Giải bóng bàn các đội mạnh toàn quốc sắp đến được kỳ vọng sẽ tạo được sức hút khi có sự xuất hiện của 2 gương mặt showbiz trong lễ khai mạc là ca sỹ Văn Mai Hương và Hoàng Bách. Chưa biết điều này có tác động đến lượng khán giả quan tâm đến sự kiện số 2 của bóng bàn Việt Nam hay không, nhưng thật ra, đây là việc nên làm từ lâu.
Bóng bàn Việt Nam từng có những gương mặt rất đặc biệt. Khoảng năm 2000, ca sỹ Ngọc Sơn là một VĐV bóng bàn có hạng, gần như không vắng mặt ở bất kỳ sự kiện bóng bàn nào tại TP.HCM, kể cả các giải phong trào tại Nhà văn hóa Lao động thành phố. Bóng bàn khi đó, còn có 3 chị em của tam ca Áo trắng, vốn là những "fan ruột" của làng "vợt gỗ". Chỉ tiếc là càng về sau này, số CLB tư nhân về bóng bàn ngày càng ít nên phong trào cũng không còn sôi động dù đây là môn thể thao rất dễ phát triển ở các đô thị lớn và phù hợp với… nhiều giới.
Nhắc đến câu chuyện bóng bàn, vì phong trào pickleball có nở rộ hiện nay trên khắp thế giới có sự sự tác động rất lớn của những ngôi sao showbiz hoặc những KOLs. Tất nhiên, điều chúng ta đang nói đến không phải là các gương mặt được trả tiền quảng cáo hay làm đại diện, mà là những người nổi tiếng đang tham gia chơi môn thể thao đó. Họ giống như là một 'tài sản" có giá trị nếu biết tận dụng được niềm đam mê của họ. Không phải tự nhiên mà bóng rổ Mỹ thu hút các ngôi sao điện ảnh hay âm nhạc, cũng không tình cờ mà môn bóng bầu dục hay bóng chày lại được "ưu ái" lên màn ảnh Hollywood. Các kịch bản phim ít nhiều đều gắn với sở thích của các ngôi sao đóng vai chính.
Ở Việt Nam, công tác "làm hình ảnh" cho thể thao đỉnh cao khá manh mún, thậm chí là không được chú trọng. Trên thực tế, không ít người nổi tiếng đã và đang chơi thể thao, nhất là các môn gắn liền với đời sống đô thị và có yếu tố cá nhân hóa cao như chạy bộ, bóng bàn, cầu lông, kick boxing, bóng rổ, leo núi tốc độ hay gần đây là pickleball.
Hơn ai hết, chính những nhân vật này cũng rất muốn "lăng xê" môn chơi của mình. Họ có thể có thêm lượng fan từ thể thao, và ngược lại, nếu khai thác được tầm ảnh hưởng của họ, thì cũng sẽ giúp cho các môn đỉnh cao có thêm người chơi cũng như dễ thu hút tài trợ. Đã có không ít các doanh nghiệp gắn bó với một môn thể thao chỉ đơn giản là người chủ doanh nghiệp đó từng là VĐV thời còn trẻ.
Ở một khía cạnh rộng hơn, "làm hình ảnh" cho thể thao đỉnh cao là một trong những phần việc quan trọng cùa công tác xã hội hóa. Sự phát triển của mạng xã hội cũng như các nền tảng phát sóng trực tuyến đang tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc "làm hình ảnh" này.
Một ca sỹ nổi tiếng đăng ký thi đấu chuyên nghiệp, dù có thể chỉ mang tính chất biểu diễn, chắc chắn cũng sẽ giúp trận đấu ấy tiếp cận được lượng người xem gấp nhiều lần tổng lượng xem toàn giải nếu không có họ. Chưa kể, khai thác niềm đam mê của họ không chỉ ở tư cách VĐV mà còn có thể là "đại sứ", là "khách mời danh dự" … Nếu môn chơi nào có được nhiều nhân vật như thế, thì công tác xã hội hóa hẳn sẽ thuận lợi hơn nhiều. Nói cho cùng, để một VĐV tham gia showbiz thì khó nhưng ở chiều ngược lại, thì lại hoàn toàn có thể.
Bên cạnh đó, chính những VĐV đỉnh cao của thể thao Việt Nam cũng hoàn toàn có thể trở thành các "ngôi sao" hay KOLs trên mạng xã hội để giúp chính môn chơi của mình. Cách đây vài năm, từng có một kế hoạch để hỗ trợ các VĐV nổi tiếng của thể thao Việt Nam "làm hình ảnh", chẳng hiểu sao đến giờ vẫn chưa thấy xúc tiến.
Tags