Với Atletico, Diego Simeone là Steve Jobs

Thứ Hai, 01/08/2016 06:20 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - “Simeone với Atletico giống như kiểu Steve Jobs với Apple”. Đó là câu nói nổi tiếng của kí giải Martin Mazur thuộc tờ Marca (Tây Ban Nha). Liệu đúng như thế?

Qua từng năm, Simeone đạt được những thành tích trên cả mong đợi. Đó cũng có thể coi là một sự thừa nhận. “Một khi mà bạn giẫm phải một… bãi phân, bạn phải luôn nhớ rằng mình phải quên nó đi và đừng bao giờ giẫm nữa”, đó là những lời chia sẻ rất chân thành của Diego Simeone trong cuốn tự truyện mang tên Creer (Niềm tin).

Người thay đổi số phận Atletico

Khi Simeone tới Atletico vào năm 2011, CLB đang đứng trước nguy cơ không được dự các cúp châu Âu. Simeone chẳng hề sợ hãi, bởi ông có khả năng đương đầu với những áp lực.

Simeone đã thay đổi Atletico. Ông không chỉ đưa đội bóng thoát khỏi thực trạng tồi tệ mà còn nâng tầm về mặt lối chơi. Atletico không còn chơi một thứ bóng đá mơ hồ, họ có chiến thuật, ý tưởng rõ ràng và qua đó dần tiến về phía trước. Trong tư duy bóng đá của Simeone, kết quả trên sân cỏ là thứ nói lên tất cả. Ông không cần phải nói thêm bất cứ điều gì về những thay đổi của mình nữa.

Cái hay của Simeone là Atletico không quan tâm tới việc kiểm soát bóng hay tạo ra áp lực cao. Lối chơi của Atletico luôn đề cao tính đơn giản. Họ chắc chắn trong phòng ngự, sắc sảo trong tấn công. Với sự vươn lên mạnh mẽ của Atletico, Liga trở thành cuộc đua “tam mã” thay vì sự song hành của Real và Barca kéo dài trong suốt một thập kỉ đã qua.

Simeone đưa Atletico giành danh hiệu Europa League ngay trong mùa bóng đầu tiên. Tiếp đó, ông giúp CLB lọt vào 2 trận chung kết Champions League trong 3 năm qua. Chiến tích ấy khiến ông được xếp vào hàng những HLV hay nhất thế giới.

Luôn đề cao sức mạnh tập thể

“Bóng đá như một trò chơi của những sai lầm”, Simeone nói. “Càng ít sai lầm, cơ hội chiến thắng càng cao. Người chiến thắng là người mắc ít sai lầm hơn. Vì điều này, chúng tôi luôn làm việc để tìm ra điểm yếu của đối thủ”.

Simeone luôn đề cao sức mạnh của tập thể. Vì thế, ông không bao giờ sử dụng từ “tôi”, mà luôn là “chúng tôi”.

Không như các HLV khác, những người có những lứa cầu thủ tài năng, Simeone có một đội bóng chỉ được đánh giá ở mức khá và ông luôn phải xây dựng đội bóng sau mỗi mùa giải. Rất nhiều cầu thủ sau khi được Simeone “nâng cấp” đều ra đi (Radamel Falcao, Arda Turan, Filipe Luis, Diego Costa, Miranda). Nhưng Simeone không hề lúng túng. Ông vẫn tìm được người thay thế. Thậm chí, người sau còn hay hơn cả người trước.

“Tôi thích khích lệ tinh thần các cầu thủ của tôi bởi tôi hiểu họ là người giúp tôi chiến thắng”, Simeone nói. “Tôi không muốn chỉ trích. Tôi muốn khích lệ họ, muốn những đầu tư tốt nhất của mình cho họ. Bởi họ là những người duy nhất giúp tôi tiến về phía những thành công”.

Những người luôn chờ đợi vào chiến thắng sẽ rất thất vọng nếu như thua đến 2 trận chung kết Champions League chỉ trong 3 năm. Nhưng Simeone lại luôn thấy những tín hiệu tích cực

“Marcelo Bielsa thường nói rằng một đội bóng mạnh thậm chí cần phải biết làm thế nào để chơi ở những thời khắc tồi tệ”, Simeone nhớ lại. “Trong mọi trận đấu, luôn có những thời khắc mang tính quy luật, bạn là người áp đặt, hoặc bị áp đặt, hoặc là người kiểm soát… và đội bóng phải biết làm thế nào để phản ứng với những thời khắc ấy. Không có một tập thể, không có sự chuẩn bị cho những điều đó, đội bóng sẽ còn tồi tệ hơn”.

Từ khi tới châu Âu, sau khi giành những danh hiệu cùng Estudiantes và River Plate tại giải VĐQG Argentina, Simeone không chỉ chứng tỏ ông là một chiến lược gia tài ba mà còn là người vạch ra những chiến lược hợp lý cho một bước đi dài. Ông thích cách chiến thắng của cả một cuộc chiến thay vì đơn thuần là một trận đấu quyết định dẫn đến ngôi vô địch. Đó là lý do vì sao đội bóng của ông luôn chơi trận nào cũng như một trận chung kết.

Bóng đá là một cuộc chiến

“Khi còn là cầu thủ, tôi coi bóng đá như một cuộc chiến và tôi phải hạ sát hết các đối thủ”, Simeone nói. “Tôi cần phải khỏe hơn, chạy nhiều hơn, đuổi kịp và đánh bại đối thủ”.

“Đó như một con đường đấu tranh. Ở đó, có những khoảnh khắc khi tôi nhìn thấy nỗi sợ hãi trong mắt đối thủ. Đó là khoảnh khắc tôi tin rằng mình sẽ thổi bay họ. Không phải lúc nào bạn cũng là siêu nhân, có những lúc bạn thật bình thường, nhưng bạn phải biết cách để xua tan nỗi sợ hãi”. Atletico đã chơi đúng như Simeone nói. Họ chơi mà không cần quan tâm đối thủ là đội hạng Ba Tây Ban Nha ở cúp Nhà Vua hay Bayern Munich ở Champions League.

Ở Atletico lúc này, Simeone được coi như ông chủ. Ông sở hữu, kiểm soát và xây dựng Atletico. Đội bóng biết cách để làm hài lòng các fan đồng thời xây dựng được thương hiệu theo hướng toàn cầu hóa.

Có một thực tế, Simeone chưa một lần lọt vào Top 2 HLV xuất sắc nhất nhất năm của FIFA dù bất cứ đội bóng nào cũng ngại khi phải đối mặt với Atletico của ông. Cách đây 3 năm, khi được hỏi, Simeone đã trả lời: “Nếu họ không chọn chúng tôi, chắc chắn họ đã nhầm lẫn. Nhưng chúng tôi phải cảm ơn họ bởi họ làm chúng tôi phải nỗ lực hơn”.

Trong một cuộc phỏng vấn trên tờ La Nacion, nhà vô địch World Cup 1978 Cesar Menotti đã nói: “Một HLV là người lãnh đạo của một đội quân. Anh ta phải chuẩn bị những người lính và sử dụng họ một cách hiệu quả nhất. Nếu những người lính chỉ giỏi làm bếp, HLV là người phải biết giúp anh ta biến những dụng cụ làm bếp trở thành một vũ khí trên chiến trường. Điều đầu tiên của một HLV là tìm ra những cầu thủ, người đại diện cho những ý tưởng của ông ta. Sau đó, những cầu thủ sẽ chiến đấu để bảo vệ ý tưởng ấy”.

Chiến tích vĩ đại nhất của Simeone là ông đã tạo ra một đội quân từ những gã đầu bếp đơn thuần. Bây giờ, họ đã trở thành những người lính, và cùng chiến đấu cho mục đích cao nhất của ông: Chiến thắng.

2 Dưới sự dẫn dắt của Diego Simeone, Atletico đã lọt vào 2 trận chung kết Champions League trong 3 năm gần đây và đều thua Real Madrid.

63% Đây là tỷ lệ chiến thắng của Atletico Madrid dưới thời Simeone. Đội bóng của ông thắng 164 trong 260 trận.

5 Với Atletico, Simeone đã có 5 danh hiệu, đỉnh cao là chiếc cúp Liga của mùa giải 2013-14.

Chuyển nhượng của Atletico trong mùa Hè này

+Đến: Kevin Gameiro (từ Sevilla), Nicolas Gaitan (từ Benfica), Sime Vrsaljko (từ Sassuolo), Diogo Jota (Pacos de Ferreira), Axel Werner (Rafaela), Fernando Torres (miễn phí).

+Đi: Leo Baptistao (sang Espanyol), Josuha Guilavogui (sang VfL Wolfsburg), Jesus Gamez (sang Newcastle), Luciano Vietto (Sevilla mượn), Matias Kranevitter (Sevilla mượn).


Trần Giáp (Theo Fourfourtwo)
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›