TP. Hồ Chí Minh là nơi có lực lượng doanh nghiệp tư nhân, kinh tế ngoài quốc doanh hoạt động sôi nổi trên nhiều lĩnh vực khác nhau, không chỉ đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế mà còn tiên phong trong xu hướng phát triển bền vững, thúc đẩy đổi mới công nghệ và hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đây là một trong những nhân tố cốt lõi tạo nên sức sống mạnh mẽ và vị thế hàng đầu của TP. Hồ Chí Minh trong bức tranh kinh tế Việt Nam.
Nhân dịp 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và gần 40 năm đổi mới, Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm bài 3 viết nhìn lại hành trình phát triển và những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh; đồng thời, cũng phân tích những điểm nghẽn, bất cập đang ảnh hưởng đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.
Từ đó, đề xuất giải pháp kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh, giúp doanh nghiệp phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, trở thành động lực đưa kinh tế TP. Hồ Chí Minh bứt phá trong thời gian tới.
Bài 1: Cái nôi khởi nghiệp, kinh doanh
Trước năm 1975, TP. Hồ Chí Minh với danh xưng “Hòn ngọc Viễn Đông” đã được biết đến là một trung tâm giao thương nhộn nhịp, có hàng ngàn xí nghiệp sản xuất, chế tạo và đội ngũ thương nhân hùng hậu. Sau ngày giải phóng, có giai đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của bao vây cấm vận từ bên ngoài và cơ chế kinh tế bao cấp trong nước. Song với nền tảng tư duy và sự nhạy bén sẵn có, TP. Hồ Chí Minh là nơi tiên phong “phá rào”, bật đèn xanh cho kinh tế đa thành phần phát triển. Nhờ đó, ngay khi cả nước bước vào giai đoạn đổi mới, phong trào khởi nghiệp, kinh doanh ở TP. Hồ Chí Minh nhanh chóng phát triển và đạt được những thành tựu nổi bật.
"Vượt rào" để phát triển
Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) đánh dấu bước ngoặt đầu tiên mở ra cánh cửa để kinh tế tư nhân được “danh chính ngôn thuận” phát huy tiềm lực, đóng góp ngày càng tích cực vào sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, tại TP. Hồ Chí Minh ngay từ giai đoạn 1979 -1980, trước tình thế nền kinh tế suy yếu nghiêm trọng, lãnh đạo thành phố thời bấy giờ đã nhìn thẳng vào những yếu kém và chủ động tìm cách tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh được bung ra. Đây là mở đầu điểm đột phá trên mặt trận kinh tế theo hướng nâng cao tính chủ động sáng tạo của cơ sở, phát huy mọi khả năng phát triển sản xuất.

Đại hội Đảng lần thứ VI đã đưa ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta (1986). Ảnh: TTXVN
Việc “vượt rào” của lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh không chỉ giúp kinh tế thành phố “thoát hiểm” khỏi tình trạng trì trệ, lạm phát mà còn tạo sự bứt phá ngoạn mục về tăng trưởng. Theo số liệu của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, năm 1976, GDP trên đầu người của thành phố là 215 USD thì năm 1980 đã tăng lên 290 USD và năm 1985 đạt 395 USD. Trong giai đoạn 1976 - 1980, tốc độ tăng trưởng bình quân GDP của thành phố là 2,2%/năm, giai đoạn 1981 - 1985 tốc độ tăng trưởng đã vượt lên 8,2%/năm.
Chính trong thời điểm đó, TP. Hồ Chí Minh đã được chứng kiến những cảnh tượng ngoạn mục về sự liên tiếp xuất hiện hàng loạt mô hình sản xuất kinh doanh tiên tiến như: Công ty Bột giặt Viso, Xí nghiệp Thuốc lá, Nhà máy Bia Sài Gòn, các xí nghiệp dệt và cơ khí hàng đầu. Hiệu quả trực tiếp của sự cải cách trong giai đoạn này, đã làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh khởi sắc, báo hiệu một thời kỳ phát triển kinh tế năng động.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: Việc thừa nhận sự tồn tại và vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế đa thành phần được nhân dân cả nước hưởng ứng rộng rãi và nhanh chóng đi vào cuộc sống. Chỉ trong thời gian ngắn, kinh tế tư nhân đã trở thành lực lượng quan trọng đưa đất nước vượt qua khủng hoảng kinh tế. Điều này khẳng định rằng lựachọn chuyển sang kinh tế thị trường, thừa nhận và tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát huy tiềm lực là đúng đắn. TP. Hồ Chí Minh với lợi thế tiên phong nhanh chóng phát triển được lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân lớn mạnh dẫn đầu cả nước.
Năm 2002, thời điểm bắt đầu thực hiện Nghị quyết 14-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, TP. Hồ Chí Minh có khoảng hơn 10.000 doanh nghiệp ngoài nhà nước. Đến năm 2010, số doanh nghiệp tư nhân đã lên hơn 93.000 và từ giai đoạn 2010 - 2015 trung bình mỗi năm tăng hơn 20.000 doanh nghiệp.

Công ty TNHH Nidec Tosok Việt Nam của nhà đầu tư Nhật Bản sản xuất các chi tiết cơ khi tại khu chế xuất Tân Thuận (Thành phố Hồ Chí Minh). Danh Lam – TTXVN
Năm 2017, khi Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nghị quyết số 10-NQ/TW) chính thức xác định “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, TP. Hồ Chí Minh đã có hơn 300.000 doanh nghiệp. Tính đến tháng 3/2025, số lượng doanh nghiệp hiện đang hoạt động trên địa bàn thành phố là 345.560 doanh nghiệp.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh cho biết, khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của TP. Hồ Chí Minh. Từ năm 2017, kinh tế tư nhân đã đóng góp khoảng 60% GRDP toàn thành phố; năm 2024, khu vực này chiếm 67,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố.
Nhờ vào nguồn lực khu vực tư nhân, những năm qua cứ mỗi đồng vốn ngân sách thành phố bỏ ra đầu tư, thu hút được từ 7 - 10 đồng vốn đầu tư từ xã hội. Điều này có ý nghĩa đặc biệt khi TP. Hồ Chí Minh cần nguồn vốn khủng cho đầu tư phát triển, duy trì vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước.
Thế hệ doanh nghiệp hội nhập
Sau đổi mới, đất nước từng bước hội nhập thông qua bình thường hóa quan hệ với Mỹ năm 1994 và gia nhập Asean năm 1995, mở cánh cửa để hàng hoá trong nước tiếp cận những thị trường xuất khẩu đầu tiên. Nắm bắt thời cơ này, nhiều tri thức có tư duy nhạy bén mạnh dạn khởi nghiệp; hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất nhỏ cũng tích luỹ nguồn vốn mở rộng quy mô, trở thành doanh nghiệp có tên tuổi, dẫn dắt sự phát triển ngành hàng, khẳng định vị thế trên thị trường xuất khẩu.
Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn là một trong những điển hình của thế hệ trí thức khởi nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh những năm cuối thập niên 90 của thể kỷ 20. Xuất thân là một kỹ sư cơ khí, ông Trần Việt Anh đã bỏ công việc ổn định tại một đơn vị nhà nước để khởi nghiệp khi nhận thấy tiềm năng rất lớn từ thị trường bao bì nhựa.
Nghĩ là làm ngay, với số vốn ban đầu 3,5 triệu đồng (năm 1998), ông Trần Việt Anh nhập thiết bị từ Đài Loan (Trung Quốc), khai sinh ra Công ty TNHH thương mại Nam Thái Sơn. Xưởng sản xuất lúc đó chỉ có hai máy dệt bao PP và vài khung in lụa đơn giản, nhân sự chưa tới 10 người nhưng người đứng đầu đã hướng tới mục tiêu xuất khẩu bao bì.
Nắm rõ nhu cầu thị trường nên dù trải qua không ít cuộc biến động, khi hàng loạt doanh nghiệp cùng ngành rời đi, Nam Thái Sơn vẫn đứng vững. Đến nay, sau gần 30 năm hình thành và phát triển, ông Trần Việt Anh tự nhận đã nuôi dưỡng đứa con Nam Thái Sơn từ trẻ “sơ sinh” từng bước trưởng thành, từ hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp quy mô vừa.
“Hiện Nam Thái Sơn đã có hai nhà máy sản xuất, giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động, doanh thu trung bình 20 triệu USD/năm, trở thành một trong 3 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về sản xuất bao bì nhựa. Không chỉ là đối tác cung ứng cho hàng loạt chuỗi bán lẻ trong nước, bao bì nhựa Nam Thái Sơn đã có mặt ở những thị trường “khó tính” như châu Âu, Australia, Nhật Bản”, ông Trần Việt Anh thông tin.
Khác với Nam Thái Sơn, Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex (Intimex Group) lại là minh chứng sống cho thấy sự “lột xác” sau khi chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần. Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group, cho biết: Intimex Group được hình thành trên cơ sở cổ phần hoá chi nhánh một công ty xuất khẩu thuộc Bộ Công Thương vào năm 2006, từ số vốn ban đầu là 8 tỷ đồng. Sau gần 20 năm “tư nhân hoá”, tập đoàn đã vươn lên đứng thứ 28 trong bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2024 (do Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam công bố tháng 11/2024).

Vận chuyển gạo xuất khẩu tại nhà máy chế biến Tân Thạnh thuộc Tổng công ty Lương thực miền Nam – CTCP (Vinafood 2). Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN
Ở lĩnh vực nông sản, Intimex đang là đơn vị đứng đầu cả nước về xuất khẩu cà phê, top 10 doanh nghiệp xuất khẩu gạo; ngoài ra, đơn vị này còn xuất khẩu hồ tiêu, hạt điều, nhập khẩu thực phẩm đông lạnh, kinh doanh siêu thị, vật liệu xây dựng,…Tổng doanh thu của Intimex Group năm 2024 đạt 78.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD, đóng ngân sách hàng trăm tỷ đồng. Mục tiêu của Intimex Group trong năm 2025 là nâng doanh thu lên 99.000 tỷ đồng và kim ngạch xuất khẩu lên 2 tỷ USD.
Chia sẻ hành trình vươn lên thành doanh nghiệp tỷ USD, ông Đỗ Hà Nam thông tin: Khởi đầu trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế, Intimex lựa chọn cà phê là mặt hàng xuất khẩu chính, sau đó mở rộng sang các mặt hàng khác như gạo, tiêu và hạt điều. Bí quyết là vừa làm thương mại vừa tích luỹ vốn để đầu tư xây dựng nhà máy chế biến. Đến nay, Intimex có tổng cộng 30 nhà máy chế biến các loại nông sản trải dài trên cả nước, trong đó có 13 nhà máy chế biến cà phê nhân và 1 nhà máy chế biến cà phê hoà tan.
TP. Hồ Chí Minh cũng được biết đến là nơi khởi nghiệp, phát triển của nhiều doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực cơ khí chế tạo. Trong đó, Tập đoàn Đại Dũng từ một xưởng cơ khí nhỏ, sau 30 năm đã trở thành thương hiệu được nhiều đối tác quốc tế lựa chọn. Sản phẩm cơ khí và kết cấu thép chất lượng cao của Đại Dũng đã kiến tạo nên những công trình trọng điểm tại 50 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau./.