Thái Lan: 12/77 tỉnh tiến tới tuyên bố COVID-19 là bệnh đặc hữu

Chủ nhật, 24/04/2022 17:24 GMT+7

Google News

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) cho biết 12/77 tỉnh, thành của quốc gia Đông Nam Á này sẽ sớm có thể tuyên bố COVID-19 là một bệnh đặc hữu trước thời hạn đặt ra để chấm dứt đại dịch trên toàn quốc vào tháng 7.     

Covid-19 chưa chính thức được coi là bệnh đặc hữu trên thế giới

Covid-19 chưa chính thức được coi là bệnh đặc hữu trên thế giới

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 21/4, thế giới đã ghi nhận 507.127.164 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.232.964 ca tử vong. Số người đã bình phục là 459.568.539 trong khi vẫn còn 41.948 ca đang phải điều trị tích cực.

Các tỉnh ở Thái Lan sẽ chuyển sang giai đoạn COVID-19 là bệnh đặc hữu khi tỷ lệ tử vong giảm xuống dưới 0,1% các ca nhiễm trong 2 tuần liên tiếp. Chính phủ Thái Lan đã ấn định thời hạn chót là ngày 1/7 để tuyên bố chấm dứt đại dịch.

Theo người phát ngôn CCSA Taweesilp Visanuyothin, 12 tỉnh có tỷ lệ tử vong đang giảm gần tới mức để tuyên bố COVID-19 là bệnh đặc hữu gồm Phetchaburi, Surat Thani, Krabi, Ranong, Trang, Nakhon Si Thammarat, Phuket, Satun, Songkhla, Yala, Pattani và Narathiwat.    

Quá trình chuyển đổi COVID-19 từ đại dịch sang bệnh đặc hữu ở Thái Lan gồm 4 giai đoạn: Chiến đấu (cấp độ 4) từ 12/3 đến đầu tháng 4, Bình ổn (cấp độ 3) từ tháng 4 đến tháng 5, Suy giảm (cấp độ độ 2) từ cuối tháng 5 đến tháng 6 và Hậu đại dịch (cấp độ 1) từ ngày 1/7 trở đi.    

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngoài 12 tỉnh trên, hiện Thái Lan có 21 tỉnh đang ở cấp độ 4 và 44 tỉnh đang ở cấp độ 3. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên toàn quốc vẫn tăng mặc dù số ca nhiễm có khả năng giảm xuống. Tỉ lệ tử vong vì COVID-19 trên toàn quốc hiện nay là 0,31%. Người phát ngôn Taweesilp cho biết hầu hết các trường hợp tử vong là những người chưa tiêm chủng và có bệnh mãn tính.   

CCSA đã thông qua lộ trình 3 điểm để chuyển đổi COVID-19 sang bệnh đặc hữu là: công chúng tiếp cận điều trị dễ dàng, hiệu quả với tỷ lệ tử vong thấp hơn 0,1%, hơn 60% dân số được tiêm nhắc lại và xây dựng nhận thức của cộng đồng về cách chuyển COVID-19 từ đại dịch sang bệnh đặc hữu một cách an toàn. Trong khi đó, Ủy ban Sức khỏe Cộng đồng ngày 24/4 cho rằng việc xét nghiệm COVID-19 hàng ngày và tiêm chủng phải được tăng cường để có thể tuyên bố COVID-19 là bệnh đặc hữu vào tháng 7.     

Thái Lan sáng 24/4 ghi nhận thêm 17.784 ca mới cùng 126 ca tử vong trong 24 giờ qua. Con số này chưa bao gồm 14.937ca có kết quả xét nghiệm dương tính bằng phương pháp kháng nguyên mà nếu được tính vào sẽ nâng tổng số camới lên 32.721 ca. Kể từ khi ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên vào đầu năm 2020, Thái Lan đã có tổng cộng 4.165.874 ca, trong đó có 27.775 người không qua khỏi.     

Tính đến ngày 23/4, Thái Lan đã tiêm được 132,56 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó 80,7% dân số được tiêm ít nhất một liều, 73,3% được tiêm ít nhất hai liều và 36,6% được tiêm ít nhất một liều nhắc lại.

TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›