Tại sao phụ nữ chống áo ngực?

Thứ Ba, 06/09/2016 21:06 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Bằng sáng chế áo ngực đầu tiên được cấp ngày 3 tháng 9 năm 1914. Trải qua hơn 100 năm tồn tại, món đồ nội y này đã gây không ít cuộc tranh cãi trong xã hội. Sputnik tìm hiểu nguyên nhân vì sao có nhiều phụ nữ tổ chức những chiến dịch phản đối mang áo ngực.

Vào cuối tháng 5 năm nay, một flashmob lạ thường nổi lên trên các mạng xã hội. Các cô gái trên khắp thế giới đã chụp hình dưới lần trang phục không mang áo nịt. Chiến dịch được gọi là No bra, no problem (Không áo ngực — không vấn đề).



Câu chuyện bắt đầu từ việc cô nữ sinh Kaitlin Juvik 17 tuổi người Mỹ đi học không mặc áo lót dưới lần áo sơ mi và bị nhà trường khiển trách. Một cuộc nổi loạn bùng lên: 300 nữ sinh của trường đi học không mặc áo ngực. Cuộc đấu tranh lan lên các mạng xã hội. Trên trang Facebook của mình, Kaitlin giải thích từ lâu cô đã chọn không mặc áo ngực, nhưng quyết định này không vi phạm các chuẩn mực đạo đức.

Theo cô, mặc áo ngực hay không đó là sự lựa chọn riêng tư của mỗi phụ nữ, việc ép buộc sự lựa chọn có nghĩa xã hội biến cơ thể phụ nữ thành sở hữu của công chúng.

Trang của Kaitlin, nơi cô tự gọi mình là "Nữ binh không áo ngực", đã thu hút hàng chục ngàn người đọc chỉ sau vài tuần. Hơn 7000 bức ảnh với hashtag #NoBraNoProblem xuất hiện trên Instagram, các cô gái ra sức chứng minh ưu điểm việc từ chối áo ngực.



Hành động bắt đầu thu hút người Nga sau khi "nhà khai sáng tình dục" Elena Rydkina chụp ảnh không mặc áo ngực và viết trên trang cá nhân: "Nếu bạn có ngực nhỏ, không cần sự hỗ trợ — thì áo ngực là hoàn toàn thừa và chỉ gây vướng víu cho cuộc sống. Hãy để ngực tự do!".

Những người khác chọn lý do trần tục hơn để hỗ trợ phong trào: "Khi trời nóng, tôi muốn mặc mỗi áo thun và không mang áo ngực, nhưng thật khó với kích thước số 5 của tôi", một người tham gia flashmob than thở.

Kể từ ngày đầu tiên áo ngực có bằng sáng chế, nó được phụ nữ tiếp nhận rất khác nhau. Một số tìm thấy lối thoát khỏi "gọng kìm" của corset, những người khác xem nó như biểu tượng đàn áp phụ nữ và cơ thể của họ. Đồ lót trở thành một thứ chỉ số tình cảm trong xã hội. Hầu hết các cô gái được Sputnik phỏng vấn thừa nhận họ buộc phải mặc áo ngực.

Tuy nhiên, giải thích của họ lại khác nhau. "Tôi không thể cho phép mình không mang áo ngực ở nơi làm việc. Ở đó có rất nhiều nam giới. Khi tôi mặc quần, mọi ánh mắt đều nhìn vào đôi chân tôi và những gì ở phía trên. Thật là khủng khiếp nếu hình dung việc tôi không có áo ngực" (Anna, 31 tuổi).

"Chiếc áo ngực cho tôi cảm giác an toàn. Tôi không bỏ áo ngực: chồng tôi mà thấy được là lập tức anh ấy sẽ đòi tôi thực hiện nghĩa vụ vợ chồng. Không mặc áo ngực với anh ấy là một tín hiệu…" (Olga, 35 tuổi).

"Tôi như trần truồng khi không mặc bra. Không thể ra phố. Tôi mong mỏi đến cuối ngày tôi có thể cởi bỏ nó. Tất nhiên, đó là sự áp chế: có lẽ, là sự xấu hổ rằng tôi là một phụ nữ" (Julia, 26 tuổi).



Bầu ngực trần trong nghệ thuật tượng trưng cho tự do (ví dụ bức tranh nổi tiếng "Nữ thần Tự do dẫn dắt nhân dân" của Eugène Delacroix), tình mẫu tử thiêng liêng (Madonna cho con bú) và nữ tính (hình ảnh thần Venus trong các bức tranh của Botticelli, Titian và nhiều danh họa khác). Nhưng ngoài đời, không phải ai cũng khuyến khích bộ ngực trần dưới làn áo.

Hầu hết phụ nữ được phỏng vấn nói rằng họ khó chịu khi thấy người cùng giới không mang áo ngực. Trái lại, phần lớn những nam giới được hỏi thừa nhận họ không có cảm giác tiêu cực bắt gặp các cô gái như vậy. Một số cho rằng đó là sự khiêu khích lộ liễu.

Chuyên gia phân tích tâm lý Dmitry Olshansky nói với Sputnik rằng, có thể đánh giá về bộ ngực từ những khía cạnh khác nhau: như nguồn dinh dưỡng, khoái cảm, niềm tự hào hay xấu hổ, yếu tố cám dỗ hoặc đơn giản là một bộ phận cơ thể. Không hề có gì bệnh lý miễn là bạn cảm thấy thoải mái với cơ thể của mình.

Sự không hài lòng đôi khi dẫn đến những thủ tục phẫu thuật cấp tiến và thậm chí chuyển đổi giới tính. Một thái cực khác là từ chối mỹ phẩm, áo ngực và các thuộc tính khác của giới tính. Mặc dù tồn tại vấn đề khách quan hóa cơ thể phụ nữ, mỗi người có nhận thức riêng về nó: đối với một số đó là cái liếc trộm, với người khác là sự quấy rối hay cơ hội tán tỉnh, nhà phân tích nhấn mạnh.

Do đó, phong trào chống áo ngực chẳng khác gì "cuộc đấu với cối xay gió": nó tước đi ở những người tham gia khả năng thể hiện riêng và gắn liền với mức độ hiểu hoặc không hiểu về cơ thể của bản thân, thái độ với giá trị cá nhân và bản sắc giới tính ở mỗi người.
Theo SputnikNews

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›