(Thethaovanhoa.vn) - Sắp tới, bạn đọc sẽ có cơ hội được biết, hiểu thêm về một Hà Nội âm qua ngòi bút của cố nhà văn Băng Sơn.
- Thương tiếc nhà văn Băng Sơn: Phố phường còn đấy, người đâu tá?
- Ai yêu Hà Nội bằng Băng Sơn?
- Nhà văn Băng Sơn qua đời - Xong “Hà Nội dương” đến “Hà Nội âm”
- Nhà văn Băng Sơn: "Còn sống, còn viết về Hà Nội"
Ông Trần Phương Quang, con trai cố nhà văn đã khẳng định với Thể thao & Văn hóa (TTXVN) trong buổi giới thiệu 3 cuốn sách gồm: Thú lang thang người Hà Nội, Thú ăn chơi người Hà Nội (2 tập) mới được tái bản của nhà văn Băng Sơn vừa diễn ra chiều ngày 15/7.
Theo đó, ông Trần Phương Quang sẽ tập hợp những di cảo chưa từng công bố của nhà văn Băng Sơn để xuất bản thành sách với cái tựa: Băng Sơn -một đời thương nhớ.
Từ những trang viết trường tồn với thời gian...
3 cuốn Thú lang thang của người Hà Nội và Thú ăn chơi người Hà Nội (2 tập) được tái bản với thiết kế bìa “đậm chất Hà Nội”. Dù giữ nguyên gốc so với lần xuất bản đầu, nhưng 3 cuốn sách vẫn được công chúng quan tâm và đón nhận tích cực, cho thấy sức sống trường tồn của một Hà Nội qua những trang tản văn, tùy bút của một người đã gắn bó máu thịt với thủ đô.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến nhận xét: “Văn của ông Băng Sơn không giống ai, khác với những nhà văn như Tô Hoài, Vũ Bằng, Thạch Lam hay gần đây là Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà. Giọng điệu của Băng Sơn nhẹ nhõm, ngôn ngữ ông sử dụng thì bình dị và rất đời thường. Thi thoảng ông cũng làm chữ, cũng véo von nhưng đó chỉ coi như là những nét điểm xuyết chấm phá”.
“Về Hà Nội thì có viết mãi cũng không hết. Hà Nội là Thủ đô đã trải qua thời gian dài được bồi đắp, bên dưới lớp phù sa là lấp lánh nét văn hóa, là sự phong phú dày dặn của phong tục đời sống. Người trẻ vẫn sẽ tiếp tục viết về Hà Nội, nhưng những tùy bút, tản văn của Băng Sơn sẽ không bao giờ chết” - nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến nói thêm.
Đôi lần tiếp xúc với cố nhà văn Băng Sơn lúc sinh thời, ấn tượng của nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến về ông là ở sự “dễ thương”, hiền lành chất phác không phá cách, và cả sự tỉ mẩn, lọ mọ trong việc tìm kiếm chất liệu văn chương.
...đến "Băng Sơn - một đời thương nhớ"
Trong dòng hồi tưởng về cha mình khi chứng kiến 3 “đứa con” của cụ một lần nữa được đón nhận, ông Trần Phương Quang, con trai cố nhà văn Băng Sơn nhớ lại: “Hình ảnh đặc trưng nhất của cha tôi là mái tóc dài và chiếc xe đạp. Có lẽ vì ngày ngày nhẩn nha đạp xe nên từng ngõ ngách, từng gốc cây ông đều thuộc và nắm bắt được những gì tinh túy nhất. Tất cả ông dành hết cho Hà Nội, thu nạp chất liệu vào mình để rồi lúc nào đó đưa lại vào các trang văn”.
Đời sống văn chương của Băng Sơn, như ông Trần Phương Quang kể lại, gắn liền với chiếc máy đánh chữ. “Mỗi ngày ông sáng tác tùy theo cảm hứng. Có thể sáng, chiều hay đêm. Nhưng ông cụ đặc biệt nổi tiếng về thức đêm”.
Khi được hỏi còn điều gì cố nhà văn trăn trở trước lúc nhắm mắt xuôi tay, ông Quang thoáng buồn, nói rằng cụ đã không kịp hoàn thành tập tùy bút Có một Hà Nội âm.
Sinh thời, nhà văn Băng Sơn luôn luôn tin rằng có tồn tại một “Hà Nội âm”, nơi mà những danh sĩ, những nhà văn, nhà thơ, tướng lĩnh nổi tiếng vẫn còn đang sống. Người sống nghe được hiểu được điều đó thì ắt trưởng thành lên nhiều. Một “Hà Nội âm” như thế đã nuôi dưỡng nền tảng văn hóa trường tồn cho đất kinh kỳ.
Cuốn Hà Nội âmbị bỏ ngỏ, mới chỉ dừng lại ở 5 tùy bút. Và sắp tới, cùng với tất cả các di cảo khác chưa công bố, gia đình nhà văn Băng Sơn sẽ đưa vào tập Băng Sơn - một đời thương nhớ để giới thiệu đến độc giả.
Vài nét về nhà văn Băng Sơn Nhà văn Băng Sơn tên thật là Trần Quang Bốn, sinh ngày 18/12/ 1932, mất ngày 3/9/2010. Ông là tác giả của nhiều tập sách như Thú ăn chơi người Hà Nội, Nghìn năm còn lại, Nước Việt hồn tôi, Đường vào Hà Nội, Hà Nội 36 phố phường... Từng nhận được nhiều giải thưởng như: Giải Hội Nhà văn Việt Nam về thiếu nhi, giải viết về “Hà Nội nghìn năm” của báo Hà Nội Mới (2 lần), giải thưởng Văn học của Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội (2 lần), giải thưởng về Bút ký của Hội Nhà báo Việt Nam... Năm 2009, nhà văn Băng Sơn được đề cử Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội của Giải thưởng Bùi Xuân Phái do Báo Thể thao & Văn hóa tổ chức thường niên vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 nhân dịp sinh nhật cố họa sĩ Bùi Xuân Phái. |
Phạm Hà My
Thể thao & Văn hóa
Tags