(Thethaovanhoa.vn) - Sau 106 năm kể từ lúc xuất hiện kỳ 1 trên báo Nông cổ mín đàm (1912), đây là lần đầu tiên Hà Hương phong nguyệt (Saigon Books và NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2018) của Lê Hoằng Mưu được tái bản tương đối trọn vẹn. Nên lưu ý, nó ra đời trước Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách - vốn được cho là tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của Việt Nam - chừng 12 năm.
- Tranh luận nảy lửa với tiểu thuyết 'dâm thư' đầu tiên của Việt Nam 'Hà Hương phong nguyệt'
- Tiểu thuyết đầu tay của Sean Penn gọi phong trào #MeToo là 'thời kỳ trẻ ranh'
- Đổi mới tư duy tiểu thuyết từ đâu?
Tiểu thuyết này in nhiều kỳ (feuilleton) trên báo Nông cổ mín đàm tại Sài Gòn từ số 19 (ngày 20/7/1912) đến số 53 (ngày 19/6/1915) thì đột ngừng khi chưa kết thúc. In trên báo với tên là Truyện nàng Hà Hương, khi in thành sách trong các năm 1914-1916 thì đổi tên là Hà Hương phong nguyệt truyện.
Với khoảng 2-5% dân số biết chữ (tùy vùng), việc Hà Hương phong nguyệt bán gần 10.000 bản có thể nói là một sự kiện đặc biệt về phát hành.
Khó có “búa rìu” nào nặng hơn
Điều ngạc nhiên là sau hơn 10 năm xuất hiện thì Hà Hương phong nguyệt mới bắt đầu chịu búa rìu của dư luận. Tờ Công luận báo (số 36, ra ngày 18/9/1923), trong bài Dâm thơ, tác giả Nguyễn Háo Đàng mở đầu cuộc công kích, với những lời lẽ rất nặng nề. Ít ai ngờ ý kiến công kích cá nhân này lại khởi sự thành một trong những “vụ án” văn chương lớn nhất.
Cũng trên Công luận báo (số 41, ra ngày 5/10/1923), tác giả Cao Hải Để viết như kết án: “Tên Lê Hoằng Mưu là một tên tội nhơn lớn nhất trong xã hội An Nam ở Nam kỳ ngày nay và trong hồi sẽ đến…, làm cho phong hóa nước nhà trở nên suy đồi, tội viết sách phong tình rất đê tiện rồi ấn hành mà rải bán trong dân gian gợi cái tính xác thịt của loài rời gia đình, tội làm cho dân trong nước trở nên đê tiện hèn yếu…”.
Theo nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh, nhà thơ Lê Minh Quốc, tiến sĩ Phan Mạnh Hùng, tiến sĩ Hà Thanh Vân… thì những ý kiến công kích kiểu này còn rất nhiều, nhưng tựu trung là xuất phát từ vấn đề cá nhân. “Người ta nói nhiều điều, trong đó có lý lịch tác giả, nhưng thường bỏ qua yếu tố chính, đó là văn phong và giá trị tự thân của tác phẩm” - Hà Thanh Vân nói.
“Làn sóng công kích mạnh đến mức mà nhà cầm quyền thực dân Pháp buộc tác giả phải tự thu hồi sách và tiêu hủy” - Phan Mạnh Hùng cho biết. Có lẽ vì búa rìu dư luận và án phạt nặng như vậy mà tác phẩm dần đi vào quên lãng cả trăm năm.
Trước dư luận như vậy, với việc cầm bút, Lê Hoằng Mưu (1879, Bến Tre - 1941/42, Sài Gòn) vẫn không hề nao núng, ông xuất bản hơn 20 tác phẩm, nhiều thể loại. Riêng tiểu thuyết, có thể kể như Tây Hồ công chúa ngoại sử (1916), Một ngàn con ma (1917), Lạc Thúy Duyên - Nữ giáo Tô Huệ Nhi ngoại sử (1918), Oán hồng quần ngoại sử (1921), Đầu tóc mượn (1924), Đêm rốt của người tội tử hình (1925), Người bán ngọc (4 cuốn, 1931)… Ông cùng với các tác giả Trần Chánh Chiếu, Hồ Biểu Chánh, Biến Ngũ Nhi, Nguyễn Chánh Sắt, Tân Dân Tử … làm nên một giai đoạn đặc biệt của văn học chữ quốc ngữ thời kỳ đầu, bằng nhiều tác phẩm giá trị.
Với nghề báo, ông là chủ bút Nông cổ mín đàm (các năm 1912-1915), tổng lý Công luận báo (1924), chủ bút Lục tỉnh tân văn (1921-1933), chủ bút Long Giang độc lập (từ năm 1931)...
Đọc lại sau hơn một thế kỷ
So về đồng đại, Hà Hương phong nguyệt tân kỳ hơn Hoàng Tố Anh hàm oan (1910) của Trần Chánh Chiếu và Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân (1910) của Trương Duy Toản rất nhiều, nhất là mặt tư duy nhân vật. Nó vượt qua chuyện ca ngợi luân thường đạo lý, công dung ngôn hạnh để đến gần hơn tâm lý, tâm sự của nàng Hà Hương - một phụ nữ trắc nết, lăng loàn.
Với câu hỏi liệu có phải là dâm thư? Nhà thơ Lê Minh Quốc dẫn chứng vài đoạn: “Hà Hương thêm núng má hồng, Nghĩa Hữu càng trông càng khoái. Thương quá nên hóa dại, Hữu không nói được một lời, ôm vợ mà hun như bướm lại với hoa, nhan sắc thiệt mặn mà! Hữu uống nước lao canh mà càng khát”.
“Dong mây mưa cho phỉ khát khao, xắn tay vô mở cửa động đào, cho bướm bạc liệng vào nút nhụy. Tội nghiệp cho Nguyệt Ba! Mấy đêm chẵn mắt không ngưng lụy, thêm đàng dài nghỉ mệt mê man, bởi vậy cho nên, bướm ong bay đáo lại nghinh ngang, nào khác vườn hoang hoa bạ. Quả là nồi nhỏ khôn vừa vung cả, tiểu thuyền mà thả ra khơi, gió dập sóng dồi ắt rã. Vừa tỉnh giấc thấy đâu người lạ, kề bên mình thân đã lõa lồ, Nguyệt Ba hổ mặt muốn hô, chợt nhìn lại mình cô cũng vậy”.
Sau hơn một thế kỷ đọc lại những đoạn này thì thấy khá bình thường, thậm chí ẩn dụ quá kín đáo. Thậm chí, nếu so với những truyện huê tình trước đó - của chính văn học Việt Nam - thì Hà Hương phong nguyệt viết khá văn minh, “sạch sẽ”. Nhưng nếu đặt trong bối cảnh phong kiến - kỳ thi hương cuối cùng diễn ra tại Trung kỳ năm Mậu Ngọ 1918 - thì tính tiên phong, táo bạo lại rất đáng ghi nhận.
Sơ lược cốt truyện Hà Hương là tiểu thư nhà giàu, xinh đẹp nhưng trắc nết. Sau khi kết hôn cùng Nghĩa Hữu một thời gian ngắn, họ đường ai nấy đi. Nghĩa Hữu tái hôn với Nguyệt Ba, cô gái nhà nghèo đẹp người đẹp nết. Nhưng sau đó, Hà Hương và Nghĩa Hữu trở lại với nhau vì “quen hơi” ái tình, khiến mọi chuyện phức tạp. Trong lúc trở lại cùng Nghĩa Hữu, Hà Hương vẫn quan hệ với nhiều đàn ông khác. Ngoài tuyến chính, tiểu thuyết còn nhiều tình tiết li kì khác, trong đó có cưỡng hiếp, giết người, quan hệ tay ba… |
Văn Bảy
Tags