"Đến hiện tại, vai trò của AI là không phải bàn cãi. Tuy nhiên theo tôi, với sáng tạo nghệ thuật và thẩm bình tác phẩm hoặc tác giả văn chương thì vai trò của AI vẫn là khả năng để ngỏ…" - nhà phê bình Nguyễn Hòa chia sẻ góc nhìn thẳng thắn của mình về trí tuệ nhân tạo (AI) trong bài viết dành cho Thể thao và Văn hóa.
1. Thi thoảng đọc một bài "thơ", bài "thẩm bình" tác phẩm văn thơ do AI (trí tuệ nhân tạo) chế tạo,… thấy vui vui. Có thể đọc chưa nhiều, song theo tôi nhìn chung AI đề cập tác phẩm nào là tác phẩm đó được xếp vào hàng xuất sắc, đề cập tác giả nào là tác giả đó được xếp vào hàng tiếng tăm. Nghĩ cứ đà này chẳng mấy chốc khối tác giả làm thơ, hoặc thẩm bình văn chương sẽ "ế bàn phím"?
Và lại thấy có bài AI "viết" buồn cười, ngây ngô, "râu ông nọ cắm cằm bà kia". Đặc biệt, AI chỉ thẩm bình, giới thiệu,… tác phẩm, tác giả đã được số hóa đưa lên internet, còn tác phẩm, tác giả nào chưa được số hóa đưa lên internet thì AI bất lực, hoặc bình tán linh tinh. Tức là AI không thể tự thân vận động, phải dựa vào vai trò của con người.

Khả năng sáng tạo nghệ thuật của AI vẫn là một dấu hỏi. Ảnh minh họa
Nói cách khác nếu con người không cung cấp dữ liệu thì AI bó tay. Như chuyện vui kể rằng một cao thủ cờ tướng nhận lời thách đấu với một robot được giới thiệu "siêu đặc cấp quốc tế đại sư", và đấu ván nào cao thủ cờ tướng thua ván nấy, không có nổi một ván hòa. Cao thủ cờ tướng không ngờ robot tài ba đến vậy, đề nghị đấu ván cuối cùng. Đi nước đầu tiên, cao thủ cờ tướng nhấc Tướng lên nằm giữa ô có hai đường chéo. Robot bí, không biết sẽ đi tiếp ra sao. Hóa ra robot chưa được lập trình để có đáp án tối ưu sau khi đối thủ đi Tướng vào giữa hai đường chéo - một nước cờ đầu tiên rất oái oăm!
2. Đến hiện tại, vai trò của AI là không phải bàn cãi. Tuy nhiên theo tôi, với sáng tạo nghệ thuật và thẩm bình tác phẩm hoặc tác giả văn chương thì vai trò của AI vẫn là khả năng để ngỏ. Bởi, sáng tạo văn chương, thẩm bình tác phẩm hoặc tác giả luôn liên hệ mật thiết với hệ thống yếu tố đã được cá tính hóa (như cảm xúc, tài năng, tri thức, vốn văn hóa, bản sắc văn hóa, vốn sống, đức tin, ký ức, trải nghiệm, ý tưởng sáng tạo, quan hệ thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ, giới tính, tuổi tác, tri thức, hoàn cảnh sống, sở thích, thói quen…). Điều này lý giải tại sao từ cổ chí kim, ở phương Đông hay phương Tây, tác phẩm vẫn luôn khác nhau, không lặp lại, có tác phẩm sống mãi với thời gian, có tác phẩm được hâm mộ một thời, có tác phẩm dần dà vắng bóng. Tương tự, tác giả cũng luôn khác nhau, không có hai tác giả giống hệt nhau, người nổi tiếng muôn đời, người nổi tiếng một thời, người dần dà bị quên lãng.

Đây là bức tranh minh họa được AI vẽ theo yêu cầu của TT&VH để minh họa cho 4 câu thơ được dẫn trong bài viết: “Đất dưới chân con thơm như mật - Mây trên đầu con thơm như hoa - Mẹ bước tới giữa hai triền cỏ biếc - Dắt con đi theo lối chân trời” (thơ Nguyễn Quang Thiều). Mời quý độc giả đánh giá tài năng mỹ thuật của AI
Vì thế tôi coi hệ thống yếu tố đã cá tính hóa gắn liền với mỗi nghệ sĩ là trái tim của hoạt động sáng tạo, từ góc độ này có thể nói AI là "thế giới không có trái tim" (vay mượn từ điều K. Marx viết rằng tôn giáo là "trái tim của thế giới không có trái tim"). Bởi, chí ít thì AI không có cảm xúc, vốn sống, đức tin, ký ức, trải nghiệm; không tuổi tác, giới tính, hoàn cảnh sống, sở thích, thói quen, thị hiếu; càng không có quê hương, không biết hạnh phúc và bất hạnh, niềm vui và nỗi buồn…
Vào internet, tôi xem cái gọi là "Trình tạo thơ AI" với quảng cáo "Khơi dậy nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ hay đánh thức những cảm xúc sâu thẳm trong tâm hồn? Trình tạo thơ của Magic Write™, được phát triển bởi OpenAI và vận hành bởi chính bạn, sẽ giúp bạn làm được điều đó. Hãy thỏa sức sáng tạo với những từ ngữ và giai điệu độc đáo, mang đến những bài thơ đầy cảm xúc, chỉ trong tích tắc!". Nhưng tôi chỉ thấy các văn bản vô cảm, lắp ghép ngôn từ có xuống dòng tạo dáng vẻ du dương. Tỷ như nhập ý tưởng "Hãy sáng tác một bài thơ thật hay về mùa Hè" có ngay sản phẩm là bài "thơ": "Nắng vàng rực rỡ, trải dài trên đồng - Mùa Hè về rồi, gió mát đưa hương - Bầu trời xanh biết, mây trắng bay lồng - Tiếng ve ngân nga, gọi nắng sớm ban mai…". Đọc "mùa Hè về rồi, gió mát đưa hương", "trời xanh biết", "mây trắng bay lồng" chỉ thấy buồn cười!
Theo tôi, có thể coi hình ảnh Mẹ là thí dụ điển hình xác định sự khác nhau giữa nhà thơ có trái tim và AI là "thế giới không có trái tim". Đã có vô vàn bài thơ về Mẹ, không bài nào giống bài nào, vì Mẹ của mỗi nhà thơ khác nhau nên cảm xúc về Mẹ cũng khác nhau, như: "Hoa gạo đỏ bên sông, làng mở hội - Ngỡ mẹ về trong sớm xuân nay - Mẹ cùng con đi giữa muôn người - Áo son thắm, miệng trầu thơm ngát" (Xuân Quỳnh); "Chưa bán được một đồng - Mẹ già lại quẩy gánh hàng rong - Bước cao thấp trên bờ tre hun hút - Có con cò trắng bay vùn vụt - Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu? - Mẹ ta lòng đói dạ sầu - Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ" (Hoàng Cầm); "Yêu cái cầu treo lối sang bà ngoại - Như võng trên sông ru người qua lại, - Dưới cầu nhiều thuyền chở đá chở vôi - Thuyền buồm đi ngược, thuyền thoi đi xuôi - Yêu hơn, cả cái cầu ao mẹ thường đãi đỗ" (Phạm Tiến Duật); "Đất dưới chân con thơm như mật - Mây trên đầu con thơm như hoa - Mẹ bước tới giữa hai triền cỏ biếc - Dắt con đi theo lối chân trời" (Nguyễn Quang Thiều); "Hạnh phúc ư, là lòng ta đầy mẹ - trong cuộc đời vốn dĩ đã héo, tươi - Hạnh phúc ư, là sau bao dâu bể - giữa quê nhà con cất tiếng Mẹ ơi!" (Nguyễn Hữu Quý); "Mẹ là người đầu tiên - Người đàn bà mãi mãi - Không bao giờ phản bội - Ngay cả khi con ngu dại một đời" (Hồng Thanh Quang)…
Cảm xúc về Mẹ, đó là điều AI không có và AI cũng không cần. Thế nên dù AI tiếp tục phát triển, tiếp tục đóng góp vào sự phát triển nhân loại thì với sáng tạo nghệ thuật, AI vẫn là "thế giới không có trái tim", sản phẩm AI chế tạo "hay" thế nào vẫn là sản phẩm thuần túy kỹ thuật, không sáng tạo từ trái tim của con người với vô vàn biến số sinh động, tinh tế,… trong sự kết hợp đa dạng, chặt chẽ giữa nội dung và hình thức nghệ thuật.
"Dù AI tiếp tục phát triển, tiếp tục đóng góp vào sự phát triển nhân loại thì với sáng tạo nghệ thuật, AI vẫn là "thế giới không có trái tim" - nhà phê bình Nguyễn Hòa.
Tags