Thế giới ghi nhận tổng cộng gần 275.975.000 ca Covid-19, trong đó có hơn 5.380.000 ca tử vong

Thứ Ba, 21/12/2021 22:20 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 21/12, thế giới ghi nhận tổng cộng 275.974.405 ca COVID-19, trong đó có 5.380.299 ca tử vong.

Trong 24 giờ qua, số ca mắc Covid-19 mới tại Mỹ ở mức cao chưa từng có

Trong 24 giờ qua, số ca mắc Covid-19 mới tại Mỹ ở mức cao chưa từng có

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 8h ngày 21/12 theo giờ Việt Nam, toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 275.703.862 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.75.906 ca tử vong.

Hơn 247,71 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn hơn 22,87 triệu bệnh nhân đang được điều trị.   

Tại Đông Nam Á, Lào thông báo ghi nhận 1.128 ca mắc mới tại 18 tỉnh, thành phố và 10 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tại Lào lên 100.524 ca, trong đó có 284 người tử vong. Chỉ sau 1 ngày giảm xuống mức 3 chữ số, số ca mắc mới tại nước này lại ở mức 4 chữ số, tăng 304 ca so với một ngày trước đó. Đáng chú ý, số ca lây nhiễm cộng đồng tại thủ đô Viêng Chăn cũng tăng trở lại với 544 ca, tăng 250 ca so với ngày 20/12. Điều này cho thấy tình hình dịch bệnh tại Lào vẫn diễn biến phức tạp. Bộ Y tế Lào tiếp tục khuyến nghị người từng mắc hoặc người đã tiêm 2 mũi vaccine đi tiêm mũi bổ sung để tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.   

Thái Lan tuyên bố sẽ tạm dừng chương trình nhập cảnh không cần cách ly (Test and Go) vừa được áp dụng, trong bối cảnh số ca nhiễm biến thể Omicron đang tăng nhanh trên toàn cầu. Theo đó, chương trình "Test and Go" cũng như hệ thống đăng ký cấp phép nhập cảnh (Thailand Pass) sẽ bị đình chỉ và sẽ được xem xét lại vào ngày 4/1/2022. Tất cả những người đã đăng ký và được duyệt cấp Thailand Pass vẫn có thể nhập cảnh Thái Lan cho đến ngày 10/1/2022 nhưng phải cách ly 7 ngày. Sau thời hạn trên, tất cả những người nhập cảnh sẽ phải cách ly 14 ngày hoặc có thể nhập cảnh không cách ly theo chương trình "hộp cát" Phuket. Thái Lan tạm dừng chương trình nhập cảnh không cần cách ly trong bối cảnh tổng số ca nhiễm biến thể Omicron ở nước này hiện nay đã lên đến khoảng gần 100 ca.   

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào, ngày 30/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Chính phủ Indonesia đã đưa ra 5 biện pháp tăng cường giám sát trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh 2021 và Năm mới 2022 (còn gọi là Nataru).

Theo đó, Indonesia sẽ điều chỉnh các quy tắc cần thiết để dự đoán và chuẩn bị các kịch bản phòng chống dịch bệnh trước và sau Nataru 7 ngày. Thứ hai, tăng cường nhân viên kiểm soát tại các địa điểm tập trung đông người như trung tâm thương mại, các tuyến đường thu phí, các địa điểm thăm quan của khách du lịch. Thứ ba, các bộ ngành liên quan phối hợp đẩy nhanh xét nghiệm và thời gian chờ kết quả xét nghiệm PCR tại các cửa ra vào các khu vực đông người. Thứ tư, bắt buộc sử dụng ứng dụng giám sát sức khỏe PeduliLindung. Thứ năm, nâng cao vai trò của truyền thông trong nước trong việc kêu gọi người dân đề cao cảnh giác, chung tay phòng chống dịch. Trước đó, Indonesia thông báo phát hiện 3 trường hợp nhiễm biến thể Omicron với nguồn lây được cho là từ bên ngoài nước này. Thái Lan tạm dừng các chương trình miễn cách ly cho du khách nước ngoài.   

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 17/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kêu gọi chính phủ nước này chuẩn bị ứng phó với kịch bản Omicron trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo trong khi vẫn đảm bảo củng cố năng lực của ngành y tế. Đến nay Hàn Quốc đã ghi nhận 227 ca nhiễm biến thể Omicron. Tổng thống Moon đưa ra thông điệp trên một ngày sau khi ông chỉ đạo các bệnh viện đại học quốc gia tập trung nguồn lực vào điều trị các ca bệnh nặng trong bối cảnh nhiều nơi trong số này thiếu giường bệnh.   

Ấn Độ ghi nhận 200 ca nhiễm biến thể Omicron tại 12 bang, nâng tổng số ca nhiễm biến thể Omicron lên gần gấp đôi chỉ trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên hiện chưa có ca tử vong nào và 80% số ca nhiễm biến thể Omicron không có triệu chứng. Ấn Độ đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine nhằm ngăn đà tăng các ca lây nhiễm. Hiện 87% trong số 944 triệu người trưởng thành đủ điều kiện tiêm ở nước này đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 5.326 ca nhiễm mới, mức thấp nhất trong hơn 18 tháng qua. Đến nay, Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 34,75 triệu ca mắc COVID-19, nhiều thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ.   

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

New Zealand hoãn kế hoạch mở cửa biên giới cho đến hết tháng 2/2022 vì biến thể Omicron đang lây lan nhanh trên toàn cầu. Đảo quốc Nam Thái Bình Dương này vừa mới bắt đầu kế hoạch nới lỏng các biện pháp phòng dịch được cho là nghiêm ngặt nhất thế giới. Theo kế hoạch ban đầu, các hạn chế biên giới quốc tế sẽ được nới lỏng từ tháng 1/2022 và đến tháng 4 sẽ cho phép toàn bộ khách nước ngoài được nhập cảnh.

Tuy nhiên, theo quyết định mới, chương trình nhập cảnh không cách ly dành cho người New Zealand sống tại Australia từ ngày 16/1/2022 sẽ bị lùi lại đến cuối tháng 2. Ngoài ra, thời gian cách ly sẽ tăng từ 1 tuần lên 10 ngày, và các xét nghiệm cần phải trong vòng 48 giờ thay vì 72 giờ trước khi nhập cảnh.    

Australia quyết định không tái áp dụng biện pháp phong tỏa mà sẽ tiếp tục sống chung với COVID-19 bằng ý thức và trách nhiệm chung. Mặc dù số ca nhiễm liên tục tăng cao trong vài ngày qua cùng với sự xuất hiện của biến thể Omicron, chính phủ cho rằng việc hạn chế lây lan phụ thuộc lớn vào trách nhiệm của từng cá nhân. Chính phủ Australia đang hướng tới việc thúc đẩy triển khai tiêm mũi tăng cường.     

Chú thích ảnh
Tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca tại ngoại ô Sydney, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Âu, Nga phê duyệt kế hoạch tiêm phòng cho thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi, dựa trên cơ sở tự nguyện và phải có đơn đề nghị của cha hoặc mẹ đối tượng được tiêm. Theo thống kê trên trang ourworldindata.org, tính đến 20/12, tỷ lệ tiêm phòng tại Nga tương đối thấp khi chỉ có 43,58% người dân tại nước này đã tiêm phòng đầy đủ.    

Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua các quy tắc mới, theo đó cho phép chứng nhận tiêm vaccine của Liên minh Châu Âu (EU) có giá trị để đi lại trong 9 tháng sau khi hành khách hoàn thành chương trình tiêm chủng. Quy định mới được đưa ra trong bối cảnh EU đang chạy đua đẩy mạnh tiêm mũi vaccine tăng cường nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron. Chứng nhận tiêm vaccine của EU đã trở thành một tiêu chuẩn ở khối này và hàng chục quốc gia không thuộc EU. Chứng nhận này cũng đã được nhiều nước EU sử dụng trong nước như một giấy thông hành để người dân được phép vào các địa điểm như nhà hàng và tham gia các sự kiện giải trí hoặc thể thao.   

Chú thích ảnh
Hành khách tại sân bay quốc tế Washington Reagan, bang Virginia, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Anh đang xem xét mọi khả năng nhằm kiểm soát biến thể Omicron, đồng thời cảnh báo có thể áp dụng thêm các biện pháp hạn chế do tình hình hiện tại vô cùng khó khăn. London thông báo sẽ hủy bỏ một sự kiện đón mừng Năm mới tại thành phố trong bối cảnh số ca mắc tại London hiện ở các mức cao kỷ lục và chính quyền thành phố đang nỗ lực hết sức để kìm hãm đà lây lan của biến thể Omicron. Số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày tại Anh đã nhiều lần tăng lên các mốc cao kỷ lục trong tuần trước khi nước này đang nỗ lực để ngăn chặn đà lây lan của biến thể Omicron.    

Các chuyên gia y tế Ireland cho biết đã có những dấu hiệu đầu tiên cho thấy trong tuần qua, biến thể Omicron đã lây lan rất nhanh trong giới trẻ nước này. Các số liệu trong 7 ngày qua, nhất là cuối tuần, là “dấu hiệu thực tế đầu tiên về tác động của Omicron”. Cụ thể, số ca mắc trong nhóm tuổi 19-34 tăng thêm từ 50-70% trong vòng 7 ngày. Trong khi đó, số ca nhiễm ở những người từ 65 tuổi trở lên đã tiêm mũi vaccine tăng cường giảm rõ rệt. Đây là dấu hiệu cho thấy dịch sẽ gia tăng và tập trung vào những người trẻ tuổi.    

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi thứ ba cho người dân tại Tel Aviv, Israel. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Mỹ, Mỹ đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên do nhiễm biến thể Omicron, là một người đàn ông ngoài 50 tuổi, chưa tiêm phòng, sống tại hạt Harris, bang Texas. Giới chức y tế Mỹ cho biết biến thể siêu lây nhiễm Omicron hiện đã trở thành biến thể chủ đạo lây lan dịch tại nước này, nguyên nhân gây ra 73,2% số ca nhiễm mới trong tuần vừa qua. Thủ đô Washingto đã ban bố tình trạng khẩn cấp vì số ca nhiễm tăng mạnh, đồng thời khôi phục biện pháp phòng dịch như bắt buộc đeo khẩu trang tại các địa điểm trong nhà trên phạm vi toàn thành phố.

Cố vấn cấp cao về y tế của Mỹ  Anthony Fauci ngày 19/12 đã cảnh báo một mùa Đông ảm đạm phía trước, khi Omicron làm bùng phát một làn sóng lây nhiễm mới trên toàn cầu. Chính phủ Mỹ có kế hoạch thành lập các điểm xét nghiệm ở thành phố New York trong tuần này và mua 500 triệu bộ xét nghiệm nhanh tại nhà để cung cấp miễn phí cho người dân kể từ tháng 1/2022. Ngoài việc tăng cường năng lực xét nghiệm, Mỹ cũng dự định huy động khoảng 1.000 y, bác sĩ quân y hỗ trợ các bệnh viện trong 2 tháng đầu năm 2022.    

Canada ghi nhận 10.621 ca mắc mới, đánh dấu lần đầu tiên số ca mới theo ngày tại quốc gia Bắc Mỹ này vượt ngưỡng 10.000 ca kể từ khi đại dịch bùng phát hồi tháng 2/2020. Tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Canada đã lên đến 1.894.981 ca, trong đó có 30.060 ca tử vong. Số ca mắc mới  tại nước này tiếp tục tăng vọt trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan nhanh tại đây kể từ tuần trước.

TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›