(Thethaovanhoa.vn) - Trong suốt 7 tập Sống chung với mẹ chồng đã phát sóng, chỉ thấy hình ảnh một bà mẹ chồng xấu xí.
- Tập 7 'Sống chung với mẹ chồng' tối nay: Giả ốm níu con trai
- Tập 7 'Sống chung với mẹ chồng': Mẹ chồng rình rập cả thông gia
- ‘Sống chung với mẹ chồng’ kết thúc khác tiểu thuyết của Trung Quốc?
- Tập 6 'Sống chung với mẹ chồng' tối nay: Bi hài mẹ chồng khăng khăng con dâu... có bầu
Những tình tiết như mẹ chồng xộc thẳng vào phòng tân hôn gào lên với con dâu "ai cho cô cưỡi lên người con tôi?" đã trở thành tình tiết gây tranh cãi. Người thì nói làm gì có chuyện như thế, người thì nói thiếu gì bà mẹ chồng như vậy, thậm chí còn hơn. Còn rất nhiều tình huống khác gây nên những tranh cãi tương tự.
Đây chỉ là một trong những tình huống được đẩy quá lên, để tạo ra cảnh huống trớ trêu, hài hước, một thủ pháp rất bình thường đối với phim truyền hình. Tuy nhiên, với những gì diễn ra trong suốt 7 tập đã phát sóng, có thể thấy biên kịch và đạo diễn đã hơi “tham” khi khai thác quá nhiều tình huống tiêu cực, tìm mọi cách khai thác mặt xấu trong tính cách nhân vật mẹ chồng - bà Thục (NSND Lan Hương).
Có thể thấy ngay từ đầu đạo diễn đã cho khán giả thấy bà Thục không hề ưa cô con dâu mới, dẫn đến những đối xử về sau này của bà với con dâu không được dễ chịu cho lắm.
Đạo diễn đã cố gắng tạo ra những tình huống va chạm trong cuộc sống thường nhật và dàn diễn viên đã thể hiện rất tốt những xung đột đó. Tuy nhiên, dường như mọi thứ ở nhân vật bà mẹ chồng đều đã được đẩy đến mức quá đáng. Mỗi một tập, bà lại có một “trò” tai quái, và những tính xấu của bà như: hay cằn nhằn, soi mói, bắt bẻ con dâu, ích kỉ, chăm sóc con trai như một đứa trẻ… đã lấn át hết những ưu điểm của bà như: một lòng vì chồng con, sạch sẽ, ngăn nắp, thẳng thắn…
Đây là bộ phim về gia đình, nhưng mọi thứ căng như dây đàn từ tập đầu tiên. Suốt 7 tập, cô con dâu gần như không có nổi phút bình yên với bà mẹ chồng. Bà mẹ chồng được khắc họa như một bóng ma ám ảnh đời cô con dâu. Mọi thứ đều được đẩy quá lên, gần như gia đình này chưa có một bữa ăn nào thanh thản khi có bà Thục trong mâm cơm.
Xây dựng một nhân vật “phản diện” một cách quyết liệt như bà Thục, thì cần phải có lý giải, căn nguyên vì sao nhân vật lại có tính cách như vậy. Tuy nhiên, cái mà khán giả thấy cho đến thời điểm này chỉ có chút ít thông tin nhân vật anh con trai cung cấp: vì hồi bé mẹ khó khăn nên mẹ mới tiết kiệm như vậy; vì bà và mẹ đã từng xung đột trong quá khứ nên giờ mẹ không chịu gọi bà là mẹ chồng.
Tuy nhiên, việc khai thác mâu thuẫn giữa bà Thục (NSND Lan Hương) và mẹ chồng (NSƯT Ngọc Thoa) đã trở nên quá đà. Vì mâu thuẫn đó đã xảy ra từ hàng chục năm trước, nên thật không thuyết phục khi nay bà Thục về quê vẫn có thái độ lạnh lùng, ngúng nguẩy, thậm chí rất láo với mẹ chồng.
Việc bà Thục thù dai với mẹ chồng như vậy khiến cho hiện thực gia đình bà đã sống hạnh phúc bao năm nay trở nên vô lý. Khán giả sẽ đặt câu hỏi một người phụ nữ chỉ ở nhà nội trợ như bà Thục có những ưu điểm gì khiến đức ông chồng rất thành đạt của bà phải chấp nhận sống chung, nhất là khi bà lại ghét mẹ chồng một cách quyết liệt như vậy? Điều gì khiến ông chồng có thể chịu nổi thái độ ghét nhà chồng theo kiểu xúc đất đổ đi như bà đã làm?
Không chỉ ngăn cản chồng về thăm mẹ ở quê mà bà Thục còn muốn ngăn cả cả con trai về quê vợ lại mặt, theo cách thức rất vô lý: bà giả ốm để cố níu con trai ở nhà.
Một nhân vật như bà Thục được xây dựng là phụ nữ gia đình, rất nề nếp, lại vốn tính “sĩ diện”, thì theo logic phải hiểu việc “có qua có lại” với nhà thông gia. Khi bà muốn ngăn cản việc này, thì cần phải có lý do chính đáng cho thấy điều đó. Rất đáng tiếc là biên kịch chưa đưa ra được lý do để giải thích đó. Nhân vật bà Thục ở đây được xây dựng hành động rất bản năng, ích kỉ, gần như bất chấp các quy tắc xã hội.
Tuyến nhân vật tạo sự cân bằng, đối lập với “thế lực” mẹ chồng gồm có anh con trai, và ông chồng, gia đình Vân, cùng với cô bạn thân của Vân (Thu Quỳnh đóng) chưa đủ sức mạnh để tạo sự đối trọng, bởi tình huống trong phim hiện nay phần lớn dành đất để nhân vật mẹ chồng thể hiện.
Có những nhân vật luôn vô lý trong cách hành xử, từ đó tạo ra mâu thuẫn, động lực để đẩy câu chuyện đi xa hơn, đôi khi sự vô lý còn tạo nên tiếng cười. Nhưng trong Sống chung với mẹ chồng, nhân vật được khắc họa theo lối hiện thực, do đó, mức độ “vô lý” của nhân vật cần phải được kiểm soát, và phải có lý do thích hợp giải thích vì sao nhân vật lại có hành động vô lý như vậy.
Cho đến tập 7 Sống chung với mẹ chồng, có vẻ như đạo diễn và biên kịch đã quá tham và sa đà khi khắc họa hình tượng một bà mẹ chồng tác quái. Phim đang thiếu những tình huống trung gian, cho thấy cuộc sống thường nhật của các gia đình, để tạo sự cân bằng cho những xung đột. Vô hình trung lại tạo tác dụng ngược, khi tạo nên "làn sóng" nói xấu mẹ chồng, hay nhiều khán giả nữ nói họ sợ phải kết hôn khi xem phim này.
Tags