(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Mở đầu cho loạt bài trong Diễn đàn văn hóa “Tôi yêu tiếng nước tôi” là bài viết của dịch giả Dương Tường, khi diễn đàn đăng đến bài thứ mười, dịch giả Dương Tường gửi đến Thể thao & Văn hóa (TTXVN) bài viết mà ông gọi là “tái bút” để bổ sung cho bài “Tiếng Việt đang đi về đâu?” của ông. Thể thao & Văn hóa trân trọng giới thiệu đến độc giả.
- GS-TS Trần Đình Sử: 'Tiếng Việt trong sáng' không có nghĩa là 'thuần khiết, không pha tạp'
- Giữ gìn tiếng Việt từ cái tên gần gũi của mình
- Tiếng Việt đang đi về đâu?
1. Tôi hoàn toàn không có ý bài xích việc phổ cập tiếng Anh ở nước ta, mà trái lại. Từ năm 1987, nghĩa là cách đây gần 30 năm, tôi đã viết: “Ở thời đại chúng ta đang sống, trong điều kiện tin học phát triển cao độ (…), quá trình tương tác văn hóa ngày càng gia tăng, sự vay mượn, thẩm thấu lẫn nhau giữa các nền văn hóa ngày càng phổ biến. Về ngôn ngữ, ta thấy biết bao từ Anh - Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha… đã được nhập vào hầu hết các thứ tiếng trên thế giới. Và lẽ nào ta lại không tự hào khi thấy một số từ Việt, chẳng hạn như “sơ tán”, được đưa vào từ điển Larousse từ mấy năm nay?”.
Nhắc lại như vậy để khẳng định rằng tôi tuyệt đối không bao giờ là tín đồ của chủ nghĩa thuần túy (purisme) theo một tinh thần dân tộc hẹp hòi, đỡ cho mọi người khỏi mất công đẩy cánh cửa đã mở sẵn.
Dịch giả Dương Tường
Qua những quá trình tương tác văn hóa nối tiếp nhau, tiếng Việt của ta giàu thêm bởi biết Việt hóa khi cần thiết bao từ Hán, từ Pháp, từ Anh - Mỹ, từ Nga... Tôi luôn cổ xúy cho hiện tượng phối chủng văn hóa, nói cách khác là tiếp nhận một cách thông minh và phù những yếu tố ngoại lai (khác với chấp nhận sự “pha tạp” như chữ dùng của GS-TS Trần Đình Sử).
Tôi ý thức đầy đủ rằng ở thời đại internet này, tiếng Anh là tối cần thiết. Tất cả mọi ngành đều cần đến những phương tiện kỹ thuật số, người sử dụng không thể “mù” tiếng Anh. Phát triển việc học và sử dụng tiếng Anh là điều thiết yếu, làm sao tôi có thể có ý kiến ngược lại?
Nhưng như vậy không có nghĩa là để cho tiếng Anh lấn át tiếng Việt cả trên văn tự lẫn trong ngôn ngữ hằng ngày đến mức hủy hoại, thậm chí triệt tiêu, nhiều nét đẹp ngời của tiếng ta. Đó là tình trạng đang thực sự diễn ra. Khốn nỗi, trình độ tiếng Anh của nhiều người sính dùng nó lại kém đến mức… kỳ cục, có thể thành đề tài cho những giai thoại.
Các cụ ta xưa có câu: “Dốt hay khoe chữ” là thế. Tôi nghĩ những ngôn ngữ năng động, luôn phát triển là nhờ có dạ dày khỏe và bộ tiêu hóa tốt. Tiếng Việt ta thuộc loại đó, nó có thể tiếp thu những yếu tố ngoại lai, chắt lọc và tiêu hóa phần tinh túy và thải bỏ cặn bã. Hãy giữ gìn và vun trồng tiếng mẹ đẻ của chúng ta theo hướng ấy; đó là tâm nguyện của tôi.
2. Bài viết của tôi mới chỉ nêu lên tình trạng “xâm thực” của tiếng Anh như một hiện tượng cần báo động. Thực ra nguy cơ suy biến của tiếng Việt còn thể hiện ở nhiều khía cạnh khác như: những sai sót sơ đẳng về cú pháp, về tu từ… Tôi mong có dịp được đề cập đến những vấn đề này trong những trao đổi tiếp theo trên Diễn đàn Văn hóa “Tôi yêu tiếng nước tôi”.
Dương Tường
Thể thao & Văn hóa
Tags