(Thethaovanhoa.vn) - Nhà Trần là một triều đại đặc biệt, không kể tới việc hôn nhân cận huyết thì một khía cạnh khác cũng có số lượng nổi trội: Số kẻ cõng rắn cắn gà nhà.
Trong gần 200 năm, nhà Trần liên tiếp nảy ra mấy người như Trần Di Ái, Trần Ích Tắc, Trần Thiêm Bình (mạo xưng là cháu Trần Thánh Tông) muốn mượn sức triều đình phương Bắc để về làm vua nước ta.
Ở cuối nhà Trần lại nảy ra một người đặc biệt hơn hết, muốn mượn sức Chiêm Thành để về làm vua ĐạiViệt. Đó là Ngự Câu Vương Trần Húc.
- Sử Việt đọc chậm (kỳ 4): Đôi điều về thân thế Hưng Đạo Đại vương
- Sử Việt đọc chậm (kỳ 3): Quyền lực hậu cung
Hoàng tử kiêm phò mã
Ngự Câu Vương Trần Húc là con của vua Trần Nghệ Tông. Nghệ Tông lên ngôi không lập con mà lại chọn em trai là Cung Tuyên Đại Vương Trần Kính làm Hoàng thái tử. Đến năm 1372 thì nhường cho Kính lên làm vua, tức Duệ Tông, còn bản thân mình làm Thái thượng hoàng.
Ngự Câu Vương Trần Húc là con yêu của Nghệ Tông, được phong là Quan phục Đại vương. Theo sử gia Ngô Sĩ Liên bàn thì tước vương nay có lẽ bởi được yêu nên tuy mới là bậc vương mà đã được ban cho áo mão của Đại vương.
Sau khi Duệ Tông lên ngôi, năm Bính Thìn (1376) gả Công chúa Tuyên Huy cho Húc. Ngự Câu Vương và Tuyên Huy Công chúa là anh em con chú con bác. Thượng hoàng lại đích thân đi đón dâu nên có thể thấy địa vị của Húc trong lòng Nghệ Tông tương đối cao. Ngược lại, việc Nghệ Tông truyền ngôi cho em chứ không truyền cho con chắc cũng khiến người con yêu này của ngài không hài lòng.
Lưỡng quốc phò mã
Đúng 1 năm sau khi cưới Tuyên Huy Công chúa, Ngự Câu Vương Húc theo Duệ Tông chinh phạt Chiêm Thành. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Ngày 24, vua mặc áo đen, cưỡi ngựa nê thông, sai Ngự Câu Vương Húc mặc áo trắng, cưỡi ngựa trắng, kíp truyền lệnh tiến quân”. Qua cách ghi chép này thì có lẽ Trần Húc là nhân vật số 2 của quân đội viễn chinh, làm phó tướng cho Duệ Tông trong chiến dịch đánh Chiêm Thành. Tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1377), Duệ Tông thất trận bị giết, còn “Giặc bắt sống được Ngự Câu Vương, đem con gái gả cho”.
Thế là tuy bị Chiêm Thành bắt làm tù binh, nhưng Trần Húc có giá trị để lợi dụng nên chẳng những giặc không giết mà còn gả công chúa cho. Từ một Hoàng tử kiêm Phò mã nhà Trần nước Đại Việt, Húc đã trở thành Phò mã Chiêm Thành.
Sở dĩ có việc này là bởi Trần Húc không hài lòng về việc Nghệ Tông không truyền ngôi cho mình.Thêm nữa Duệ Tông cũng không có ý định sau này trả lại ngôi cho dòng Nghệ Tông, bởi năm Quý Sửu (1373) tức là chỉ 1 năm sau khi lên ngôi, Duệ Tông đã có ý định định lập con mình làm Hoàng Thái tử chứ không phải chọn dòng Nghệ Tông cho nối: “Tháng 3, phong con trưởng là Vĩ làm Chương vũ Đại vương, định lập làm Hoàng Thái tử, nhưng lên nhọt độc rồi chết”.
Việc này cũng giống như nước Ngô bên Trung Quốc thời Xuân Thu. Vua nước Ngô là Chư Phàn chết, truyền ngôi cho em là Di Thái, Di Thái chết là truyền cho em là Dư Muội, Dư Muội nhẽ ra phải truyền tiếp xuống cho người em là Quý Tử Trát, nhưng Quý Tử Trát không nhận, Dư Muội truyền lại cho con mình là Liêu. Sau này Công tử Quang con của Chư Phàn ám sát Liêu để tự lập làm vua, tức là vua Hạp Lư nước Ngô.
Chúng ta không có thời điểm chính xác của việc Húc được gả Công chúa Chiêm Thành, nhưng tháng 5 năm đó, Nghệ Tông đã lập con của Duệ Tông là Hiện lên làm vua, nghĩa là cắt đứt hoàn toàn hy vọng lên ngôi của dòng Nghệ Tông.
Kẻ cõng rắn
Tháng 6 năm Đinh Tỵ (1377), Chiêm Thành đưa quân sang cướp, đánh thẳng vào kinh đô. 1 năm sau đó lại sang đánh: “Mùa Hạ, tháng 5, ngày mồng 5, người Chiêm đưa Ngự Câu Vương Húc đã đầu hàng đến cướp phủ Nghệ An, tiếm xưng vị hiệu để chiêu dụ dân chúng, nhiều người theo lệnh của bọn ngụy” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Vậy là Trần Húc đã học theo mấy vị “tiền bối” trong họ là Di Ái, Ích Tắc, đem quân ngoại quốc tới đánh nước nhà để mưu đồ đòi lại ngôi báu.
Một lần nữa, quân Chiêm Thành đánh vào kinh đô Đại Việt, cướp phá và bắt người rồi rút về. Tuy sử không chép kỹ về hành trạng của Trần Húc trong giai đoạn này, nhưng căn cứ vào ghi chép của các sự kiện sau đó thì ta đoán chừng Trần Húc vẫn đang giữ Nghệ An. Tới cuối năm Tân Dậu (1381), “Vua dụ giết Quan Phục hầu Đại vương Húc” (Đại Việt sử ký toàn thư). Rồi tháng 3 năm Nhâm Tuất (1382), Chiêm Thành lại đánh Thanh Hóa tiếp, lần này Nguyễn Đa Phương đánh bại được giặc, “đuổi giặc đến thành Nghệ An rồi về”.
Xâu chuỗi các sự kiện trên lại, ta thấy trong khoảng từ năm 1377 tới năm 1382, Ngụy triều do Chiêm Thành lập nên vẫn chiếm cứ Nghệ An. Từ tháng 3 đến tháng 5 năm 1380, Chiêm Thành đánh Đại Việt nhưng bị thua phải rút chạy, chắc hẳn tình thế ở Nghệ An cũng không khả quan gì. Do vậy khi Đế Hiện cho gọi thì Trần Húc đã bỏ Nghệ An mà về với triều đình, tới nơi thì bị vua giết. Nếu khi đó Húc không ở Nghệ An mà lưu tại Chiêm Thành thì đâu dễ bỏ trốn đi, mà vua Trần cũng không nhất thiết phải dụ về. Lừa dụ chẳng qua để dẹp cái mối họa hiển hiện ngay trong nước vậy.
Hệ lụy từ cái chết của Trần Húc
Tuy Trần Húc là phản thần, nhưng ta cần nhớ 2 điều: Thứ nhất, Húc là con yêu của Nghệ Tông, bấy giờ đương là Thái Thượng hoàng và vẫn nắm quyền chủ đạo trong triều, bao gồm cả quyền phế lập vua. Thứ hai, nhà Trần vẫn có tiếng là bao dung cho hoàng thất, thể hiện qua việc Trần Di Ái không bị xử tử và Trần Ích Tắc vẫn được giữ nguyên họ tông thất.
Trần Húc lập triều đình riêng ở Nghệ An cố nhiên là tội rất to, nhưng vua lừa dụ về rồi giết thì phạm phải đại kỵ của gia tộc. Trần Húc lại là con yêu của Thượng hoàng, trong khi nhà vua chỉ là cháu ruột. Cháu ruột lừa giết con đẻ của mình thì khó mà tránh khỏi hiềm khích. Bởi vậy tới năm Mậu Thìn (1388), vua có mâu thuẫn với Lê Quý Ly (sau đổi về lại họ Hồ), bàn mưu với Thái úy Trần Ngạc muốn giết Quý Ly; Phạm Cự Luận mới khuyên Quý Ly rằng: “Thượng hoàng trong lòng vẫn căm vua về việc giết Quan phục Đại vương, vua rất không hài lòng”. Quả nhiên Quý Ly dùng lẽ “Chưa có ai bán con để nuôi cháu, chỉ thấy bán cháu để nuôi con” mà thuyết phục, Thượng hoàng liền sai bắt giam nhà vua rồi sai thắt cổ cho chết.
Bấy giờ Lê Quý Ly nắm quyền trong triều, nhưng phe họ Trần vẫn còn nhiều tướng lĩnh trung thành. Năm Mậu Ngọ (1378), Đế Hiện đã đề bạt một loạt những người thân tín của mình cho nắm các đạo thân quân. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Lấy Nguyễn Bát Sách, người cùng một vú nuôi với nhà vua quản lĩnh quân Thiết sang; Nguyễn Vân Nhi quản lĩnh quân Thiết giáp; Nguyễn Hổ, Lê Lặc quản lĩnh quân Thiết liêm; Nguyễn Thánh Du quản lĩnh quân Thiết hổ; Trần Quốc Hưng quản lĩnh quân Ô đồ”.
Khi Đế Hiện bị bắt, Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Các tướng chỉ huy các phủ quân cũ như tướng chỉ huy quân Thiết liêm là Nguyễn Khoái, Nguyễn Vân Nhi, tướng chỉ huy quân Thiết giáp là Nguyễn Kha, Lê Lặc, tướng chỉ huy quân Thiết sang là Nguyễn Bát Sách định đem quân vào cướp lấy vua đem ra”.
Điều ấy chứng tỏ lực lượng tướng lĩnh nắm quân đội trung thành với Hoàng thất còn rất nhiều. Tuy vậy, ở đây mệnh lệnh là do đích thân Thượng hoàng xuống tay với nhà vua, nên về công hay về tư, ngoại thần khó mà chen vào được. Về sau “Mưu cơ tiết lộ, đến nỗi thất bại, bọn Á Phu, Khoái, Vân Nhi, Kha, Bát Sách, Lặc và người học sinh được tin yêu là Lưu Thường đều bị giết cả”. Tuy sử không chép rõ, nhưng ta có thể tưởng tượng ra được rằng mấy cánh thân binh ấy đều rơi vào tay Quý Ly cả.
Sang tới năm Kỷ Mão (1399), Quý Ly giết Thuận Tông, tông thất đại thần chỉ còn bọn “Tôn thất Hãng, Trụ quốc Nhật Đôn, Tướng quân Trần Khát Chân, Phạm Khả Vĩnh, Hành khiển Hà Đức Lân, Lương Nguyên Bửu, Phạm Ông Thiện, Phạm Ngưu Tất” tham gia vụ ám sát Đốn Sơn chứ không thấy có xuất hiện của các viên tướng trực tiếp nắm các đạo quân đội.
Như vậy, từ một cái chết của vị Hoàng tử kiêm lưỡng quốc phò mã, nội bộ tông thất nhà Trần bị chia rẽ nghiêm trọng, gián tiếp dẫn tới việc Lê Quý Ly nắm được trọn vẹn quân đội trong tay, lực lượng phe bảo hoàng suy giảm nghiêm trọng. Quý Ly từng bước đạt tới đỉnh cao quyền lực cả mặt chính lẫn mặt binh, rồi thuận lý thành chương đoạt lấy quốc tộ. Âu cũng là “con đê ngàn dặm sụp vì tổ kiến”.
(Còn nữa)
Tô Như
Tags