(TT&VH Cuối tuần) - Chỉ trong một tuần lễ, làng banh nỉ thế giới phải nói lời chào tạm biệt tới hai tay vợt lớn ngay trong thời điểm đang diễn ra giải Mỹ mở rộng 2012. Không lâu sau trận thua Laura Robson ở vòng hai, Kim Clijsters đã nói lời chia tay. Một cựu số một thế giới khác, Andy Roddick, cũng tuyên bố giã biệt sự nghiệp cầm vợt sau giải đấu này vào đúng sinh nhật lần thứ 30. Vắng họ, tennis dường như đang đi chậm lại, để cùng nhìn lại những điều đẹp đẽ nhất mà hai tay vợt đã đem đến cho người hâm mộ.
Chuyện cổ tích làng quần vợt
Jada Ellie, cô con gái rượu của tay vợt người Bỉ chỉ tay cho mẹ về phía rừng người trên khán đài, sau đó chạy lon ton khắp sân đấu trung tâm Arthur Ashe với nụ cười rạng rỡ trên môi trong khi tất cả mọi người đang có mặt chúc mừng chiếc cúp vô địch Mỹ mở rộng của Klisjters. Mới 18 tháng tuổi, Jada chẳng thể hiểu quần vợt là gì, cũng không hề ý thức được món tiền thưởng 1,6 triệu USD mẹ mình sẽ nhận sau giải đấu, và danh hiệu Grand Slam thì lại càng chưa thể có trong từ điển của cô bé. Tuy nhiên, tất cả những điều ấy lại trở thành một trong những cuốn băng đẹp nhất lịch sử quần vợt: khoảnh khắc Clijsters đăng quang ở Grand Slam đầu tiên kể từ khi làm mẹ và tái xuất.
Kim Clijsters cùng con gái Jada, một trong những hình ảnh đẹp nhất lịch sử
Năm 2004, khi lên ngôi số một thế giới, Clijsters bị chỉ trích khá nhiều khi mang danh nữ hoàng quần vợt mà không một lần giành Grand Slam, điều mà cô cũng thực hiện được một năm sau đó. Năm 2007, Clijsters bất ngờ tuyên bố giải nghệ khi mới 24 tuổi để lui về xây dựng hạnh phúc gia đình. Không nhiều luyến tiếc, nhớ nhung người ta dành cho cô trong hai năm vắng bóng bởi họ đã có Maria Sharapova, Serena và Venus Williams, Justin Henin…
Thế nhưng giờ đây, khi phải nói lời chia tay lần thứ hai với Clijsters, không chỉ những người đồng nghiệp, những đối thủ của cô tỏ ra vô cùng tiếc nuối mà cả thế giới tennis như mất đi một phần hồn. Từ nay, sẽ chẳng có người mẹ nào ở All England Club, ở Melbourne, ở Flushing Meadow hay Roland Garros nữa. Từ khi có Jada, Clijsters mới gặt hái được thành công như hiện nay. Sau khi tái xuất, cô có thêm hai danh hiệu Mỹ mở rộng, một Úc mở rộng, lọt vào chung kết tất cả bốn Grand Slam, nâng tổng số danh hiệu WTA của mình lên con số 41. Bản thân tay vợt người Bỉ cũng từng thừa nhận: “Làm mẹ là cảm giác tuyệt vời nhất của tất cả phụ nữ trên thế giới này. Jada khiến cho cuộc đời của tôi trở thành một câu chuyện cổ tích. Con gái là lý do khiến tôi tạm gác vợt và cũng là động lực để tôi trở lại thi đấu và giành chiến thắng. Jada là tất cả nguồn cảm hứng của tôi”.
Hình ảnh Clijsters mặc chiếc váy đen, áo đỏ hiệu Fila, tay cầm chiếc cúp vô địch và bên cạnh là cô con gái Jada mặc quần đen, áo sọc trắng đen, tay cầm vợt đã được công ty Mattel, nhà sản xuất búp bê Barbie mô phỏng rất thành công trong một phiên bản đặc biệt. Jada trở thành bé gái ít tuổi nhất được hóa thân thành búp bê Barbie còn mẹ bé là nữ vận động viên đầu tiên có vinh dự đó, sánh ngang với các phiên bản những nhân vật cực kỳ nổi tiếng của Barbie như bà hoàng truyền hình Oprah Winfrey, các nữ minh tinh màn bạc Elizabeth Taylor và Marilyn Monroe, hay thủ tướng Đức Angela Merkel.
Thêm một “người đặc biệt” ra đi
Vắng Roddick, quần vợt sẽ thiếu đi một cá tính đặc biệt. Đôi khi, người ta cần một sự phá cách, một điểm nhấn khác hẳn với tất cả phần còn lại, như John McEnroe đã tỏ ra đầy tiếc nuối sau sự ra đi của Marat Safin: “Cậu ấy có thể đã đập vỡ cả trăm cây vợt, nhưng sẽ rất nhiều người đánh đổi thêm cả ngàn cái khác để thêm một lần nhìn Marat chơi tennis”. Roddick cũng đặc biệt theo cách ấy, một kiểu không lịch lãm và chuẩn mực như Roger Federer, không hài hước như Novak Djokovic và càng không chân chất như Rafael Nadal.
Không ít khán giả từng nghi ngờ về quyết tâm thi đấu của Roddick khi tay vợt người Mỹ hết lần này tới lần khác thất bại trong những thời điểm quan trọng nhất tại các trận chung kết Grand Slam. Anh hay bỏ bóng, hiếm khi thực hiện những cú cứu bóng nỗ lực. Trả lời cho những nghi vấn ấy, Roddick tuyên bố: “Tôi không đánh quần vợt. Tôi yêu và chơi nó. Thể thao chỉ là một trò chơi, bạn đừng cho rằng tôi là kẻ hời hợt. Chỉ là tôi muốn coi mọi thứ nhẹ nhàng nhất có thể”.
Roddick cũng nổi tiếng bởi những hành vi thiếu kiềm chế trên sân đấu. Anh nóng nảy tới mức sẵn sàng nhảy bổ vào trọng tài trước các quyết định sai lầm. Trong một trận đấu vòng ba Úc mở rộng 2008, Roddick đã sửng cồ với trọng tài Emmanuel Joseph: “Anh là một kẻ đần! Hãy trở lại trường mẫu giáo học lại hoặc đừng làm trọng tài nữa”.
Thế nhưng, có một sự tương phản rõ rệt giữa Roddick tài tử, rất dễ phản ứng trân sân đấu với Roddick đầy kiên trì và tình cảm trong cuộc sống cá nhân. Anh từng nhận danh hiệu Vận động viên thể thao sexy nhất hành tinh do tạp chí People bầu chọn năm 2003. Năm 2010, anh vượt qua hàng loạt từ tài tử điện ảnh cho tới Tổng thống Barack Obama, trở thành người đàn ông quyến rũ nhất nước Mỹ. Sự nghiệp từ thiện là một điểm nhấn khác của Roddick.
Năm 2001, khi mới 19 tuổi, Roddick đã thực hiện nghĩa cử đáng ngưỡng mộ: thành lập Quỹ bảo trợ Andy Roddick với tiêu chí “Nâng niu trẻ em hôm nay, cho một thế giới tốt đẹp ngày mai” nhằm trợ giúp những trẻ em có điều kiện khó khăn được chơi quần vợt nói riêng và thể thao nói chung. Trên trang web chính thức của mình, Roddick dành riêng một phần cho từ thiện, những hoạt động của anh cùng những người khác. Với anh, phần đời đó thậm chí còn quan trọng hơn quần vợt: “Việc giúp đỡ mọi người đối với tôi có ý nghĩa hơn rất nhiều những trận tennis, ngay cả những chiến thắng. Nhưng muốn làm được điều đó, trước hết tôi phải thi đấu. Tennis sẽ giúp tôi có nhiều cơ hội, nhiều tiền hơn để làm từ thiện”.
Hồi tháng 3 vừa qua, chương trình đào tạo trẻ của quỹ Roddick đã thu nhận 1000 trẻ em ở vùng đồi núi Texas để hướng dẫn chơi quần vợt. Anh cũng trao tặng tổng cộng 5.000 cây vợt cho các em. Sắp tới, tay vợt 30 tuổi cho biết anh đang bắt tay vào việc xây dựng một trung tâm thể thao ở đông Austin dành riêng cho trẻ em.
Lời kết
Họ đều là những cựu số 1 thế giới từng lên đỉnh vinh quang tại Mỹ mở rộng và chọn nơi đây làm điểm dừng chân cuối cùng của sự nghiệp. Họ chưa bao giờ được đánh giá là những tay vợt xuất sắc nhất thế giới nhưng Clijsters và Roddick xứng đáng được ghi nhớ, được ngợi ca với những đóng góp và cảm xúc riêng biệt không thể lẫn đi đâu mà họ đem lại cho quần vợt. Không có họ, tất cả các giải đấu vẫn diễn ra đều đặn, số tiền thưởng có thể vẫn tăng và khán giả chẳng vì thế mà không theo dõi nữa. Thế nhưng, vì trái đất vẫn quay, Clijsters vẫn tiếp tục trở thành chỗ dựa an toàn nhất cho cuộc đời Jada và Roddick sẽ tiếp tục cuộc hành trình đem lại hạnh phúc cho những trẻ em không may mắn, ít nhất là tới khi nào họ còn hít thở.
Kim Clijsters Ngày sinh: 8/6/1983 tại Bilzen, Bỉ Đã kết hôn, có một con gái Jada bốn tuổi rưỡi. Cao 1,74 m, nặng 68 kg Sự nghiệp: 1997-2012 (Gián đoạn 2007-2009 ở lần từ giã thứ nhất) Danh hiệu WTA: 41 đơn, 11 đôi
Grand Slam: Australian Open 2011; US Open 2005, 2009, 2010
Masters: Los Angeles 2002, 2003, Doha 2010.
Fed Cup: 2001 Thứ hạng cao nhất: 1 (2003, 2006 và 2011) Andy Roddick Ngày sinh: 30/8/1982 tại Omaha, Nebraska, Mỹ Cao 1,88 m, nặng 88 kg
Danh hiệu ATP: 30
Grand Slam: US Open 2006
Master: Montreal, Cincinnati, Miami 2003; Cincinnati 2006; Miami 2010 Thứ hạng cao nhất: 1 (2003) |
Yến Nhi