(Thethaovanhoa.vn) - Zinedine Zidane từng là siêu sao, dựa lưng vào những công nhân phía sau rất nhiều, nên ông hiểu giá trị của từng cầu thủ bình thường. Còn Luis Enrique thì sao? Hình như không…
1. Mấy năm gần đây, chúng ta hay so sánh giữa hai bộ ba MSN của Barca và BBC của Real. Điều đó cho thấy, mặc định chúng ta đã suy nghĩ rằng họ chính là những con người tạo nên bước ngoặt cũng như sức hấp dẫn cho trận siêu kinh điển. Và đó cũng là điều mà chính hai CLB đó luôn muốn xây dựng. Trong cuộc so kè với nhau cả thế kỷ, họ luôn muốn sở hữu những ngôi sao sáng nhất thế giới, để làm đối trọng với nhau.
Không ai có thể phủ nhận được tầm quan trọng của các siêu sao. Họ chính là những con người tạo nên sức sống cho đội bóng, đặc biệt là sức sống đủ để hồi sinh lại ở những giây phút thập tử. Có nhiều lần, chính các nhân tố của những bộ ba kia đã cứu cho đội bóng của mình khỏi một thất bại. Điển hình như Messi, người đã cứu cho Barca thoát thua PSG trên sân nhà cách đây 4 mùa bóng. Ở trận lượt về tứ kết, sau lượt đi hòa 2-2 trên sân Parc des Princes, trên sân Nou Camp, Messi còn đau nhẹ và không thể ra sân từ đầu. PSG dẫn 1-0 ở phút 50. 12 phút sau, Messi ráng chịu đau vào sân để rồi chỉ 9 phút sau đó, anh tung đường chuyền tuyệt vời cho Pedro gỡ hòa 1-1, gửi lời chào tiễn biệt đến PSG của Ancelotti.
Đó chính là giá trị quý báu mà chỉ những siêu sao mang lại được. Đơn giản, họ chính là những người có khả năng bẻ lái đưa con tàu lớn khỏi đi lạc hướng đúng lúc thủy thủ đoàn cần đến họ nhất.
2. Kinh điển cũng chính là trận mà người ta kỳ vọng vào siêu sao nhất. Dễ hiểu, kinh điển là trận đấu khó khăn, với sự kiểm soát chặt chẽ của cả hai phía. Và khi bị kiểm soát chặt chẽ, siêu sao là người có nhiều khả năng nhất trong việc tung ra đòn quyết định trận cầu.
Nhưng không phải siêu sao nào cũng ghi dấu ấn bằng kinh điển. Trong sự nghiệp khoác áo Real của mình, Zidane chỉ 2 lần ghi bàn ở trận kinh điển. Hai lần ấy cách nhau 3 năm. Nhưng trong thế hệ vàng của Perez thời đầu thế kỷ 21, Zidane lại là người được nhớ đến nhiều nhất. Ông chỉ cần 1 khoảnh khắc thôi, ở chung kết Champions League, trước Leverkusen, để ghi danh mình trong lịch sử của đội bóng. Và đến bây giờ, bàn thắng của ông vẫn được coi là bàn thắng đẹp nhất trong các trận chung kết Champions League tính đến thời điểm này.
Nếu chỉ lấy phong độ của Zidane ở các trận siêu kinh điển, có khi ta lại nhận xét ông chưa ở tầm siêu sao. Nhưng nếu nói ông không phải siêu sao, chắc chúng ta dễ bị cho vào trại tâm thần. Và điều đó cho thấy, siêu kinh điển chưa chắc đã là trận cầu chỉ thuộc về những siêu sao.
3. Mùa giải này, trong khi ở Barca, MSN vẫn là một khái niệm được chờ đợi, được kỳ vọng thì ở Real, khái niệm BBC gần như nhạt nhòa dần. Zidane không tạo ra một đội bóng phụ thuộc vào một bộ ba thần thánh nào đó. Ông vẫn xác định BBC là trụ cột, song không phải lúc nào cũng cần ra sân với bộ 3 ấy, hoặc phải dựa hoàn toàn vào họ. Không có Bale ư? Chẳng có gì là thảm họa. Cần rút CR7 ra ư? Ông sẵn sàng làm. Để Benzema dự bị? Chuyện nhỏ.
Thế nên, trong khi Barca vẫn có 2 cầu thủ (Messi và Suarez) trong cuộc đua pichichi (cả hai ghi 17 bàn cho Barca ở Liga tính đến lúc này) thì ở Real, chỉ mình Ronaldo theo đuổi cuộc đua đó mà thôi. Với 10 bàn của CR7, thậm chí tổng số bàn của cầu thủ Real trong bảng top 10 chân sút hàng đầu còn thua cả Atletico (18 bàn chia đều cho Griezmann, Gameiro và Carrasco). Nhưng Real lại có đến 14 cầu thủ đã ghi bàn ở Liga, với 35 bàn tổng cộng. Điều đó cho thấy, họ đến với cuộc chinh phục bằng cả những đôi chân của công nhân chứ không chỉ siêu nhân.
Bởi vậy, khi Zidane mừng vui vì Casemiro có khả năng quay lại ở trận siêu kinh điển thì Enrique lại tự tin cho rằng “Mùa đầu tôi dẫn Barca, họ cũng chỉ trích phong độ của đội nhưng cuối cùng chúng tôi ăn 3”. Vâng, mùa ấy, sau 13 vòng, Barca chỉ thua Real 2 điểm. Còn bây giờ, khoảng cách là 6 điểm. Và mùa đó, MSN chơi tuyệt hay, còn lúc này, MSN chưa đạt được 100% phong độ của họ.
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa
Tags