầu tiên trên thế giới cho một bệnh nhân bị suy tim vào năm 2014. Năm 2018, Giáo sư Menasche và các đồng nghiệp đã chứng minh được phương pháp này an toàn khi thử nghiệm trên 6 bệnh nhân mắc bệnh tim vào giai đoạn cuối mà các phương pháp điều trị truyền thống đều đã thất bại. Các bệnh nhân đều được cấy tế bào gốc vào tâm thất trái. Kết quả cho thấy không bệnh nhân nào phát triển các khối u teratomas, được coi là tác dụng phụ của phương pháp này. Giáo sư Menasche và các đồng nghiệp cũng báo cáo không có dấu hiệu cho thấy bệnh nhân bị loạn nhịp tim. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn đang dừng ở mức thử nghiệm với hiệu quả của nó cần thời gian và sự phổ biến rộng rãi để kiểm chứng.
Hiện chưa rõ Schumacher đang ở giai đoạn nào của bệnh. Nhưng việc phải tìm đến Giáo sư Menasche cho thấy tình trạng của huyền thoại F1 có vẻ không hề nhẹ.
Được hỏi về trường hợp của Schumacher, bác sĩ Mahlotra- một trong những chuyên gia tim mạch nổi tiếng tại Anh, nhận định. “Dù lý do gì đi nữa thì tất cả chỉ là thử nghiệm”. Nhưng theo ông Mahlotra, vì tính an toàn của phương pháp tế bào gốc, Schumacher hoàn toàn có thể thử nghiệm. “Nếu nó không hại gì, tại sao lại không thử? Biến chứng tim mạch là phổ biến nhất sau chấn thương sọ não, có liên quan đến tăng tỷ lệ tử vong và bệnh tật khác”.
Khánh Đan
Tags