(Thethaovanhoa.vn) - Theo Chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 28/10, Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Thực tiễn sau 15 năm thi hành Luật Điện ảnh năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) cho thấy, nhiều quy định hiện hành không còn phù hợp với thực tiễn, không tương thích với hệ thống pháp luật liên quan. Việc áp dụng một số quy định còn khó khăn, vướng mắc.
Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và mạng xã hội đã tác động, làm thay đổi cả về quy trình, phương thức sản xuất, phát hành, phổ biến phim đến cách tiếp cận, thụ hưởng tác phẩm điện ảnh của người dân, đòi hỏi cần phải sửa đổi Luật.
Để mang đến cho độc giả phần nào cái nhìn khái quát về ngành điện ảnh Việt Nam và những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), phóng viên thực hiện chùm hai bài viết phản ánh nội dung này.
Dưới sự tác động của các nền tảng công nghệ, đặc biệt là nền tảng số, mạng xã hội, trong những năm gần đây, ngành Điện ảnh Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh không chỉ góp phần làm phong phú thêm tinh thần người dân, mà còn xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trong bối cảnh đó, Luật Điện ảnh năm 2006 hiện hành, vốn chỉ thiết kế cho tiếp cận phim, điện ảnh trên nền tảng truyền thống được ví như một chiếc áo quá chật trên một cơ thể đang lớn nhanh.
Cơ thể lớn nhanh trong chiếc áo chật
Kể từ khi có hiệu lực từ năm 2007, Luật Điện ảnh năm 2006 đã tạo hành lang pháp lý cho điện ảnh nước nhà phát triển. Doanh thu điện ảnh trong những năm gần đây đã tăng trung bình khoảng 2 triệu USD.
Kết quả khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về điện ảnh do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thực hiện và công bố mới đây cho cho thấy, một số mục tiêu trong Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đạt và vượt.
Đơn cử như doanh thu của ngành, từ năm 2015, con số doanh thu tăng lên hơn 100 triệu USD, năm 2018 là gần 150 triệu USD, tới năm 2020, doanh thu ngành điện ảnh đạt khoảng 150 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 50 triệu USD). Theo thống kê của Công ty trách nhiệm hữu hạn CJ CGV Việt Nam, năm 2019, doanh thu điện ảnh tại Việt Nam đạt 4.064 tỷ đồng (hơn 176 triệu USD), vượt 20% so mục tiêu trong chiến lược.
Số lượng phim Việt Nam sản xuất ngày càng tăng, đặc biệt đa số phim được sản xuất bằng nguồn vốn xã hội hóa. Điều này phù hợp với chủ trương phát triển xã hội hóa các hoạt động điện ảnh…
Tuy nhiên, trong khoảng 2 năm gần đây, khi làn sóng kỹ thuật số phổ cập toàn bộ ngành Điện ảnh, đi cùng với "trăm hoa đua nở" các nền tảng phân phối phim trực tuyến, vấn đề khai thác, phổ biến phim trên mạng Internet, xem phim trên các thiết bị cá nhân đã trở thành những nội dung mới chưa được đề cập đầy đủ trong Luật Điện ảnh hiện hành. Đi cùng với đó là vấn đề vi phạm bản quyền, cạnh tranh không lành mạnh, hạn chế cạnh tranh…
Các hoạt động cung cấp dịch vụ và sản xuất phim có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn do chưa thống nhất, đồng bộ với nhiều quy định, phát sinh giấy phép chồng chéo, gây mất thời gian cho doanh nghiệp, nhà sản xuất. Trong khi đó, xu thế hợp tác làm phim đa quốc gia ngày càng phát triển, mang lại nhiều lợi ích cho việc quảng bá hình ảnh quốc gia, du lịch…
Những bất cập, hạn chế trên đã tạo nên một bức tranh phát triển khập khiễng giữa chính sách và thực tiễn của ngành Điện ảnh Việt Nam; hay nói cách khác là cơ thể đang lớn nhanh của điện ảnh Việt Nam đang cựa quậy, khó khăn trong chiếc áo pháp lý quá chật, cần một chiếc áo mới đủ rộng để phát triển.
Thúc đẩy, vận hành điện ảnh như một ngành kinh tế
Năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) và được Chính phủ thông qua. Qua nhiều hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nhà làm phim - đạo diễn, diễn viên và các tổ chức, cá nhân khác trong lĩnh vực điện ảnh, đến tháng 9/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và nhất trí đưa dự án luật vào chương trình nghị sự của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Dự kiến, dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 vào tháng 5/2022.
Ngày 23/10 vừa qua, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình Quốc hội về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Theo Tờ trình, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) phù hợp với 4 chính sách đề xuất trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua bao gồm tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam; khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật.
Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm gồm 8 chương, 50 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành. Chương VI về Quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh; Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh bao gồm hai mục, là chương mới so với Luật Điện ảnh hiện hành.
Trước đó, phát biểu tại Phiên họp mở rộng Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh cần nhìn nhận điện ảnh ở hai góc độ: là một loại hình nghệ thuật, phải bảo đảm các yêu cầu về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; và là một phần của ngành công nghiệp văn hóa, đòi hỏi phải có cơ chế thúc đẩy, vận hành điện ảnh như một ngành kinh tế, tuân theo các quy luật thị trường, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
"Luật khi ban hành phải phục vụ tốt yêu cầu về sự tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền sáng tạo, hưởng thụ giá trị văn hóa, nghệ thuật của người dân và cộng đồng," Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý.
Dự án Luật đặt ra vấn đề xây dựng nền điện ảnh Việt Nam hội nhập quốc tế cũng như khuyến khích phát triển thị trường điện ảnh trong nước. Xem xét các quy định về điện ảnh trong bối cảnh khoa học, công nghệ đang phát triển mạnh mẽ và tác động trực tiếp, làm thay đổi thị hiếu người xem. Cần đặc biệt quan tâm đến các chính sách phát triển điện ảnh, xây dựng hệ sinh thái sản xuất phim, khuyến khích xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài cho phát triển điện ảnh; các quy định về sở hữu trí tuệ và quảng cáo trong tác phẩm điện ảnh.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh đến việc khắc phục tình trạng "luật khung," "luật ống," những vẫn đề đã rõ, có tính ổn định cao cần quy định rõ, chi tiết tại Luật để thực hiện; cụ thể hóa tối đa các quy định, đưa vào Luật những nội dung ở các văn bản dưới luật đã được kiểm chứng, có tính ổn định cao; chỉ giao Chính phủ quy định chi tiết những vấn đề có tính linh hoạt, nhiều biến động trong thực tiễn.
- Quốc hội xem xét dự án Luật Điện ảnh sửa đổi
- Giới làm phim Việt 'góp ý' dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi
- Luật Điện ảnh sửa đổi: 'Gỡ' loạt vấn đề bất cập để thúc đẩy điện ảnh Việt phát triển
Bên cạnh đó, rà soát các quy định thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước, nhất là liên quan đến thẩm định, cấp phép phân loại phim, xuất khẩu phim, nhập khẩu phim, phát hành phim; cấp phép đối với liên hoan, giải thưởng, cuộc thi phim… trên tinh thần phải đổi mới, thông thoáng hơn, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh, khuyến khích toàn xã hội tham gia phát triển điện ảnh.
Theo ông Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, có những kỳ vọng lớn vào việc sửa đổi Luật Điện ảnh sắp tới, bởi luật được ban hành và thi hành khá lâu so với điều kiện hiện nay. Nhiều yêu cầu, vấn đề từ thực tiễn nhưng Luật hiện hành chưa được quy định. Xu hướng hiện nay ở nhiều nước có điều kiện tương đồng như Việt Nam nhưng đã có bước tiến lớn phát triển điện ảnh theo hướng công nghiệp, không chỉ có bước tiến lớn về văn hóa nghệ thuật mà cả về mặt kinh tế.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục mong muốn Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ cụ thể hóa được những chính sách lớn như Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đã nêu, hướng đến sự cụ thể, chi tiết, dễ hiểu, dễ áp dụng để có sự đồng thuận giữa cơ quan quản lý nhà nước và những người hoạt động điện ảnh, hạn chế vướng mắc, tâm tư lâu nay xảy ra, chẳng hạn như vướng mắc về thẩm định và phân loại phim truyện hiện nay...
Việt Đức/TTXVN
Tags