Chuyên gia Vũ Tiến Thành vừa được mời về làm HLV cho đội TP.HCM sau những thất bại liên tiếp khiến đội bóng rất mạnh về tài chính này rơi xuống tận cùng bảng xếp hạng. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu ông Thành chỉ từng trực tiếp cầm sa bàn duy nhất 1 mùa giải trong 20 năm qua.
1. Nếu không tính mùa giải 2020, khi ông Vũ Tiến Thành bất đắc dĩ phải vừa làm HLV kiêm Chủ tịch CLB, thì lần cuối mà ông làm công tác huấn luyện tại CLB bóng đá chuyên nghiệp là ở đội Bưu điện TP.HCM thi đấu hạng Nhất, tận những năm 2002.
Cũng từ vị trí này, ông được mời làm trợ lý kiêm thông dịch viên cho HLV Calisto tại đội tuyển Việt Nam. Sau đó, ông là Giám đốc điều hành CLB Ngân Hàng Đông Á vướng vào vụ tiêu cực trọng năm 2005 và không còn làm bóng đá cho đến tận 2020.
Cứ cho là ông Vũ Tiến Thành có bẩm sinh về huấn luyện nên mới có chuyện bỏ nghề hơn chục năm nhưng cầm quân mấy tháng lại giúp Sài Gòn FC chơi thăng hoa để về hạng 3 mùa 2020. Chỉ có điều, toàn bộ sự nghiệp của ông Thành đâu liên quan gì đến việc cầm sa bàn, vậy thì dựa trên cơ sở nào để những ông chủ “ẩn mặt” tại CLB TP.HCM tín nhiệm phó thác sinh mệnh đội bóng cho ông Thành mà không phải một ai giàu kinh nghiệm khác?
Không thể lấy mùa giải thành công của ông Thành tại Sài Gòn FC năm 2020 để đánh giá, bởi khi ông Thành làm việc là ở thời điểm đầu giải, hơn nữa Sài Gòn FC khi đó có nền tảng con người tốt, thành tích các mùa trước đó đều ổn định.
Trong khi đó, CLB TP.HCM kể từ khi thăng hạng năm 2014 đến nay đã thay đến 8 HLV khác nhau, chưa kể những lần Chủ tịch CLB Nguyễn Hữu Thắng phải kiêm nhiệm. Một đội bóng thiếu ổn định như vậy thì tại sao lại thực hiện “canh bạc” với ông Vũ Tiến Thành, người đang làm Chủ tịch của CLB hạng Nhất Phố Hiến?!
2. Câu chuyện của ông Vũ Tiến Thành mở ra một vấn đề khác: Bóng đá Việt Nam liệu có gặp cuộc khủng hoảng về HLV hay không?
Giải pháp mà CLB TP.HCM thực hiện gây khá nhiều bất ngờ. Ông Thành vốn không phải là HLV, mà còn là người từng là đối thủ của CLB TP.HCM khi còn làm việc ở Sài Gòn FC. Nếu nói ông Thành là “người con” thành phố nên sẽ làm tốt hơn thì cũng chẳng đúng, vì suốt chiều dài lịch sử ngắn ngủi của đội bóng này, xu hướng là dùng người nơi khác.
“Người con” thành phố duy nhất làm huấn luyện là Trần Minh Chiến thì lại ra đi không kèn không trống ở đầu mùa này. Phải chăng, việc mời ông Thành chỉ là kiểu “nhắm mắt làm bừa” hoặc có thể là vì ông Thành có một năng lực nào đó giúp CLB TP.HCM trụ hạng?
Có thể CLB TP.HCM “học” theo cách của Sài Gòn FC, chỉ cần mời Lê Huỳnh Đức về ngồi ghế GĐKT là mọi thứ có thể xoay chuyển.
Ở một góc nhìn khác, phải chăng việc làm HLV tại Việt Nam chỉ là một kiểu “giải pháp ngắn hạn”, đại loại như ai làm cũng được. HLV Trần Minh Chiến làm không tệ, nhưng vẫn bị thay. Tưởng thế nào, lại mời Trương Việt Hoàng vừa mất việc ở Viettel, rồi lại phải thay.
Đội bóng này đã sở hữu 3 HLV từng là HLV đội tuyển quốc gia Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan nhưng chẳng ai được đánh giá là thành công khi làm việc tại đây cả. Thế nên chẳng lạ khi họ chọn ông Vũ Tiến Thành.
Sự bế tắc của CLB TP.HCM cũng là một ví dụ của cả nền bóng đá. Chúng ta không thiếu HLV, đương nhiên, nhưng những nhà cầm quân người Việt hầu như không có ai nổi bật về những sáng tạo trong chỉ đạo thi đấu, dù đa số họ đều có sự nghiệp lẫy lừng khi còn chơi bóng.
Không nói đâu xa, ở các đội tuyển hiện nay, đang vắng bóng những nhà cầm quân có tiếng tăm. Đội tuyển U20 do ông Đinh Thế Nam dẫn dắt bị chỉ trích không ít nhưng VFF không có ai khác để thay. Đội U17 hiện do ông Nguyễn Quốc Tuấn, một cựu thủ môn ít tên tuổi của HA.GL, làm HLV trưởng.
Trong khi đó, trong thành phần ban huấn luyện của U23 và đội tuyển quốc gia thì tràn ngập những người Hàn Quốc, không có cái tên người Việt nào đáng chú ý. Một trong những người “ăn cơm tuyển” nhiều nhất là cựu danh thủ Lư Đình Tuấn thì bao nhiêu năm làm trợ lý cho các chuyên gia nước ngoài vẫn không tạo ra được dấu ấn nào khi về làm HLV cấp CLB.
Nói tóm lại, bóng đá Việt Nam đang có cuộc khủng khoảng về HLV nội. Chúng ta không thiếu người, chỉ có điều rất khó để tìm ra ai được xem là tài năng cầm quân cả.
3. Những dấu ấn lớn nhất của bóng đá Việt Nam đều đến từ các HLV ngoại, trong đó, HLV Park Hang Seo gần như thay đổi mọi thứ với 5 năm làm việc tại Việt Nam. Chúng ta đã từng có giai đoạn nói “không” với chuyên gia ngoại để tạo cơ hội cho các HLV trong nước, nhưng đó là một chọn lựa thất bại dù các cái tên được gửi gắm đều được kỳ vọng không ít.
Tuy nhiên, sau lần đó, vẫn chẳng có ai đặt ra câu hỏi: Đâu là những giới hạn của các HLV trong nước? Hoặc chúng ta còn cần HLV ngoại đến bao giờ?
Thời ông Vũ Tiến Thành, cũng như trước đó là “đàn anh” ông Dương Vũ Lâm, bóng đá Việt Nam có liên kết với một số tổ chức quốc tế để đưa các HLV Việt Nam ra nước ngoài học tập. Thế hệ này rất “cứng” về công tác quản lý, am hiểu về chuyên môn nên khi cần họ vẫn có cầm sa bàn chỉ đạo mà không bỡ ngỡ gì.
Không biết vì sao mà càng về sau, không thấy HLV Việt Nam nào chịu khó ra nước ngoài tu nghiệp như cách mà ông Hoàng Anh Tuấn đã làm để lấy bằng Pro tại châu Âu. Bằng cấp quốc tế của HLV Việt Nam hiện nay chủ yếu đến từ các khóa học theo kiểu “thi chứng chỉ” chứ không phải là nghiên cứu sâu về chuyên môn cũng như tiếp cận các hệ thống chiến thuật mới của thế giới.
Xét về trình độ, dường như các HLV đều sàn sàn như nhau, thiếu đi những “thương hiệu” kiểu như cố HLV Lê Thụy Hải hay cựu HLV đội tuyển Phan Thanh Hùng, chuyên phục vụ tham vọng lớn với những cách làm có dấu ấn riêng.
Có lẽ cũng vì vậy nên mới có chuyện CLB TP.HCM mời một người như ông Trương Việt Hoàng, từng giúp Hải Phòng tranh đua vô địch, đưa Viettel lên ngôi V-League, về để “chữa cháy” khi nguy cấp.
Trong góc nhìn của các “ông chủ”, phải chăng HLV nội nào cũng như nhau mà thôi? Rồi bản thân của những nhà chuyên môn người Việt, cũng không đủ tự tin để đưa ra một lời từ chối để chờ đợi một cơ hội làm việc xứng tầm hơn.
Quang Việt
Tags