(Thethaovanhoa.vn) - Áp lực vô địch Roland Garros của Novak Djokovic vốn đã nặng nề, giờ càng nặng nề hơn sau khi Andy Murray đăng quang ở Rome Masters.
Phá lời nguyền ở Rome
Đây là một điều rất mới, khi Murray trở thành nhà vô địch trên các giải đất nện quan trọng. Bởi trước đó mặt sân này là sở đoản của anh, và anh chưa từng giành vinh quang cho tới trước tháng 4 năm ngoái.
Trong khi các chuyên gia đánh giá Murray, Djokovic và Rafael Nadal sẽ là những ứng cử viên nặng ký cho ngôi vô địch Roland Garros năm nay, ta có thể nhận ra rằng tay vợt người Scotland thi đấu tốt hơn 2 cái tên còn lại trên mặt sân đỏ kể từ tháng 4 năm 2015. Anh bắt đầu bằng việc vô địch Suttgart và Madrid, dồn Djokovic vào trận bán kết 5 set tại Roland Garros, chinh phục Davis Cup trên mặt sân đất nện tại Bỉ. Rồi sau đó giành chiến thắng thuyết phục 6-3, 6-4 trước Djokovic tại chung kết Rome Masters vừa qua. Sự tiến bộ của Murray thật đáng ngạc nhiên.
Thành tích của anh trên mặt sân đỏ kể từ tháng 4 năm ngoái tới nay là 29 chiến thắng, 3 thất bại (thua Djokovic tại Roland Garros 2015, thua Nadal tại Monte Carlo 2016 và thua Djokovic tại Madrid 2016). Liệu Murray đã sẵn sàng cho cuộc chạy đua ở Paris này?
Hãy xem danh hiệu Rome vừa qua có ý nghĩa to lớn thế nào với Murray, nhất là khi hợp thức hóa bằng cách đánh bại Djokovic. Trong khi các fan của Nadal vẫn phải tự hỏi liệu vị thần tượng của họ có thể lấy lại được niềm tin và ý chí vào những thời khắc quan trọng thì Murray đã nhanh chóng “cảnh tỉnh” lại thế giới quần vợt, rằng Djokovic không bất khả chiến bại như họ nghĩ. Rome Masters có thể không phải giải đấu mang tính chất quyết định cho sự thành công của một tay vợt, nhưng nếu nhìn lại quãng đường thành công của Nole tại đây, hay khoảng thời gian 11 năm giải đấu không có ai khác lên ngôi vô địch trừ Nadal và Nole, ta sẽ thấy Murray đã “có công” lớn như thế nào.
Murray cần làm gì ở Paris?
Giành chiến thắng tại Rome và đảm bảo ngôi vị số 2 thế giới là những điều quan trọng bậc nhất mà Murray đã làm được. Bởi anh được rơi vào nhánh đấu dễ dàng hơn, tránh xa Djokovic cho tới tận chung kết.
Bây giờ, Murray cần tập trung vào sự bền bỉ và kinh nghiệm thi đấu, thứ mà anh đã có được trong một thời gian đủ dài vừa qua để không gặp nhiều khó khăn trước các đối thủ như David Goffin, Kei Nishikori, David Ferrer và Richard Gasquet ở nhánh của mình. Nhưng vào tới bán kết, Murray vẫn nên dè chừng những cái tên như Stan Wawrinka, Dominic Thiem, Nick Kyrgios, Milos Raonic hay thậm chí là Jo-Wilfried Tsonga.
Tất nhiên, Murray nên hiểu rằng chính chiến thắng đó có thể là hành động thức tỉnh “nhà vua”. Djokovic là một chiến binh kiêu hãnh, tay vợt thống trị nhất trong 5 năm qua và là một trong những người xuất sắc nhất lịch sử quần vợt. Và khi niềm tự hào của “vị hoàng đế” bị tổn thương, anh sẽ làm tất cả để phục hận Murray. Càng lâm vào thế khó khăn, Djokovic càng mạnh.
Sự tiến bộ của Murray trên sân đất nện bắt đầu bằng việc củng cố các cú giao bóng hai của mình. Tay vợt người Scotland đã học được những kỹ năng mới và không còn thua đau tại mặt sân này. Tốc độ và các cú bóng ngắn của Murray đều đang tốt hơn Djokovic. Murray sẽ cần phải tiếp tục cải thiện sự kết hợp giữa phong cách phòng ngự phản công với một công thức chiến thắng chuẩn mực. Điều đó có nghĩa là anh phải thi đấu nhuần nhuyễn hơn ở cả 2 góc sân, cải thiện các cú thuận tay, trái tay, điều mà Djokovic làm tốt hơn bất kỳ ai trong thời điểm này. Nếu giữ được phong độ, sự ổn định và tâm thế như đang có, Murray sẽ vào tới chung kết dễ dàng. Điều còn thiếu ở anh là sự chắc chắn trong các thời khắc quan trọng nhất để có thể trở thành một tay vợt lớn.
Giữa Rome và Roland Garros là những sự khác biệt lớn. Hãy cùng chờ đón Paris mùa Hè này.
Yến Nhi
Thể thao & Văn hóa
Tags