Tết Nguyên đán là ngày lễ lớn và quan trọng nhất trong năm của người Việt. Bạn có biết Tết Nguyên đán có từ khi nào và mang ý nghĩa gì không?
Tết Nguyên đán có từ bao giờ?
Nói về nguồn gốc của Tết Nguyên đán, có nhiều thuyết cho rằng Tết Nguyên đán chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa, có khởi nguồn từ thời Tam Hoàng, Ngũ Đế. Tuy nhiên, điều này cũng gây ra nhiều tranh cãi. Bởi những tài liệu cổ ghi chép lại, người Việt ta đã đón Tết Nguyên đán trước cả Trung Hoa xưa.
Trong Giao Chỉ Chí có viết rằng: "Người Giao Quận thường tập trung lại từng phường hội nhảy múa hát ca, ăn uống chơi bời trong nhiều ngày để vui mừng một mùa cấy trồng mới, không những chỉ có dân làm nông mà tất cả người nhà của Quan lang, Chúa động cũng đều tham gia lễ hội này".
Chưa hết, trong Kinh Lễ, Khổng Tử có viết: "Ta không biết Tết là gì, nghe đâu đó là tên của một ngày lễ hội lớn của bọn người Man, họ nhảy múa như điên, uống rượu và ăn chơi vào những ngày đó".
Lại nói, chẳng có nơi nào ghi lại dấu tích của việc ăn Tết rõ bằng Sự tích bánh chưng, bánh dày. Bánh chưng tượng trưng cho đất, bánh dày tượng trưng cho trời. Đất trời là một cặp âm dương hòa hợp. Tương truyền, nước Văn Lang năm 2879 TCN, họ Hồng Bàng đã có thời gian trị vì kéo dài 2622 năm. Kinh Dương Vương sinh ra Lạc Long Quân, nối ngôi cha, là giống Rồng kết đôi với mẹ Âu Cơ giống Tiên sinh ra Hùng Vương.
Từ thời vua Hùng, dân ta đã có tục ăn Tết, dâng cúng tiên vương bằng những món ngon tinh túy của đất trời. Đó chính là món lễ vật chân phương, mộc mạc nhưng kết hợp hài hòa nhân sinh, vũ trụ và âm dương đất trời - bánh chưng, bánh dày. Bánh chưng vuông ôm lấy bánh dày tròn tượng trưng cho sự no đủ, tròn đầy.
Điều này còn tượng trưng cho sự kế thừa truyền thống đậm bản sắc người Việt. Những món lễ vật dâng cúng trong Tết phần lớn làm từ gạo - 'hạt ngọc trời' nuôi dưỡng chúng ta. Đó cũng là lý do gạo nếp ngon, dẻo được chọn làm nhiều loại bánh dâng cúng tổ tiên, thần linh trong ngày Tết Nguyên đán.
Sau này, do ảnh hưởng qua lại của hai nền văn hóa mà nước ta và nước bạn láng giềng có một vài nét chung là đón Tết vào dịp tiết Nguyên Đán nhưng vẫn có những đặc trưng riêng. Rõ rệt nhất là lễ vật dâng cúng tổ tiên bánh chưng, bánh dày.
Trong An Nam chí lược của Lê Tắc, phong tục ăn Tết của người Việt cũng mang bản sắc riêng. Dân ta uống rượu, dùng trầu cau, ăn dưa cà muối mắm, bánh chưng, bánh dày, bánh tét, tổ chức dâng cúng tổ tiên và các lễ hội mùa xuân dân gian. Trong Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn còn chép rằng, nước ta thời Lý còn thực hiện các nghi lễ cầu mưa, cầu phúc cho mùa màng, dùng ngày lập xuân để thực hiện lễ nghinh xuân.
Thực khó để nói Tết Nguyên đán chính xác có từ bao giờ, nhưng theo những thư tịch cũ ghi lại như vậy đã cho thấy người Việt ta đã ăn Tết trước người Trung Quốc rất lâu.
Những điều có thể bạn chưa biết về Tết Nguyên đán
Tết Nguyên đán của người Trung Quốc có từ thời Ngũ Đế, Tam Vương. Đời Tam Vương nhà Hạ, chuộng màu đen nên chọn tháng đầu năm, tức tháng Giêng, nhằm tháng Dần đón Tết. Nhà Thương, thích màu trắng, lấy tháng Sửu (con trâu), tháng Chạp làm tháng đầu năm. Qua nhà Chu, những năm 1050-256 TCN lại ưa sắc đỏ nên chọn tháng Tý (con chuột) tháng 11 làm tháng Tết.
Thuở ấy, những vị vua này chọn thời điểm bắt đầu năm mới là sự kết hợp Thiên-Địa-Nhân: Nghĩa là giờ Tý thì có trời, giờ Sửu có đất, giờ Dần sinh loài người. Từ đó mà đặt ra ngày Tết khác nhau.
Đến thời Đông Chu ngày Tết được ấn định vào tháng nhất định là tháng Dần. Đến đời Tần (thế kỷ III TCN), Tần Thủy Hoàng lại đổi qua tháng Hợi (con lợn), tức là tháng 10. Cho đến thời Hán Vũ Đế (140 TCN) ngày Tết lại được đặt vào tháng Dần (tức tháng Giêng) giống với thời nhà Hạ. Từ ấy về sau, vật đổi sao dời, thời đại thay đổi, tháng Tết vẫn giữ là tháng Dần.
Tết Nguyên đán bắt đầu từ ngày nào và kết thúc vào ngày nào?
Đến thời Đông Phương Sóc, ông cho rằng ngày của năm mới, tức ngày tạo thiên lập địa còn phải có thêm giống Gà, ngày thứ hai có thêm Chó, ngày thứ ba có Lợn, ngày thứ tư có Dê, ngày thứ năm sinh Trâu, ngày thứ sáu sinh Ngựa, ngày thứ bảy sinh Người và ngày thứ tám thì sinh ra ngũ cốc.
Chính vì vậy, ngày Tết thường được bắt đầu từ mùng 1 đến hết ngày mùng 7. Ở nước ra, không khí Tết chính thức sẽ bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, lúc ấy là lễ cúng ông Công ông Táo và sẽ kết thúc vào ngày mùng 7 (thường diễn ra lễ Khai hạ, nghĩa là hạ cây nêu, chính thức hết Tết) tháng Giêng.
Quy luật 3 năm nhuận 1 tháng
Tết được tính theo Âm lịch nên Tết Nguyên đán của nước ta diễn ra muộn hơn Tết Dương lịch. Cứ ba năm thì lại nhuận một tháng của lịch âm nên ngày đầu tiên của năm mới không bao giờ diễn ra trước ngày 21/1 Dương lịch và sau ngày 20/2 Dương lịch. Ngày đầu năm sẽ rơi vào giữa những ngày này. Tết năm nay, Tết Quý Mão 2023 diễn ra vào ngày 22/1 Dương lịch.
Ý nghĩa đặc biệt của Tết Nguyên đán
Tết Nguyên Đán không chỉ là khoảng thời gian giao thoa giữa quá khứ và tương lai, giữa năm cũ và năm mới mà còn chứa đựng những ý nghĩa thiêng liêng. Những khoảnh khắc đầu tiên của năm mới, trong veo và sáng sủa, khí xuân rạo rực đất trời mang đến cho người ta nhiều hi vọng mới vào một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Sống trong cội nguồn văn hóa Á Đông, trân trọng ngày lễ cổ truyền ấy cũng chính là cách mà mỗi người con đất Việt bày tỏ lòng thành kính tới các vị thần linh và mong cầu cho một năm mưa thuận gió hòa lẫn mùa màng bội thu.
Tết Nguyên đán cũng là dịp để mỗi người nhìn lại những gì đã qua, hiểu được bản thân đã làm được những gì và cần cố gắng điều gì trong năm mới. Tết Nguyên đán chính là cơ hội để mọi người mở ra cánh cửa niềm tin và hy vọng ở một năm mới, vui vẻ, hạnh phúc và thành công hơn.
Tết Nguyên đán chính là "cái cớ" hoàn hảo cho sự đoàn viên gia đình, kéo mọi người về bên nhau để đón những khoảnh khắc giao thời thiêng liêng. Bởi gia đình chính là nơi sẽ cùng ta làm mới động lực, gieo mầm hi vọng bắt đầu một năm mới tốt lành, may mắn hơn.
Tags