Mặc dù deadline trước Tết là một cuộc chiến rất hối hả, nhưng nhiều dân văn phòng lại có trạng thái tỉ lệ nghịch hoàn toàn - ì ạch gõ máy tính, chậm rãi làm việc, họp hành lơ mơ mà tâm trí thì đang rối bời cho công cuộc chuẩn bị trước Tết.
To-do-list Tết làm phân tâm
Một trong những lí do chính yếu nhất làm dân văn phòng không tập trung, giảm hiệu suất làm việc là do có quá nhiều việc cần phải làm. Các deadline cuối năm đổ dồn thì các đầu việc chuẩn bị cho kì nghỉ Tết cũng đang sát nút.
Phải chu toàn việc làm tại công ty cộng việc cá nhân, làm dân văn phòng đầu bù tóc rối, không thể tập trung hoàn thành việc gì một cách chỉn chu, chỉ trong trạng thái giải quyết cho có để còn tới việc khác.
Anh Minh Hoàng - nhân viên thiết kế chia sẻ: "Gần Tết việc xuất hiện chất thành núi. Mình phải lo sắm sửa đầy đủ cho nhà cửa, phụ mẹ thay mới vật dụng trong gia đình... chưa kể còn phải lo tài chính cho dịp lễ này, có biết bao nhiêu khâu phải cần đến tiền, thăm họ hàng, biếu cha mẹ, quần áo Tết, cúng kính... điên cả đầu. Dãy dài việc cần làm nếu không chú ý, ngày cuối trong xoay cỡ nào cũng không kịp, thế nên mình có xao nhãng công việc ở văn phòng không ít thì nhiều."
"Thử nghĩ cùng lúc phải hoàn thành 2 danh sách dài các đầu việc ở công ty và cá nhân, làm sao mà xuể. Việc nào gấp thì làm trước, nhớ ra việc nào thì chạy việc đó, mình cứ lu bu cả ngày nhưng không kham nổi. Cả hai núi việc cứ lẫn vào nhau, những ngày cuối năm stress lắm, chưa thấy kì nghỉ nào vất vả như kì nghỉ Tết." - Chị Thuyên An - nhân viên nội dung tại một công ty truyền thông.
Đối với một số dân văn phòng, đây là kì nghỉ duy nhất trong năm mà ngốn nhiều năng lượng nhất. Chính vì kì nghỉ này trùng hợp với thời điểm tổng kết, báo cáo, làm nốt các việc dang dở... nên khâu chuẩn bị ăn Tết lại thành ra làm họ hao thêm sức lực ít nhiều.
Miệng ra rả KPI nhưng đầu thì nhẩm đến Tết
Một nguyên nhân khác khiến hiệu quả làm việc của dân văn phòng tụt giảm là "tâm lí kì nghỉ". Ngày nghỉ Tết chưa đến, mà tâm lí háo hức cho một lễ sum vầy, dày các hoạt động cộng thêm tiệc tùng nhỏ lẻ cuối năm làm họ trượt dài, khó lòng tập trung quay lại đà deadline trước mắt.
Chị Hồng Hạnh - nhân viên tại công ty kế toán thừa nhận: "Nhìn núi việc cuối năm, mình ngày nào cũng thở dài ngao ngán. Dù biết ai cũng giống ai, cần phải cắm mặt chạy cho xong KPI trước kì nghỉ dài nhưng mình và đồng nghiệp cứ phải phàn nàn cho đỡ stress. Nhưng thay vì cố tăng ca làm cho nhanh thì chúng mình lại có tâm lí lười biếng. Mỗi giờ nghỉ trưa, chị em lại tụ tập nhau lựa quần áo Tết cho 3 mồng, chọn lay-out make-up cho tiệc Tất niên của công ty sắp tới... chắc vì vừa vui chơi Giáng sinh, Tết Dương lịch xong lại sắp đến tiệc công ty nên tâm lí vui chơi chưa dứt được."
Chị Tường Vy - trợ lý của một công ty ngoại thất Quận 7 cũng đồng tình: "Dù biết dịp nào việc đó nhưng tâm lý sắp sửa về quê, có kì nghỉ Tết bên gia đình làm mình khá háo hức. Mình làm việc với tâm lý đếm ngược còn bao nhiêu ngày nữa đến Tết để có động lực. Lúc nào cũng xốc tinh thần cho team rằng KPI trước mắt cần phải hoàn thành, nhưng suy nghĩ làm cố cho xong còn về ăn Tết có lẽ làm mọi người ít tập trung vào chất lượng công việc."
Không chỉ sếp khổ mà bản thân cũng gặp rắc rối
Chẳng bao giờ cấp trên muốn khiển trách cấp dưới của mình cả, vì nếu khiển trách thì khi đó công việc không tốt đẹp, mà đồng thời cũng làm cấp dưới của mình mất tinh thần để thoải mái làm việc. Hơn nữa vào cuối năm, thời gian là vàng vì cả ngàn công việc xếp bày ra đó. Thế nhưng khổ nỗi là trong thời điểm này, cũng là lúc mà dân văn phòng ít tập trung và ít có cảm hứng làm việc nhất.
Chị Hồng Hạnh chia sẻ: "Tuần trước mình mới bị sếp khiển trách công khai trong buổi họp đầu tuần, khá buồn cười khi mình vừa được đề cử cho khen thưởng Nhân viên xuất sắc nhất năm vừa bị khiển trách cùng thời điểm. Mình rất giận bản thân và hoàn toàn hiểu được sự tức giận của sếp mình. Dạo gần đây mình không còn cẩn thận, kĩ lưỡng trong từng đầu việc khi gửi lên cho sếp. Mỗi lần sếp duyệt lại có chỗ để điều chỉnh, góp ý, vô cùng mất thời gian khi bất cứ việc gì cũng phải phản hồi ngược lại cho mình, hỏi sao không nặng lời cho được."
"Vì tính chất công việc của mình là thiết kế, mỗi lần gửi bản hoàn chỉnh sẽ mất rất nhiều thời gian, thế nên cần phải hạn chế tối đa chuyện chỉnh sửa. Nhưng dạo gần đây mình làm việc không mượt với team, cứ phải sửa đi sửa lại, dù có rất nhiều order ảnh khác cần phải gấp rút hoàn thành. Cả mình và cả team đều mất thời gian, leader mình chỉ biết kêu trời vì mình không tập trung và làm đúng yêu cầu, còn mình thì điên đầu tìm cách sửa đi sửa lại trên bản cũ vì không nỡ bỏ hết công sức đi để thiết kế lại bản mới." - Anh Minh Hoàng.
Anh Thanh Sơn cũng khá mệt mỏi với tình hình này: "Cuối năm như rút cạn sức lực của mình, núi việc chất đống, mình cũng muốn nghỉ ngơi lắm chứ nhưng team mình lại khiến mình oằn ra làm gấp đôi công lực. Làm việc của mình không xong còn phải quay ra chỉnh sửa, góp ý việc của cấp dưới. Dù đã hướng dẫn kĩ càng, nhưng bằng cách nào đó họ vẫn làm không đạt. Cảm tưởng như họ đang thả lỏng nghỉ Tết chắc từ đầu Tết Tây chứ không phải chờ đến 28 Tết nữa rồi."
Bí quyết "vững" tinh thần trước kì nghỉ
- Xác định tầm quan trọng của các đầu việc: Cần phải xác định đâu là công việc quan trọng, mang tính chất ảnh hưởng lâu dài để tập trung hoàn thành nó thật tốt. Đồng ý rằng các công việc nhỏ lẻ như sắm sửa chu toàn cho gia đình ăn Tết rất cần thiết, nhưng các công việc đi liền với uy tín bản thân, đem lại kết quả lâu dài cho sự nghiệp không bao giờ được qua loa.
- Kiểm soát tâm trí, năng lượng: "Lúc nào việc đó", trong giờ làm việc, hãy dành hoàn toàn thời gian và trí óc cho công việc. Sau giờ làm, bạn có thể tranh thủ giải quyết các công việc cá nhân sau.
- Sắp xếp thời gian kĩ lưỡng: Cần phải có một To-do-list ra giấy hoặc điện thoại để không bỏ sót bất kì công việc gì. Tiếp theo, xếp thứ tự ưu tiên về độ quan trọng gấp rút để tránh tình trạng việc nào đến thì lo việc đó, bản thân sẽ rất loay hoay và hoàn thành cũng rất đại khái.
- Từ bỏ những thứ không cần thiết: Nếu không thể lo chu toàn tất cả những thứ mình muốn làm, hãy chấp nhận từ bỏ. Tối giản mọi thứ cho kì nghỉ Tết, từ chối một vài cuộc hẹn trước Tết cũng không làm bạn ăn Tết mất vui.
Tags