(Thethaovanhoa.vn) - Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành hướng dẫn các cơ sở giáo dục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đưa hoạt động giáo dục dần trở lại trạng thái bình thường mới.
Đó là nội dung Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ đầu năm học 2021 - 2022.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới bảo đảm chất lượng giáo dục, hoàn thành kế hoạch nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 trong điều kiện dịch COVID-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, các bộ và cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện nhiệm vụ sau:
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các địa phương thực hiện kế hoạch năm học 2021 - 2022 một cách chủ động, linh hoạt phù hợp với tình hình diễn biến dịch COVID-19 bảo đảm việc bổ sung kiến thức cho học sinh trong ngắn hạn cũng như trong các năm học tiếp theo. Bên cạnh đó, rà soát các quy định bảo đảm an toàn trường học, trong đó có tính đến tỷ lệ tiêm bao phủ vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên, giáo viên và học sinh từ 12 đến dưới 18 tuổi.
Trên cơ sở đó, sớm ban hành hướng dẫn các cơ sở giáo dục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đưa hoạt động giáo dục dần trở lại trạng thái bình thường mới; chỉ đạo các địa phương, các cơ sở giáo dục cần lưu ý bảo đảm an toàn, sức khỏe cho học sinh trong điều kiện học trực tuyến.
Giáo dục và Đào tạo xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo với tinh thần kế thừa kết quả cũng như kinh nghiệm của những năm học trước đặc biệt là của năm học 2020 - 2021 vừa qua; tiếp tục thực hiện lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; tổ chức thẩm định, phê duyệt và đưa sách giáo khoa vào sử dụng theo hình thức cuốn chiếu bảo đảm chất lượng, hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nắm bắt nhu cầu, đặt hàng trực tuyến để vận chuyển, đưa sách đến tận tay học sinh.
Có chương trình cụ thể đổi mới trang bị đồ dùng, thiết bị dạy học
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo có chương trình, kế hoạch cụ thể đổi mới công tác trang bị đồ dùng, thiết bị dạy học trong nhà trường trên tinh thần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, thay thế một số đồ dùng, thiết bị dạy học bằng các công cụ công nghệ thông tin; tiếp tục rà soát Chương trình củng cố, kiên cố hóa trường lớp học nhất là ở vùng sâu, vùng xa, trong đó trường học phải được phủ sóng viễn thông, kết nối Internet đáp ứng yêu cầu dạy và học trong điều kiện dịch bệnh.
Đồng thời tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó quan tâm, chăm sóc giáo dục trẻ em, học sinh toàn diện từ phẩm chất, năng lực, kiến thức, kỹ năng đến tâm lý lứa tuổi học đường nhất là trong và sau mùa dịch; bám sát các nội dung, nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương để tổ chức thực hiện hiệu quả; sơ kết, tổng kết những nhiệm vụ đã được thực hiện trong một thời gian dài và có kết quả; kiến nghị những nội dung cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới...
Tích cực vận động các nhà tài trợ sớm có máy tính cho học sinh
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục hỗ trợ cước viễn thông, Internet cho học sinh gặp khó khăn ở các vùng dịch phải học trực tuyến. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh thực hiện phủ sóng viễn thông, Internet trong Chương trình “sóng và máy tính cho em” kể cả ở những vùng không có dịch vì học trực tuyến và học trên truyền hình vẫn là phương thức bổ trợ kiến thức lâu dài cho học sinh.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tích cực vận động các nhà tài trợ sớm có được máy tính cho học sinh để học trực tuyến theo đúng đối tượng của Chương trình; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, các doanh nghiệp phát triển phần mềm ứng dụng phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm phát triển các nền tảng dạy, học trực tuyến bảo đảm an toàn thông tin cho học sinh.
Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn đăng ký và chỉ đạo tổ chức tiêm vaccine cho học sinh trong độ tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi. Đồng thời có hướng dẫn biện pháp bảo vệ đối với học sinh chưa được tiêm vaccine trong điều kiện bình thường mới; tiếp tục nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế trong và ngoài nước, kinh nghiệm quốc tế để có hướng dẫn tiêm vaccine cho trẻ em, học sinh trong độ tuổi từ 3 đến dưới 12 tuổi.
- Hà Nội: Các trường học tiếp tục chuẩn bị để sẵn sàng đón học sinh khi điều kiện cho phép
- Mới có hơn 50% trường học toàn cầu mở lại lớp học trực tiếp
Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo rà soát lại hệ thống y tế trường học bảo đảm cho học sinh trong trường đều có đầu mối y tế cụ thể để theo dõi sức khỏe theo đúng tinh thần đến trường thì phải an toàn, trong trường là môi trường an toàn.
Bảo đảm cơ sở vật chất, trường, lớp sẵn sàng cho học sinh đi học trở lại
Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, bảo đảm cơ sở vật chất, trường, lớp sẵn sàng cho học sinh đi học trở lại, nhất là những trường học được trưng dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua; quan tâm bổ sung, củng cố hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ học tập của học sinh, trong đó có việc dạy và học trực tuyến; thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn, sức khỏe cho học sinh trong điều kiện học trực tuyến.
Đồng thời, triển khai ngay việc lập danh sách đăng ký tiêm vaccine cho học sinh trong độ tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế để sẵn sàng tổ chức tiêm khi có vaccine, bảo đảm an toàn, nhanh chóng, kịp thời; rà soát lại hệ thống y tế trường học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế bảo đảm học sinh được theo dõi sức khỏe thường xuyên, đầy đủ.
TTXVN
Tags