Thế giới đã thay đổi ra sao sau sự kiện 11/9?

Thứ Bảy, 11/09/2021 08:11 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây 20 năm, ngày 11/9/2001, nước Mỹ và cả thế giới rúng động khi nghe tin về loạt vụ tấn công khủng bố kinh hoàng giữa lòng nước Mỹ. 20 năm đã qua đi, thế giới chưa thể quên được nỗi đau này, cũng như những cơn ác mộng mà chủ nghĩa khủng bố gây ra.

Sự kiện 11/9 - Vụ khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ

Sự kiện 11/9 - Vụ khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ

4 chiếc máy bay Boeing, với sức chứa gần 91.000 lít xăng cho động cơ phản lực của mỗi chiếc, đã bị nhóm khủng bố Al Qaeda khống chế, biến chúng thành những quả bom lửa, chuyển hướng lao thẳng vào những mục tiêu được xem là trung tâm của nước Mỹ.

Những ký ức khó quên

Ngày 11/9/2001, cả thế giới rúng động khi nghe tin: 19 đối tượng khủng bố Al-Qaeda chiếm quyền điều khiển 4 máy bay chở khách cỡ lớn, rồi lần lượt cho chúng chuyển hướng, tấn công hàng loạt mục tiêu trên đất Mỹ.

Hai chiếc máy bay trong số đó, Chuyến bay 11 của American Airlines và Chuyến bay 175 của United United Airlines, lần lượt đâm vào tòa tháp Bắc và Nam của khu phức hợp Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) tại Thành phố New York. Chỉ trong vòng 1 giờ 42 phút, cả hai tòa tháp cao 110 tầng đã sụp đổ, gây ra những vụ cháy khiến tất cả các tòa cao ốc khác trong khu phức hợp cũng bị sụp đổ một phần hoặc hoàn toàn.

Chiếc máy bay thứ ba, Chuyến bay 77 của American Airlines, đã đâm vào Lầu Năm Góc (trụ sở của Bộ Quốc phòng Mỹ) tại Quận Arlington, bang Virginia, gây sụp đổ một phần mặt phía Tây của tòa nhà. Trong khi đó chiếc máy bay thứ tư, Chuyến bay 93 của United Airlines, ban đầu được nhắm vào thủ đô Washington D.C., nhưng đã rơi xuống một cánh đồng ở ngoại ô thành phố Shanksville, bang Pennsylvania, sau khi các hành khách dũng cảm tìm cách khống chế nhóm không tặc.

Sự kiện 11/9, Thế giới đã thay đổi ra sao sau sự kiện 11/9, Khủng bố 11/9, vụ Khủng bố 11/9
Có rất nhiều phim ảnh, sách, phóng sự, bài báo viết về vụ khủng bố kinh hoàng 11/9/2001 tại New York. Nguồn: russian7.ru

Loạt vụ tấn công trên đã làm 2.996 người thiệt mạng, hơn 6.000 người khác bị thương, và gây ra thiệt hại về tài sản và cơ sở hạ tầng ít nhất 10 tỉ USD, đồng thời gây những tổn thất tổng cộng ước tính lên tới 3 nghìn tỷ USD. Đây cũng là thảm họa gây thiệt hại về người lớn nhất của lực lượng lính cứu hỏa và hành pháp trong lịch sử nước Mỹ, với 343 lính cứu hỏa và 72 sĩ quan hành pháp thiệt mạng. 

Bên cạnh đó, thảm kịch 11/9/2001 đã để lại vô số hệ lụy về sức khỏe, gây ra những vết thương tâm lý dai dẳng, đặc biệt đối với người dân New York. Ngoài ra, nước Mỹ còn bị "tổn thương" sâu sắc bởi đây được xem là vụ tấn công vào hai biểu tượng sức mạnh của cường quốc này, đó là Tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới (WTC) và Lầu Năm Góc.

Sau 20 năm xảy ra vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 tại Trung tâm Thương mại Thế giới (Tháp Đôi), chính quyền thành phố New York vẫn phải tiếp tục nhiệm vụ khó khăn, đau lòng, đó là xác định danh tính các nạn nhân và đưa họ về với gia đình của mình. Trong số những người thiệt mạng trong vụ khủng bố tại Tháp Đôi, các quan chức cho biết có 1.106 nạn nhân hiện chưa tìm được hài cốt, tất cả những hài cốt nếu đã được tìm thấy, thì đều đã được xác định danh tính.

Mới đây, ngày 3/9/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp chỉ đạo Bộ Tư pháp giải mật tài liệu điều tra vụ 11/9 nhân dịp kỷ niệm 20 năm vụ khủng bố. Theo ông Biden, các thông tin được thu thập và tạo ra trong quá trình điều tra vụ khủng bố cần được công bố bây giờ. Bộ Tư pháp Mỹ dự kiến sẽ công bố một số bộ tài liệu liên quan tới vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 trong 6 tháng tới. Bộ tài liệu đầu tiên sẽ được giải mật trước ngày 11/9/2021.

20 năm cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu

Trước vụ khủng bố ngày 11/9 của 20 năm trước, không nhiều người Mỹ hiểu biết về Osama Bin Laden và mạng lưới Al-Qaeda, còn tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) còn chưa nổi lên. Nhưng những mất mát và cảnh tượng sụp đổ của hai tòa tháp Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) ở thành phố New York đã dẫn đến sự thay đổi đáng kể trong thái độ và mối quan tâm của người Mỹ về sự an toàn và cảnh giác trước những mối đe dọa ngay trên lãnh thổ Mỹ.

Trước sức ép từ dư luận sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, Quốc hội Mỹ đã thông qua loạt chính sách mới, như Đạo luật cho phép sử dụng lực lượng quân lực (AUMF) trao quyền để Tổng thống thực hiện tấn công những mối đe dọa khủng bố, hay Đạo luật Yêu nước (Patriot Act) trao thêm quyền giám sát cho các cơ quan liên bang để ngăn chặn khủng bố, bảo đảm an ninh quốc gia.

Sự kiện 11/9, Thế giới đã thay đổi ra sao sau sự kiện 11/9, Khủng bố 11/9, vụ Khủng bố 11/9
Trùm khủng bố Osama Bin Laden. Ảnh: AFP/ TTXVN

Cũng kể từ thảm kịch 11/9/2001, không chỉ Mỹ mà nhiều nước khác trên thế giới đã bị cuốn vào một cuộc chiến “chống khủng bố toàn cầu” do Tổng thống Mỹ George Walker Bush phát động. Cuốn vào vòng xoáy của cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, cường quốc số 1 thế giới này cũng đã phải tiêu tốn khoảng 6.400 tỷ USD, tập trung chủ yếu ở Afghanistan, Pakistan, Iraq, Syria và Yemen.

Nhìn vào khía cạnh tích cực, sau 20 năm với 4 đời Tổng thống Mỹ cùng những chiến lược khác nhau, “cuộc chiến chống khủng bố” trên toàn cầu của Mỹ đã thu được một số kết quả khá quan trọng, như: tiêu diệt được thủ lĩnh Al Qaeda Osama bin Laden (tháng 5/2011), ngăn chặn được đáng kể số vụ tấn công khủng bố xảy ra trên đất Mỹ, làm suy yếu nhóm khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), giải phóng được khoảng 7,7 triệu người khỏi sự kìm kẹp của hàng chục nghìn tay súng khủng bố.

Đặc biệt, tháng 10/2019, Mỹ tuyên bố tiêu diệt thủ lĩnh khét tiếng của IS Abu Bakr al-Baghdadi trong một cuộc đột kích tại Tây Bắc Syria, đã tạo ra một  bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố. Việc kẻ cầm đầu của đế chế Hồi giáo này bị tiêu diệt được coi là thành công lớn nhất của liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu kể từ sau chiến dịch tấn công tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden vào năm 2011 và là một "đòn chí tử" đối với tổ chức khủng bố vốn là nỗi ám ảnh của người dân toàn thế giới.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, dù cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu đã đạt được những kết quả đáng kể trong 20 năm qua, song thực tế chủ nghĩa khủng bố vẫn chưa chấm dứt, thậm chí có xu hướng phát triển theo chiều hướng phức tạp hơn. Al Qaeda bị suy yếu nhưng chưa bị tiêu diệt hoàn toàn.

Còn IS thì cũng đã có thủ lĩnh mới thay thế. Không lâu sau khi thủ lĩnh IS Al-Baghdadi bị tiêu diệt năm 2019, IS đã chỉ định Abdullah Qardash, một trong những lãnh đạo cấp cao của IS phụ trách các vấn đề Hồi giáo làm thủ lĩnh mới thay thế. Trong khi đó, dù bị đánh bật ra khỏi các khu vực chiếm đóng ở Syria, nhưng những tàn quân IS vẫn lẩn trốn tại các khu vực sa mạc rộng lớn ở khu biên giới Syria-Iraq.

Sự kiện 11/9, Thế giới đã thay đổi ra sao sau sự kiện 11/9, Khủng bố 11/9, vụ Khủng bố 11/9
Phiến quân IS tại khu vực ngoại ô Damascus, Syria. Ảnh: Balkis Press/Sipa USA/AP/ TTXVN

Theo nhận định của Giám đốc chương trình nghiên cứu về chống khủng bố và tình báo tại Viện chính sách Cận Đông ở Washington, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ đã thành công từ góc độ chiến thuật trong ngăn chặn các cuộc tấn công và làm gián đoạn mạng lưới khủng bố. Song, từ góc nhìn chiến lược, thành công lại không rõ rệt. So với bối cảnh năm 2001, ngày nay có nhiều người bị “cực đoan hóa” hơn, mối đe dọa khủng bố cũng đa dạng hơn và phân tán trên toàn cầu.

Và vì vậy, nguy cơ khủng bố vẫn hiện hữu bởi “gốc rễ” của chủ nghĩa khủng bố vẫn chưa thể “nhổ bỏ”, trái lại còn có xu hướng lan rộng và biến đổi theo chiều hướng phức tạp. Số quốc gia chịu tác động của tình trạng bạo lực cực đoan cũng tiếp tục tăng lên. Ngày nay, chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan đã trở thành môt mối đe dọa toàn cầu, lan tỏa đến nhiều khu vực trên thế giới, như Trung Đông-Bắc Phi, Đông Nam Á, thậm chí giữa lòng châu Âu.

Mối lo ngại khủng bố vẫn hiện hữu

Mối lo về chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy ngày càng hiện hữu trong bối cảnh những ngày gần đây, thế giới chứng kiến những biến động chóng vánh tại Afghanistan.

 Việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết tâm rút toàn bộ binh lính ở Afghanistan về nước nhằm kết thúc sứ mệnh chiến đấu ở Afghanistan trong 20 năm qua, cùng với việc lực lượng Taliban ở Afghanistan giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul nhanh chóng và bất ngờ ngày 15/8/2021 vừa qua đã làm dấy lên những lo ngại rằng mảnh đất này có nguy cơ trở thành nơi “dung dưỡng” cho chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy. Mỹ hoàn tất việc rút quân sau 20 năm ở Afghanistan, để lại một quốc gia Nam Á đối mặt rất nhiều thách thức trong bối cảnh Taliban lên lãnh đạo một chính phủ mới.

Và thực tế đã chứng minh mối lo ngại về chủ nghĩa khủng bố là hoàn toàn có căn cứ. Ngày 26/8/2021, lợi dụng thời điểm các nước đang khẩn trương sơ tán công dân rời khỏi Afghanistan sau khi Taliban giành quyền kiểm soát Kabul, nhóm khủng bố "Nhà nước Hồi giáo Khorasan” (ISIS-K), một nhánh của tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng hoạt động ở Afghanistan, đã gây ra vụ tấn công đẫm máu bên ngoài sân bay Kabul, khiến hơn 170 người thiệt mạng, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em, cùng ít nhất 13 binh sĩ Mỹ.

Theo các nhà phân tích, chắc chắn việc Taliban lên nắm quyền lãnh đạo đất nước sẽ khiến các tổ chức khủng bố như Tổ chức Hồi giáo tự xưng (IS), Al Qaeda lợi dụng điều này để dễ dàng thu hút được nhiều phần tử tham gia hơn, gây nên một mối đe dọa lớn về khủng bố, nhất là ở Trung Đông. Theo một báo cáo của Liên hợp quốc ước tính rằng, Al Qaeda hiện vẫn còn khoảng 400-600 thành viên đang ở Afghanistan, và chiến đấu bên cạnh Taliban.

Từ năm 2014, một số chiến binh Arab thuộc Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria đã chạy sang ẩn náu ở Afghanistan. Đây là lý do khiến dư luận lo ngại việc Taliban chiếm lĩnh thủ đô Kabul sẽ là nguồn cảm hứng cho các chiến binh, các nhóm khủng bố và cực đoan trên khắp thế giới.

Những gì mà cả Al Qaeda và Nhà nước Hồi giáo muốn là tình trạng bất ổn ở Afghanistan. Nguy cơ trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố, xung đột bạo lực từ tình trạng chia rẽ đất nước không chỉ đe dọa trong phạm vi lãnh thổ Afghanistan, mà có thể sẽ rất nhanh chóng tác động tới cục diện, tình hình an ninh tại nhiều quốc gia trong khu vực.

Nhìn lại 20 năm, có thể thấy rõ cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu vẫn chưa kết thúc và còn nhiều khó khăn. Theo các chuyên gia, Mỹ-quốc gia đã chịu nhiều đau thương do chủ nghĩa khủng bố, cùng với vai trò là người dẫn đầu liên minh, sẽ cần phải tiếp tục thể hiện vai trò đoàn kết thế giới, đẩy mạnh công tác tình báo, để đảm bảo rằng những kẻ khủng bố kia sẽ không thể làm hại thêm bất kỳ ai nữa.

Mới đây, trong bài phát biểu ngày 31/8/2021 sau khi Mỹ hoàn tất việc rút quân khỏi Afghanistan, Tổng thống Biden tuyên bố khép lại kỷ nguyên sa lầy của Washington trong “cuộc chiến không có hồi kết”; tiến hành xoay trục chính sách để tập trung nguồn lực cho những vấn đề nổi cộm hơn với nước Mỹ như củng cố quan hệ đồng minh, ứng phó cạnh tranh chiến lược và thách thức phi truyền thống, hay kiểm soát vũ khí hạt nhân. Ông Biden cũng cam kết sẽ duy trì cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan và bất cứ nơi nào khác, cũng như hỗ trợ người dân Afghanistan xây dựng cuộc sống mới.

Trọng Đức/TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›