LTS: Du lịch tâm linh là một chủ đề nóng bỏng trên nhiều diễn đàn, với những quan điểm hết sức trái chiều. Đó cũng là điều dễ hiểu, khi 1, 2 chục năm nay, các khu "du lịch tâm linh" trăm hoa đua nở, với rất nhiều công trình đồ sộ, hoành tráng, thu hút một lượng du khách khổng lồ. Kéo theo đó là những cảnh tượng quá tải, và do đó cũng kéo theo rất nhiều lo lắng về những sự biến tướng ở một số nơi... Tuy nhiên, nhìn nhận một cách bình tĩnh và khách quan, ta sẽ thấy rằng du lịch tâm linh không những đã có từ lâu trên thế giới (tất nhiên sẽ có ảnh hưởng qua lại với Việt Nam), mà chính mảnh đất giàu truyền thống văn hóa của Việt Nam cũng sẵn có những hành trình tâm linh rất đặc sắc. Hãy cùng TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng, suy ngẫm về du lịch tâm linh. |
(Thethaovanhoa.vn) - Du lịch tâm linh có nhiều loại hình khác nhau. Chúng tôi dựa vào các hình thức tôn giáo, tạm thời phân loại các loại hình du lịch tâm linh như: Du lịch tâm linh theo đạo Phật, theo đạo Mẫu, đạo Thiên Chúa, du lịch tâm linh theo tính đại trà, theo kiểu hành hương về các vùng đất thiêng (du lịch lễ hội đền Hùng, đền Bà Chúa Kho…).
Du lịch tâm linh theo đạo Mẫu là một hình thức du lịch gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.
Du lịch tâm linh theo đạo Mẫu: 2 trung tâm, 3 tuyến chính
Vùng đất thiêng thờ Mẫu có quần thể di tích Phủ Dầy ở thôn Vân Cát, Tiên Hương, Báng Gia thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Trung tâm thờ Mẫu ở Phủ Dầy còn gắn với lễ hội Phủ Dầy, kéo dài 10 ngày.
Vùng đất thiêng thờ Mẫu còn có trung tâm thờ Mẫu Liễu Hạnh ở Phủ Tây Hồ. Quần thể di tích thờ Mẫu thượng ngànở đền Bắc Lệ xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Đền thờ Mẫu thượng ngàn còn ở suối Mỡ (tỉnh Bắc Giang). Quần thể di tích thờ Mẫu Thoải ở đền Dùm (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang). Không gian tín ngưỡng thờ Mẫu còn bao gồm các di tích thờ ngũ vị quan lớn như đền thờ quan Đệ Tam ở đền Lảnh Giang; Di tích thờ quan Đệ Ngũ ở Đò Tranh - Hải Dương, Cửa Ông - Quảng Ninh, Lạng Sơn.
- Hà Giang: Khẩn trương rà soát đầu tư dự án Khu du lịch tâm linh Lũng Cú và thang máy ngắm cảnh
- Tây Yên Tử - điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch tâm linh - sinh thái
Hệ thống các di tích linh thiêng thờ Tứ vị chầu Bà như quần thể di tích thờ chầu Đệ Nhị ở Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái; di tích thờ chầu Bé ở Bắc Lệ, tỉnh Lạng Sơn; Di tích thờ chầu Mười ở Đồng Mỏ, tỉnh Lạng Sơn… Trong vùng đất thiêng còn có hệ thống các đền thờ ông Hoàng.Nổi bật là đền thờ ba ông Hoàng (ông Hoàng Ba ở đền Lảnh, tỉnh Hà Nam; ông Hoàng Bẩy ở Bảo Hà, tỉnh Lào Cai; ông Hoàng Mười ở Bến Thuỷ, tỉnh Nghệ An). Hệ thống vùng đất thiêng còn có các di tích liên quan đến thập vị hương Cô, tứ vị thánh Cậu, phủ Trần triều và nhiều di tích khác.
Vùng đất thiêng của đạo Mẫu gồm nhiều di tích và quần thể di tích. Các di tích này được kết nối với nhau theo 2 trung tâm và 3 tuyến chính.
2 trung tâm là: Trung tâm Phủ Dầy và Trung tâm Phủ Tây Hồ.
3 tuyến chính là: Tuyến du lịch ngược sông Thao và sông Lô, như hệ thống thờ Mẫu Thoảiở đền Dùm; thờ Mẫu Âu Cơ ở Hạ Hòa, Phú Thọ; thờ Mẫu Chầu Bà Thượng ngàn (Chầu Đệ Nhị ở Đông Cuông, Yên Bái); thờ ông Hoàng Bẩy ở Bảo Hà; thờ Cô Đôi ở Cam Đường…
Tuyến du lịch Bắc Giang - Lạng Sơn, như thờ Mẫu thượng ngàn ở suối Mỡ - Bắc Giang, Bắc Lệ - Lạng Sơn…
Tuyến du lịch tâm linh đạo Mẫu: Nam Định - Hà Nam - Thanh Hóa- Nghệ An (từ trung tâm Phủ Dầy đến đền thờ ông Hoàng Mười ở Bến Thủy).
Về thời gian, du lịch tâm linh theo đạo Mẫu là loại hình du lịch mang đậm tính mùa vụ, gắn liền với thời gian của tín ngưỡng thờ Mẫu, trong đó thời gian nổi bật là “Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”.
“Tháng tám giỗ cha”, ngày 20/8 (Âm lịch) tương truyền là ngày mất của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và ngày 20/8 (Âm lịch) là "ngày tiệc" (ngày lễ tiết hầu) của vua cha Bát Hải Đại Vương. Vì vậy, các đền thờ liên quan đến Trần Hưng Đạo và Bát Hải Đại Vương đều mở lễ hội. Nhưng lễ hội được tổ chức trang nghiêm nhất, mang tính quốc lễ là lễ hội đền Kiếp Bạc (từ ngày 15 đến 20/8 Âm lịch - nơi thờ Đức thánh Trần). Từ ngày 20 đến 28/8 (Âm lịch) là ngày hội chính ở đền Đồng Bằng - nơi thờ vua cha Bát Hải Đại Vương và Đức thánh Trần.
“Tháng ba giỗ mẹ”, 10 ngày đầu tháng 3 (Âm lịch) hàng năm là thời điểm diễn ra lễ hội Phủ Dầy thờ thánh Mẫu Liễu Hạnh. Tháng 3 cũng là ngày hội thờ Mẫu ở tất cả các di tích thờ Mẫu như Phủ Tây Hồ vào ngày 3/3 (Âm lịch).
Bên cạnh thời gian thiêng là “Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”, hệ thống tín ngưỡng đạo Mẫu còn có các dịp lễ hội gắn với các vị thần linh của đạo Mẫu như lễ hội đền Cô Tân An, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai (17 tháng Giêng - tất cả các mốc thời gian đều tính theo Âm lịch), lễ hội thờ Cô Bơ (12/6), lễ hội thờ quan Tam Phủ (24/6), lễ hội thờ ông Hoàng Bẩy (17/7), lễ hội Chầu Bà ở Bắc Lệ (9/9), lễ hội ông Hoàng Mười (10/10), lễ hội quan Đệ Nhị (11/11)…
Mỗi dịp lễ hội thường diễn ra 3 ngày, giáp với ngày chính hội (ngày tiệc của các vị thần linh). Nhưng với các vị thần linh thường xuyên giáng đồng nổi tiếng linh thiêng thì lễ hội kéo dài hàng tuần, hàng tháng. Lễ hội ông Hoàng Bẩy ở Bảo Hà, Lào Cai năm 2015 đón khoảng 5 vạn khách trong những ngày lễ hội. Lễ hội thờ ông Hoàng Mười ở Nghệ An năm 2014 cũng đón từ 4 đến 5 vạn khách. Ước tính các di tích liên quan đến hệ thống đạo Mẫu trong năm 2013 - 2014 đón khoảng 12 - 15 triệu du khách.
Tuy các lễ hội thu hút du khách theo mùa vụ nhưng nếu theo tổng thể của toàn bộ các di tích thờ Mẫu thì hầu hết tháng nào cũng có lễ hội (ngày tiệc) của từng vị thần linh. Vì vậy, dòng người đi lễ hội diễn ra quanh năm. Đây là đặc điểm nổi bật của hệ thống của loại hình du lịch tâm linh thờ Mẫu. Đặc điểm này khác với du lịch tâm linh thờ Phật và Thiên Chúa giáo.
Khách hành hương là ai?
Du khách đi du lịch tâm linh thờ Mẫu gồm 2 đối tượng chính là hệ thống con nhang, đệ tử trong các bản hội và hệ thống khách thập phương có nhu cầu thờ Mẫu.
Theo Nguyễn Ngọc Mai khảo sát, đội hình đi hầu trình thường đi từng đoàn từ 10 đến 40 người, trong đó có một đồng thầy và các con nhang, đệ tử, đồng lính, cung văn… Những du khách của các bản hội này đã hình thành một đội ngũ du khách tâm linh khá hùng hậu. Họ là lực lượng chủ yếu đến các điểm di tích trong các ngày lễ hội quanh năm.
Hệ thống du khách thập phương bao gồm các nam nữ thanh niên, các nhà doanh nghiệp và đội ngũ hùng hậu những người có nhu cầu tâm linh về đạo Mẫu. Đội ngũ du khách này chủ yếu đến các di tích thờ Mẫu vào 2 thời điểm quan trọng “đầu năm đi vay, cuối năm trả lễ”. Năm 2012, lượng du khách đi du lịch tâm linh thờ Mẫu ở dọc sông Hồng khoảng 1 triệu thì đến năm 2015 đã tăng lên 3,5 triệu người. HHaHHh
Du lịch tâm linh theo Phật giáo: khách hành hương ngày càng “trẻ hóa”
Hệ thống du lịch tâm linh theo đạo Phật có nhiều hình thức khác nhau. Có loại hình hành hương về vùng đất thiêng của Phật như trảy hội chùa Hương, du lịch tâm linh đến Thiền phái Trúc lâm Yên Tử, tuyến du lịch tâm linh về chùa Bái Đính ở Ninh Bình, du lịch ở các chùa Bắc Ninh... Các trung tâm và tuyến du lịch tâm linh thờ Phật trong những năm gần đây phát triển khá mạnh.
Không gian thờ Phật đã được mở rộng, bên cạnh các không gian thờ Phật truyền thống như chùa Hương, các chùa ở Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, chùa Yên Tử ở Quảng Ninh… đã xuất hiện trung tâm thờ Phật mới ở Bắc Bộ như quần thể di tích chùa Bái Đính, Thiền viện Trúc lâm Tam Đảo và hệ thống các chùa ở Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc mới được trùng tu, xây dựng.
Về thời gian, khác với loại hình du lịch tâm linh theo đạo Mẫu, thời gian du lịch tâm linh theo đạo Phật chủ yếu diễn ra vào mùa Xuân với các cuộc hành hương dài ngày.
Trước kia, du khách đi du lịch tâm linh chủ yếu là những người trung, cao tuổi (nhất là phụ nữ), nhưng những năm gần đây đội ngũ du khách đã “trẻ hóa” và đa dạng hóa. Nam nữ thanh niên đi du lịch tâm linh theo đạo Phật ngày càng chiếm tỷ lệ cao hơn trước. Trong đoàn hành hương xuất hiện các đoàn hành hương theo các giới, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương.
Ngày càng nở rộ “Khái niệm du lịch tâm linh đã có từ lâu trên thế giới, nhưng ở nước ta mới chỉ được nói đến trong khoảng hơn chục năm qua khi mà điều kiện kinh tế, xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần con người được nâng lên. Đặc biệt là sau sự kiện Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh tại Ninh Bình (tháng 11/2013) theo sáng kiến của Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) Taleb Rifai thì du lịch tâm linh ở nước ta càng nở rộ”. (Theo Tạp chí Công tác Tôn giáo số 7/2019. Nguồn: btgcp.gov.vn) |
(Xem tiếp kỳ sau ra ngày thứ Sáu, 21/8/2020)
TS Trần Hữu Sơn
Tags