“Tháo ngòi nổ” lễ khai ấn đền Trần?

Thứ Năm, 29/12/2011 07:33 GMT+7

Google News

(TT&VH) - Những thông tin mới về mô hình thực hiện lễ hội khai ấn đền Trần (Nam Định) đã trở thành tâm điểm chú ý trong Hội nghị về quản lý và tổ chức lễ hội do Bộ VH,TT&DL tiến hành vào hôm qua 28/12/2011. Với việc “rải” lễ phát ấn ra 3 ngày, 15 ngày hoặc lâu hơn, nhiều khả năng cảnh giẫm đạp, chen lấn thường thấy tại đền Trần vào đêm 14 tháng Giêng hàng năm sẽ không còn tái diễn?

Có tên gọi Tổng kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2011 và 1 năm thực hiện công điện 162 (công điện của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức lễ hội), đây là cuộc Hội nghị trực tuyến của các cấp quản lý văn hóa trên toàn quốc, chuẩn bị đối phó với những vấn nạn có thể xảy ra trong mùa lễ hội Nhâm Thìn 2012 tới đây.

Kéo giãn đám đông bằng nhiều cách

Theo Viện Văn hóa Nghệ thuật VN (đơn vị được giao nhiệm vụ tìm phương án “chuẩn” để tổ chức lễ hội khai ấn đền Trần), mô hình dự kiến áp dụng cho lễ hội này từ 2012 đã được chính quyền địa phương và người dân quanh đền Trần đồng ý về cơ bản. Theo đó, ngoài việc không tổ chức phát ấn Đền Trần vào đêm 14 Âm lịch tháng Giêng như mọi năm, lễ khai mạc của hoạt động này cũng không được tổ chức. Thay vào đó, trong ngày 14 Âm lịch, tỉnh Nam Định sẽ cùng nhân dân tổ chức lễ dâng hương tại đền Đức Thánh Trần. Các lá ấn - nguồn cơn gây nên thảm cảnh giẫm đạp hàng năm - sẽ được phát rộng rãi cho nhân dân kể từ sáng 15 Âm lịch hôm sau. Các phương án  về thời điểm phát ấn bao gồm phát trong 3 ngày, phát hết tháng Giêng (15 ngày), hay... phát rải rác cả năm cho mọi du khách tới thăm đều được Viện VHNT đưa ra và sẽ do lãnh đạo tỉnh Nam Định chọn lựa khi tiến hành.

Cảnh chen chúc trong lễ Khai ấn đền Trần

Tiến sĩ Lương Hồng Quang (Viện phó Viện VHNT) nhấn mạnh: ưu điểm của phương án này là việc tránh được cảnh 20.000 du khách cùng chen vào không gian 1.000m2 của đền Trần trong tối 14 để tranh cướp các lá ấn như từng xảy ra trong những năm gần đây. Ngoài ra, đại diện Sở VH,TT&DL Nam Định cũng đã “tham mưu” cho lãnh đạo tỉnh về việc nghiên cứu khôi phục  những diễn xướng dân gian trong lễ hội đền Trần như lễ Tế cá, múa Bài bông... cùng việc bố trí 3 đoàn nghệ thuật của tỉnh công diễn văn nghệ tại những địa điểm quanh đó, phía Nam Định hy vọng lượng du khách tới đây sẽ bị ... kéo giãn ra nhiều điểm và không “dồn” ngay lập tức vào đền Trần.

“Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu và khẳng định: việc phát các lá ấn tại đền Trần chỉ là phong tục địa phương có tính chất cầu an chứ tuyệt đối không liên quan gì tới chuyện thăng quan tiến chức như người ta truyền miệng” - ông Quang nói. Bởi vậy, theo lời ông Quang, những lá ấn mang tính chất “kỷ niệm” này nên được xem xét lại về kích thước, màu sắc, đồng thời phía Nam Định cũng nên tính tới việc thiết kế thêm nhiều món quà lưu niệm riêng để phục vụ khách hành hương.

Được biết, Viện VHNT sẽ sớm có những cuộc họp báo và tổ chức tọa đàm để cùng giới truyền thông cung cấp thông tin về ý nghĩa lá ấn đền Trần và giúp dư luận có cách hiểu đúng. Ngoài ra, phía Viện VHNT cũng đề nghị phía Nam Định sớm có phương án  mở rộng không gian tại đền Trần và có những phương án đảm bảo an ninh, giao thông tốt để lễ hội Khai ấn 2012 diễn ra êm đẹp.

Chưa có quyết định cấm sản xuất vàng mã

Một nội dung quan trọng được thảo luận tại Hội thảo là câu hỏi “có nên đưa sản xuất vàng mã vào danh mục các nghề nghiệp bị cấm trong thời gian tới?”. Thực tế cho thấy, kể từ cuối năm 2010, nghị định về việc cấm đốt vàng mã nơi công cộng đã có hiệu lực, tuy nhiên nghề sản xuất vàng mã hiện vẫn... đang nằm nguyên trong danh mục các ngành nghề được phép hoạt động của Bộ Kế hoạch & Đầu tư.

Theo ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra  Bộ VH,TT&DL, việc không có quy định cụ thể về chế tài xử phạt cho hoạt động này đã dẫn tới tình trạng ngành thanh tra nhiều lần phát hiện ra việc sản xuất, vận chuyển, đưa đồ mã vào đền, chùa nhưng đều lúng túng trong khâu xử phạt. “Hầu hết, các đối tượng có nhu cầu đều... thuê trẻ em ra đốt vàng mã chứ không trực tiếp tiến hành”- ông Phúc nói.

Cũng theo gợi ý của ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL, các đại diện cơ quan quản lý tại Hội thảo đã thảo luận và cùng đi tới kết luận: ý tưởng cấm sản xuất vàng mã rất nhạy cảm và cần được bàn thảo, nghiên cứu hết sức cẩn thận. Dường như, điều này lại liên quan tới một yêu cầu mà Bộ VH,TT&DL đặt ra cho Viện VHNT vào đầu năm nay: “Tiến hành nghiên cứu để đưa ra phân biệt rạch ròi 2 khái niệm “văn hóa tâm linh” và “mê tín dị đoan”. Theo lời Thứ trưởng, rất nhiều cơ quan văn hóa địa phương đã thắc mắc và đặt ra nhu cầu được phân biệt 2 khái niệm này trong công tác quản lý. Câu trả lời từ phía Viện VHNT tại cuộc hội thảo cũng là… xin được nghiên cứu thêm vì lý do “quá phức tạp và nhạy cảm”

Chiêu Minh

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›