Ở thời Platini, Messi cũng vĩ đại

Thứ Sáu, 15/01/2016 19:31 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Lionel Messi có thể không là cầu thủ xuất sắc nhất mọi thời đại, nhưng liệu có là cầu thủ hay nhất kể từ những năm 1980?

Chúng ta hãy so sánh một chút, giữa huyền thoại các thời đại khác nhau, dù công việc này luôn luôn khó. Messi, người sở hữu 5 Quả bóng Vàng (QBV) đã vượt qua kỉ lục giành 3 QBV của Michel Platini (1983, 1984, 1985), Johan Cruyff (1971, 1973, 1974) và Marco van Basten (1988, 1989, 1992). Vậy thì giả sử sống ở bình minh của bóng đá hiện đại (Ballon D'or bắt đầu trao cho cả những cầu thủ không phải châu Âu từ 1995) với những huyền thoại kể trên, anh có chiến thắng nhiều đến thế hay không?

Thành tích tập thể: Messi không kém ai

Trong 5 lần giành QBV, lần nào Messi cũng giành tối thiểu 3 chiếc cúp với Barcelona. Năm 2009 là 6 cúp. Năm 2010: 4 cúp. Năm 2011 là 3 cúp. Năm 2012: 4 cúp. Năm 2015 là 5 cúp. Tổng số danh hiệu tập thể của Messi với Barca tới giờ đã là 26, nhiều nhất mọi thời, và hơn hẳn những cầu thủ đã từng giành 3 QBV như Michel Platini (17), Van Basten (23) hay Johan Cruyff (23).

Ronaldo (người Brazil) giành 2 QBV các năm 1997 và 2002, thậm chí chưa từng vô địch Champions League. Số danh hiệu tập thể của QBV năm 1980 và 1981, Karl-Heinz Rummenigge là 11. Số cúp tập thể của QBV 1978 và 1979, Kevin Keegan là 17. Đấy là chúng ta đã xét tổng số danh hiệu mà những tiền bối kể trên đã giành được trong toàn sự nghiệp, không chỉ tại CLB mà họ thi đấu trong thời gian đoạt QBV.

Messi và lần thứ 5 giản dị

Messi và lần thứ 5 giản dị

Chiến thắng của Messi trước Ronaldo và Neymar không khiến nhiều người ngạc nhiên và anh trở thành người sở hữu quả bóng vàng nhiều nhất trong lịch sử của danh hiệu này.


Messi được chơi trong tập thể xuất sắc hơn nên đương nhiên giành được nhiều cúp hơn? Đấy lại là một phạm trù khác. Barcelona thế hệ từ 2008 tới 2012 nằm trong số những đội vĩ đại nhất châu Âu. Messi được sinh ra cùng thời với những tiền vệ làm bóng siêu việt như Xavi, Iniesta, và được dẫn dắt của một nhà lí thuyết bóng đá xuất chúng Pep Guardiola.

Nhưng nếu xét những tập thể  vĩ đại, không thể bỏ qua Milan của Arrigo Sacchi, mà Marco van Basten phục vụ. Số cúp lần lượt của Van Basten (tính cả với đội tuyển Hà Lan) trong 3 lần giành QBV các năm 1988, 1989 và 1992 lần lượt là 3, 3 và 2. Chưa bao giờ ta thấy ông đạt đến cột mốc tối thiểu 4 danh hiệu/mùa giải, mà Messi tạo ra.


Van Basten 3 lần giành QBV

Ajax Amsterdam những năm 1970 của Johan Cruyff là “cha đẻ” của Barcelona sau này (và phần nào của chính Milan-Sacchi) cũng là tập thể vĩ đại. Đội Ajax ấy là khởi nguồn của những ý tưởng vẫn tồn tại tới nay, mà người đặt nền móng cho nó, Rinus Michels, là cảm hứng của những chiến lược gia như Arsene Wenger, Arrigo Sacchi, Marcelo Bielsa và Pep Guardiola.

Thành công của những năm 1970 của Ajax, được phát triển bởi Michels từ những năm 1960, trong giai đoạn mà chính trị gia người Anh Charles Radcliffe gọi Amsterdam là “Thủ đô của tuổi trẻ nổi loạn”. Các kí giả hiện đại, Simon Kuper và David Winner, lại cho rằng: Ajax với Hà Lan quan trọng như ban nhạc The Beatles với người Anh. Họ là đội thứ hai giành trọn bộ ba cúp châu Âu sau Real Madrid. Chừng đó nói lên vị trí của Ajax trong lịch sử.

Ở một chừng mực nào đó, đã có thể coi Messi là vĩ đại nhất, nếu ta gắn anh vào tập thể Barcelona của Guardiola và cả của Enrique sau này. Họ đã tạo ra một trào lưu bóng đá riêng (tiki-taka) cũng như Ajax với bóng đá tổng lực hay giải pháp phòng ngự “man marking” của Sacchi (dù tầm ảnh hưởng của các trào lưu hoàn toàn khác nhau).


Michel Platini cũng 3 lần giành QBV

Điểm thua thiệt duy nhất của Messi so với Platini và Van Basten, những người đã giành 3 QBV, là thành tích ở đội tuyển quốc gia. Cả 5 QBV của Messi đều nhờ thành tích cá nhân và những chiếc cúp với Barca, trong khi Platini và Van Basten đặt dấu ấn rất rõ lên đội tuyển: Platini dẫn Pháp đến chức vô địch EURO 1984, danh hiệu lớn đầu tiên trong lịch sử nước này; còn Van Basten cùng Hà Lan vô địch EURO 1988, cũng là danh hiệu lớn đầu tiên. Năm 2014 và 2015, Messi cùng Argentina về nhì lần lượt ở World Cup và Copa America.

Tỏa sáng liên tục và bền bỉ

Nếu tính số bàn thắng, Messi không có đối thủ. Anh đã ghi 430 bàn sau 503 trận cho Barcelona. Người xuất sắc nhất của phần còn lại, Johan Cruyff  “chỉ” ghi 401 bàn sau 701 trận. Một “số 9” điền hình là Van Basten cũng “chỉ” ghi 300 bàn sau 431 trận (dĩ nhiên, Van Basten giải nghệ năm 29 tuổi, nhưng năm nay cũng Messi mới… 28). Michel Platini là tiền vệ ghi bàn xuất sắc  giành ngôi Vua phá lưới của Juventus trong cả ba lần giành Quả bóng Vàng, “chỉ” ghi được 353 bàn. Số bàn tối đa trong một mùa giải của Platini là 30, được thực hiện ở giải… hạng 2 Pháp, cũng chỉ là một “số lẻ” của Messi, người ghi trên 40 bàn/mùa tính từ mùa giải 2009-10.

Cầu thủ ngày nay được chăm sóc chu đáo hơn và bóng đá cũng khắc nghiệt hơn. Huyền thoại người Pháp Michel Platini nói trên World Soccer tháng 7/2015: “Phần “bóng đá” ngày nay nhiều hơn phần “bóng đá” ngày xưa khoảng 20 phút”. Ông cho rằng, cầu thủ  bây giờ không nhanh hơn quá khứ, nhưng được chuẩn bị thể lực tốt hơn và các trận đấu cũng khắc nghiệt hơn.

Đỉnh cao của Messi bắt đầu từ mùa giải 2007-2008, hiện đã kéo dài được 8 năm. Hiếm cầu thủ nào tỏa sáng một cách bền bỉ và liên tục như vậy. Platini nổi lên từ những năm 1974-75 khi còn khoác áo Nancy, nhưng trong suốt 10 mùa thi đấu tại Pháp, ông chỉ giành được 1 cúp quốc gia (mùa 1977-78) và một lần vô địch hạng… Nhì. Platini lên đỉnh cao tại Juventus, đứng trên đó được 4 năm, trước khi sa sút rồi chấm dứt sự nghiệp ở tuổi 30.


Messi vẫn đang ở đỉnh cao sự nghiệp

Marco van Basten giải nghệ ở tuổi 29 vì chấn thương. Karl-Heinz Rummenigge ngừng chơi bóng ở tuổi 34. Paolo Rossi chỉ tỏa sáng ở World Cup 1982 rồi vụt tắt. Ronaldo người Brazil, đứng trên đỉnh cao 11 mùa giải, khá dài, nhưng trong số này có giai đoạn “biến mất” vì chấn thương như nghỉ cả mùa 2000-01 ở Inter; chỉ chơi 8 trận mùa 1999-2000 và 13 trận mùa 2006-07 tại Real. Ronaldo đã sa sút khi tới Milan, ở tuổi 30, kể từ đó “dưỡng già”, và liên tục tăng cân. Đỉnh cao của Ronaldo vậy là kéo dài khoảng 8 năm.

Duy trì trên đỉnh cao lâu như Ronaldo và Messi là rất khó. Platini nói: “Niềm vui của cầu thủ trôi qua rất nhanh. Cuộc sống của một cầu thủ chúng tôi không có bãi biển như bao người. Chúng tôi tập luyện, nghỉ ngơi, tập luyện, nghỉ ngơi. Không còn gì khác”.

Messi thì sao? Nhà báo Simon Kuper viết:  “Anh khiến thế giới hạnh phúc hơn. Trên sân cỏ, anh chơi bóng như một đứa trẻ. Khi anh nhận bóng và bắt đầu chạy, quả bóng cuốn lấy anh như cậu bé đang đùa với chú chó cưng. Ở nơi mà Ronaldo cau có, ta thấy Messi cười”. Có thể có một chút bay bướm trong câu văn của Kuper, và chắc chắn sẽ có lúc Messi chán nản như Platini đã nói, nhưng ở tuổi 28, ta chưa thấy dấu hiệu đó. Messi thừa nhận, Ronaldo là một động lực của mình, và điều đó hoàn toàn có ích.

Messi là điển hình của một cầu thủ tấn công hiện đại

Hầu hết những cầu thủ vĩ đại như Ferenc Puskas, Pele, Michel Platini, Diego Maradona đều có xu hướng chơi sau một tiền đạo cắm, có nhiệm vụ mở không gian cho tiền vệ tấn công. Messi chơi ở vị trí tương tự, nhưng đóng vai trò khác hẳn, và đã từng không có tiền đạo nào hoạt động phía trên anh (bây giờ có Neymar và Suarez).

Messi đã và đang chơi ở 3 vị trí nổi bật: tiền đạo cánh phải, “số 9 ảo” và hộ công. Trong quá khứ, chỉ Johan Cruyff có thể đóng gần như mọi vai trò trên hàng công như Messi.

Michel Platini, Vua phá lưới của EURO 1984, đã ghi bàn ở mọi trận đấu giải đó (5 trận, EURO khi ấy mới có 8 đội), tổng cộng là 9 bàn, gồm 1 hat-trick, phá kỉ lục ghi bàn mọi thời của Just Fontaine cho đội tuyển Pháp, giúp Pháp giành danh hiệu lớn đầu tiên trong lịch sử. Nhưng ta không thể định nghĩa Platini ở một vai trò nào khác ngoài “số 10”, hộ công, hoặc rộng lắm là tiền vệ tấn công.

Giành Quả bóng Vàng, Nhà tài trợ tặng Messi đôi giày bạch kim cực độc

Giành Quả bóng Vàng, Nhà tài trợ tặng Messi đôi giày bạch kim cực độc

Hãng đồ dùng thể thao adidas đã tặng Lionel Messi một đôi giày thể thao bạch kim độc nhất sau khi cầu thủ này giành Quả bóng Vàng 2015.


Marco van Basten là số 9 điển hình được chơi trong một hệ thống tấn công cánh 4-3-3 hoặc 4-4-2, có Ruud Gullit đá hộ công phía sau, nghĩa là giống như được sắp đặt để bóng có thể đến chân ông từ mọi hướng. Simon Kuper viết: “Van Basten luôn suy nghĩ, học được từ những HLV giỏi nhất là đừng chơi bóng bằng trực giác. Một trận đấu có 90 phút, bạn có thể chỉ được chạm bóng trong 30 giây. Phần còn lại như nghệ thuật sắp đặt: Đội bóng như chơi trong nhà hát với một sợi dây gắn kết vô hình”.

Phần lớn cầu thủ định vị mình trong một vị trí nhất định suốt sự nghiệp, nhưng Messi đã ngày càng trở thành cầu thủ quan trọng trong lối chơi của tập thể. Anh vừa có phẩm chất dẫn dắt của Platini lại vừa có khả năng ghi bàn của Van Basten.

QBV của trái tim

Không có QBV nào cho cầu thủ tạo ra nhiều cảm xúc nhất bởi nếu thế, mỗi cầu thủ tài năng sẽ có QBV cho riêng mình. Nhưng nếu có một QBV như thế, thì Messi chắc chắn có đến hàng chục thay vì chỉ 5.

Gần đây, tôi có xem lại bàn thắng mà Messi ghi vào lưới Bilbao ở chung kết Cúp Nhà Vua 2015, pha solo qua hết các hậu vệ Bilbao từ cánh phải, rồi bó vào thực hiện cú dứt điểm chân trái trúng góc gần.


Messi đã có một bàn thắng ngoạn mục vào lưới Bilbao ở chung kết Cúp Nhà Vua 2015

Bàn thắng được quay ở góc khán đài, có lẽ bằng camera cá nhân, giúp người xem dễ dàng thấy độ rung mỗi khi Messi đi qua một cầu thủ; một người đàn ông nhảy lên háo hức như một đứa trẻ khi Messi đối mặt hậu vệ cuối cùng; và sau đó là một góc khán đài náo loạn những tiếng vỗ tay, những tiếng hô “Messi, Messi…”; những cái… vái lạy tôn kính như với một vị thánh, và tất cả đều cười, đều vui!

Trong khoảnh khắc đó, mới thấy những gì Messi mang lại thật giá trị. Bóng đá hiện đại xuất hiện trên truyền hình hàng ngày, tin tức dồn dập trên các phương tiện, quá dễ để tiếp cận, lấy đi những cảm xúc ban sơ. May mà có Messi, những “cái máy xem bóng đá”, là chúng ta, được trải qua những phút giây như vậy.

Nhà báo Brian Phillips của tờ New York Times, tác giả của bài viết nổi tiếng “Xem Roger Federer như trải nghiệm một loại tôn giáo”, viết về Messi thế này: “Tôi cực kì cực kì yêu Messi. Một cầu thủ không có vẻ gì là một cá tính lớn. Messi không hề giống một vận động viên thể thao (athlete) nhưng đặt anh lên sân cỏ thì phép thuật sẽ hiện về”.

Người ta “cực kì cực kì yêu Messi”, có thể cũng vì anh không giống một cầu thủ bóng đá mà ta vẫn thường nghĩ: anh nhỏ bé, có phần yếu ớt và nhút nhát… Cristiano Ronaldo hay Usain Bolt khiến ta ngưỡng mộ, còn Messi khiến ta yêu. Những đứa trẻ sẽ muốn làm được như Ronaldo nhưng ngưỡng mộ Messi.

Messi không phải một cầu thủ bình thường. Chúng ta không thể là Messi. Bạn có thể thấp, gầy gò và nhút nhát, nhưng không thể là Messi. Messi và Ronaldo đều là con người, nhưng ở Messi là sự pha trộn giữa con người và đấng siêu nhiên: không giống một VĐV thể thao, nhưng anh cực kì nhanh, luồn lách trong không gian hẹp cực giỏi, và sự bền bỉ của anh, thật phi thường.

Một ai đó đã viết về các siêu VĐV thể thao: “Hãy thưởng thức họ, đừng so sánh họ”. Pep Guardiola nói về Messi: “Đừng viết về cậu ấy, đừng cố gắng miêu tả cậu ấy, chỉ thưởng thức thôi”. Những thống kê có thể phản bội cảm xúc mà chúng ta đã có, về một cầu thủ vĩ đại không phải thời đại nào cũng có. Kết quả ai vĩ đại nhất, cũng không phải điều quan trọng nhất.

Những Quả bóng Vàng “to” nhất

Michel Platini (giành QBV 1983, 1984, 1985 đều với Juventus)

Thành tích toàn sự nghiệp: 652 trận, 353 bàn. Danh hiệu tập thể với Juve: 2 Scudetto, 1 Coppa Italia, 1 cúp C2, 1 Siêu cúp châu Âu, 1 cúp C1, 1 cúp Intertoto

Năm 1983: Platini về nhì Serie A, vô địch cúp Italy, về nhì cúp C1 châu Âu, Vua phá lưới Serie A với 16 bàn (cả mùa ghi 28 bàn).

Cúp C1: Đá 9 trận, vào chung kết thua Hamburg, ghi 5 bàn, kém Paolo Rossi 1 bàn. Năm 1984: Platini vô địch EURO (đá 5 trận cả giải), Vua phá lưới Serie A (20 bàn, tổng cộng cả mùa 25 bàn), vô địch cúp C2.

Năm 85: Platini vô địch cúp C1, ghi bàn duy nhất ở chung kết, ghi 19 bàn cả mùa.

Marco van Basten (QBV 1988, 1989, 1992 đều với Milan)

Thành tích toàn sự nghiệp: 431 trận, 300 bàn Thành tích tập thể với Milan: 3 Scudetto, 3 Coppa Italia, 2 cúp C1, 2 Siêu cúp châu Âu, 2 cúp Intertoto.

Năm 1988: Van Basten vô địch EURO (vua phá lưới với 5 bàn), vô địch Serie A, ghi 8 bàn tất cả mặt trận cho Milan Năm 1989: Van Basten vô địch Siêu cúp châu Âu, vô địch cúp C1, ghi 32 bàn sau 47 trận, 10 bàn ở cúp C1 (Vua phá lưới)

Năm 1992: Van Basten vô địch Serie A, Vua phá lưới Serie A (25 bàn, tổng cộng các mặt trận là 29 bàn), đá hỏng phạt đền khiến Hà Lan thua Đan Mạch trên chấm luân lưu bán kết EURO 1992 Johan Cruyff (QBV 1971, 1973 (Ajax), 1974 (Barcelona)

Thành tích toàn sự nghiệp: 710 trận, 401 bàn Danh hiệu với Barca và Ajax: 9 cúp VĐQG (8 với Ajax), 6 cúp quốc gia (5 với Ajax), 3 cúp C1 (đều với Ajax), 1 cúp Liên lục địa (với Ajax), 1 Siêu cúp châu Âu (Ajax), 1 Intertoto (Ajax)

Lionel Messi (QBV 2009, 2010, 2011, 2012, 2015 đều với Barcelona)

Thành tích toàn sự nghiệp: 503 trận, 430 bàn (vẫn đang thi đấu)

Danh hiệu với Barca: 7 cúp La Liga, 3 Copa del Rey, 6 Siêu cúp TBN, 4 cúp Champions League, 3 Siêu cúp châu Âu, 3 FIFA Club World Cup

Năm 2009: vô địch Liga, Copa del Rey, Champions League, ghi tổng cộng 38 bàn trên tất cả các mặt trận. Năm 2010: vô địch Liga, Siêu cúp Châu Âu, FIFA Club World Cup, Siêu cúp TBN, ghi 34 bàn (tổng cộng 47 bàn)

Năm 2011: vô địch Liga, Siêu cúp TBN, Champions League, ghi 31 bàn ở Liga (tổng cộng 53 bàn)

Năm 2012: Vô địch Copa del Rey, Siêu cúp châu Âu, Siêu cúp TBN, FIFA Club World Cup, ghi 50 bàn ở La Liga (tổng cộng 73 bàn, phá kỉ lục ghi 67 bàn trong một mùa giải của Gerd Mueller ở mùa 1972-73).

Năm 2015: vô địch La Liga, Copa del Rey, FIFA Club World Cup, Champions League, Siêu cúp TBN, về nhì Copa America với tuyển Argentina, ghi 43 bàn (La Liga, tổng cộng 58 bàn)

Gia Hưng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›