Tạ Quang Thắng: Càng lớn càng không háo hức lắm khi Tết đến

Chủ nhật, 29/01/2017 06:55 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Không như nhiều người trẻ chọn Tết để đi chơi, ca sĩ - nhạc sĩ Tạ Quang Thắng chọn Tết để ở nhà với gia đình, dành thời gian sáng tác những ca khúc mới và tập đàn là chính.

Nghe như vậy có vẻ như không giống với hình ảnh năng động của một ca sĩ trẻ, cũng không giống như những gì Tạ Quang Thắng thể hiện trong những sáng tác của mình nhưng thực ra, đằng sau sự "bình lặng" trong những ngày Tết của Thắng là vì anh muốn có khoảng thời gian "mộng mơ", nghĩ đến những dự án âm nhạc "khủng" trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, dù chỉ ở nhà là chính, nhưng Tạ Quang Thắng lại có những suy nghĩ khá cởi mở về việc chơi Tết cũng như những thay đổi của Tết cổ truyền những năm qua.

Cùng nghe Tạ Quang Thắng chia sẻ với TT&VH những câu chuyện xung quanh Tết.


Năm 2016 Tạ Quang Thắng đã bay hơn 40 chuyến, cả Noel và Tết dương lịch nên đến Tết Đinh Dậu anh quyết định "đóng đinh" ở nhà

* Năm 2016, không kể đến MV gây "sốt" "Vội vàng", đâu là những dấu ấn trong hoạt động âm nhạc của anh?

- Năm 2016, tôi ra 2 sản phẩm âm nhạc: một dành cho công chúng và một dành cho bản thân. Tôi nghĩ đây là hai dấu ấn nhất trong các hoạt động của tôi.

Vội vàng được viết theo theo thể loại country kết hợp với pop nên tôi nghĩ sẽ dễ được công chúng đón nhận hơn. Đó cũng là lý do tôi chọn quay MV cho ca khúc này. MV ra ngày 30/5, đến giờ đã có trên 2 triệu lượt xem. Với tôi, như vậy cũng có thể gọi là thành công.

Còn ca khúc Những điều viển vông thì đây là sản phẩm thử nghiệm giữa country và hip hop. Gọi là thử nghiệm với đời sống âm nhạc Việt Nam thôi chứ trên thế giới đã rất thịnh hành rồi và tôi cũng biết là công chúng Việt chưa sẵn sàng đón nhận sự "mới mẻ" này nên chỉ ra sản phẩm ở hình thức audio.

Ngoài ra, tôi tham gia làm đại sứ Giờ trái đất 2 - một hoạt động ý nghĩa vì xã hội hay làm giám khảo chung kết Liên hoan các ban nhạc sinh viên thành phố Hà Nội.

* Vậy còn hoạt động hiến máu nhân đạo? Vì trong dịp Tết này, trên trang của mình, tôi thấy anh không chỉ cập nhật hoạt động ghi hình vào dịp Tết của bản thân cùng VTV mà anh còn chia sẻ thông tin khá đặc biệt: Đến Tết này khan hiếm máu dịp Tết Nguyên đán. Điều này, có liên quan đến anh?

- Cũng không có gì quá đặc biệt và mới mẻ cả. Vì tôi tham gia các chương trình hiến máu với Viện Huyết học từ năm 2011 đến giờ.

Phải nói là hầu như chương trình nào mà Viện trực tiếp đứng ra tổ chức, tôi đều có mặt theo lời mời của viện trưởng, làm đại sứ cho chương trình.

Công việc của tôi là hát, giao lưu trên sân khấu nhưng đặc biệt là tôi không phải hát lúc khai mạc, mọi người nghe xong vỗ tay rồi về mà tôi hát lúc mọi người đang nằm hiến máu, có màn hình xem.

Những người xếp hàng chờ đến lượt hiến máu hay các tình nguyện viên cũng xem. Ở thời điểm đó, ý nghĩa nhất là tiếng hát của mình sẽ khiến mọi người đỡ mệt và phấn chấn hơn.

Với cá nhân mình, mỗi năm tôi cũng hiến máu một lần, vào ngày cố định đã lên lịch vì phải cách 4 tháng mới hiến máu một lần mà tôi lại hay phải di chuyển nhiều nên chỉ có thể "cống hiến" trong điều kiện cho phép.

MV 'Vội vàng' của Tạ Quang Thắng đạt lượt nghe 'khủng'

MV 'Vội vàng' của Tạ Quang Thắng đạt lượt nghe 'khủng'

Viết lên từ lời của trái tim, câu chuyện tình đơn phương của Ta Quang Thắng qua MV "Vội vàng" đã nhận được hơn 30 ngàn lượt nghe chỉ sau 2 ngày ra mắt.


*Với nghệ sĩ, những chuyến lưu diễn xa nhà, có thể kết hợp với đi chơi. Nếu cả năm đã đi vậy rồi, Tết anh có ở nhà không?

- Tết phải ở nhà chứ chị! Vì năm nay, tôi đã bay hơn 40 chuyến, cả Noel và Tết dương lịch tôi đều ở TP.HCM rồi nên Tết ta, tôi sẽ "đóng đinh" ở nhà.

Còn thông thường, mọi năm tôi nghỉ làm từ 23 tháng Chạp. Năm nay cũng chỉ chậm một ngày thôi, là 24 âm lịch.

* Những năm gần đây, người trẻ thường dùng thời gian Tết để đi chơi như một kì nghỉ, thay vì phải thực hiện những lễ nghĩa phong tục. Là một người trẻ, một nghệ sĩ, cũng có cơ hội đi nhiều, anh nghĩ sao về xu hướng này?

- Tôi nghĩ đi hay ở trong dịp Tết là sự lựa chọn của mỗi người. Vì còn phụ thuộc vào hoàn cảnh. Nhưng không nên nghĩ "quá lên", sẽ nặng nề. Không phải cứ không về nhà ăn Tết thì là không yêu bố mẹ, không hướng về gia đình và cũng không hẳn là cứ ở nhà không đi chơi là không văn minh.

Còn với bản thân, thật lòng thì càng lớn, tôi càng không háo hức lắm khi Tết đến. Mà hình như ai cũng thế cả. Vì bé thì chỉ ăn và chơi, được nghỉ học còn lớn thì nhiều trách nhiệm hơn, nhiều gánh nặng hơn.

Hơn nữa, ngày xưa, đói khổ thì còn chờ áo mới, cơm ngon vào ngày Tết chứ giờ, cả năm mọi thứ đều có cả rồi thì nói chung, vật chất giữa ngày Tết với ngày thường cũng không khác nhau là mấy.

Nhưng những cái gọi là thủ tục nhiều khi làm mình hơi bối rối và thấy không thoải mái lắm. Nhưng thời gian bên gia đinh thì rất quý. Vì cả năm tôi đã đi nhiều mà. Nên tôi nghĩ, cái hay nhất của Tết chỉ là ở bên gia đình thôi !


Tạ Quang Thắng sẽ tiếp tục ra mắt những dự án âm nhạc thử nghiệm trong năm 2017

* Anh bối rối gì với những thủ tục của Tết?

- Thực ra tôi không phải làm gì với những thủ tục trong ngày Tết nhưng nhìn mẹ tôi làm thì tôi thấy thương mẹ và bối rối vì có lẽ là không giúp được gì nhiều cho mẹ trong công việc "đặc thù" này.

Mẹ tôi phải dậy sớm, làm nhiều thứ lắm. Kiểu như hôm nay cúng gì, trong một ngày mà sáng cúng một kiểu, trưa một kiểu, chưa kể hôm nay chưa cúng xong đã nghĩ đến ngày mai cúng gì nữa rồi. Nói chung là tôi thấy... mệt thật !

Tôi nghĩ ngày nay, có nhiều thứ không cần phải quá phức tạp như xưa vì có làm gì thì cuối cùng cũng chỉ khổ phụ nữ!

* Vậy bình thường, anh lựa chọn hưởng thụ Tết như thế nào?

- Năm nào cũng vậy, tôi thường đưa mẹ về quê thăm họ hàng, rồi đưa mẹ đi chùa đầu năm - sáng mồng 1 Tết.

Thực ra, mấy ngày Tết trôi qua cũng nhanh nên tôi chỉ đủ để đi đến các chùa vãn cảnh, hưởng không khí.

Nhưng từ hai năm trở lại đây, muốn đi du Xuân đơn giản như vậy thôi mà cũng tắc đường, kẹt xe suốt nên thành ra tôi lại không đi được nhiều nơi lắm.

Còn lại, tôi dành thời gian để sáng tác, tập đàn. Thú thật là năm nào, tranh thủ ở nhà trong dịp Tết tôi cũng đều có sáng tác mới.

* Là một công dân Hà Nội, anh nghĩ sao khi năm nay, Hà Nội rút chủ trương bắn pháo hoa mà thay bằng tiếng chuông?

- À, trước hết, tôi không cho rằng năm nay, việc đón Tết bằng tiếng chuông là để tiết kiệm tiền pháo xong rồi dùng tiền đó đi làm từ thiện như người ta "kháo" nhau đâu.

Việc gì ra việc đó chứ, từ thiện là từ thiện mà năm mới là năm mới.

Tôi cho rằng bắn pháo hoa hay gõ chuông - cách nào cũng hay. Vì ít nhất, mọi người còn có cái để trông ngóng, tụ tập.

Hãy hiểu là đánh chuông sẽ gần với hồn dân tộc hơn. Tiếng chuông tạo được sự gần gũi và lắng đọng, hướng đến sự bình yên và an lành cho mọi người. Tết truyền thống của dân tộc làm như vậy, theo tôi là rất hợp lý!

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện !
An Yên

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›