Tang lễ người Việt: Phong tục miền Nam khác miền Bắc

Thứ Tư, 04/06/2014 10:14 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Sinh sống ở vùng đất mới phương Nam, tuy có chịu ảnh hưởng từ văn hóa Bắc-Trung, nhưng trong tập tục tang ma, người Nam bộ vẫn có những nét khác biệt so với miền ngoài. Với quan niệm thoáng mở về cõi chết, nên sự ra đi về thế giới bên kia đối với họ cũng hết sức nhẹ nhàng, linh hoạt, thể hiện xung quanh táng tục. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi (TP.HCM) chia sẻ một vài suy nghĩ về điều này.

Nếu như nhiều tỉnh ở miền Bắc có tục cải táng sau 3 năm, thì ở Nam bộ chỉ có thói quen xây sẵn “kim tỉnh”, tức xây sẵn huyệt mộ chuẩn bị cho người chết, mà có khi nhiều năm sau người ấy mới chết. Nhưng đến nay thì không còn phổ biến lắm.

“Sống chung với mộ”

Về miền quê Tây Nam bộ, điều đập vào mắt những người xứ khác là những ngôi mộ nằm rải rác trên các cánh đồng, trong vườn, gần nhà. Ngay những người yếu bóng vía cũng phát ngại với những ngôi mộ đó. Đã có nhiều ý kiến về sự bất tiện của nó, như ảnh hưởng đến môi trường, yếu tố tâm linh, song tập tục đó khó thay đổi, bởi những mồ mả đó đã bao đời gắn bó với họ.

Điều này giúp giải thích tại sao người dân khó có thể dứt bỏ ruộng vườn, nơi có mồ mả tổ tiên mình nằm để đi nơi khác lập nghiệp, dù cuộc sống có nhiều khó khăn. Và phải chăng không có ranh giới cách biệt giữa người sống và người chết, không chỉ là sự tiện lợi cho việc nhang khói cho người quá cố, mà đó còn là sự ấm áp của tình thân.


Một hòm dưỡng già ở xã Phú Kiết (Chợ Gạo,Tiền Giang) “nằm chờ” người thân đến đổi màu  

Ngày càng nhiều gia đình ở Nam bộ chọn cách hỏa táng cho người thân, sau đó hài cốt đưa vào trong chùa, nhà thờ... Nhưng cũng có người để hài cốt người thân ngay trong nhà, không câu nệ chuyện xui xẻo, làm ăn khó khăn, hay âm khí này nọ.

Ngày trước, một số gia đình khá giả ở nông thôn Nam bộ có tục mua “hòm dưỡng già” với mong muốn ông bà trong nhà sẽ sống thọ với con cháu. Chiếc hòm này được đặt ở bên chái hiên nhà; có vài trường hợp cá biệt đặt cạnh giường, tủ... Cái điều tưởng như phi lý trên thực tế lại rất có lý, mà bằng logic thông thường sẽ không cắt nghĩa được. Rõ ràng nó thể hiện sự lạc quan của người Nam bộ ngay với cái chết và cả đạo hiếu với ông bà.

Nhiều cải biến theo thời đại

Gần đây, nắm bắt nhu cầu của một số người, giới kinh doanh đã lập ra các hoa viên nghĩa trang, để thân nhân có điều kiện thăm viếng người thân đã mất ở những nơi có cảnh quan đẹp, gần gũi, ấm cúng. Thậm chí một số chủ nghĩa trang còn tranh thủ đưa các văn nghệ sĩ về an nghỉ trong khu vực của mình, để biến nó thành một địa chỉ thu hút, văn hóa, theo kiểu các mộ danh nhân ở phương Tây. Người sống đã gần hơn với người chết, táng thức này cũng biểu hiện sự văn minh trong xã hội hiện đại, đáp ứng một nhu cầu có thực.

Đám tang ở người Nam bộ không thấy có chuyện khóc mướn. Thường mỗi đám tang đều có ban nhạc lễ để đuổi tà khí và để “người chết khuây khỏa”. Tuy nhiên, để cho không khí đám tang bớt u buồn, một số nơi mời các nhóm “văn nghệ nghiệp dư” đến để biểu diễn. Dân gian thì biểu diễn các pha tạp kỹ như đội chai rót rượu, múa dâng bông, múa ngậm dao, đội ghế trên đầu… giống y múa bóng rỗi ở các đình miếu. Hiện đại thì các “ca sĩ”, phần nhiều là pê-đê hát các bài nhạc tân thời, từ ủy mị đến vui nhộn.

Không thể thiếu trong các đám tang ở Nam bộ là các dàn nhạc Tây, được mời đến diễn từ lúc quan tài còn ở nhà cho đến khi đưa ra nghĩa trang. Ban nhạc diễn những bài phù hợp như Lòng mẹ, Tình cha, Ơn nghĩa sinh thành,Cát bụi, Một cõi đi về… Những lúc khi đưa tang thì cũng có thể là Anh không chết đâu em, 60 năm cuộc đời, Guantamela…

Nhiều phong tục tang ma ở Nam bộ cũng đã thay đổi theo hướng giản lược như tang phục đơn giản hơn trước. Con trai đội khăn tang, không mặc áo tang và không nhất thiết phải có dây rơm mũ bạc; con gái, con dâu không trùm khăn như trước; cháu chỉ đội khăn; con trai không còn đi lùi trước quan tài của cha hay mẹ. Ngày trước để tang cha mẹ đến 3 năm, nay thì rút gọn còn 1 năm, thậm chí có thể xả tang ngay khi vừa chôn xong hoặc lúc mở cửa mả, do phải đi làm ăn xa hoặc cho bớt nặng nề trong tang chế.

Vẫn giữ những nghi thức cần thiết trong tang ma cho tròn chữ hiếu với người đã mất, nhưng cách thức tiến hành trong tập tục này ở Nam Bộ đã theo hướng giản lược, biến hóa một cách linh hoạt, sao cho không nặng nề cho cả người chết lẫn người ở lại. Đó cũng là đặc trưng mang tính nhân văn của cư dân nơi đây, thích nghi với nhịp sống thời đại.

Nguyễn Thanh Lợi (Nhà nghiên cứu)


Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›