Số hóa di sản để bảo tồn, phát huy giá trị bền vững

Chủ nhật, 20/04/2025 11:37 GMT+7

Google News

Vĩnh Phúc là địa phương có nhiều di tích lịch sử cùng kho tàng di sản văn hóa đặc sắc. Tỉnh đang tích cực ứng dụng công nghệ hiện đại để vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản, vừa quảng bá, khai thác để phát triển du lịch, đem đến những trải nghiệm mới cho du khách.

Dễ tiếp cận nhờ công nghệ

Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc là công trình kiến trúc, văn hóa đặc sắc của tỉnh, thờ các bậc tiên thánh, tiên nho và danh nhân khoa bảng của tỉnh từ thời Lý đến thời Nguyễn. Để tăng hiệu quả quảng bá du lịch cũng như bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với đơn vị cung ứng dịch vụ, quản lý phần mềm ứng dụng thông minh “63 Stravel”, đăng tải các nội dung thuyết minh, giới thiệu về cảnh quan kiến trúc, giá trị văn hóa của công trình Văn Miếu tỉnh và các hình ảnh tích hợp về không gian Văn Miếu lên nền tảng ứng dụng.

Số hóa di sản để bảo tồn, phát huy giá trị bền vững - Ảnh 1.

Du khách quét mã QR để tìm hiểu về di tích Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc

Du khách có thể sử dụng thiết bị thông minh truy cập vào ứng dụng, hoặc quét mã QR tại chỗ để nghe thuyết minh tự động giới thiệu về Văn Miếu tỉnh bằng 4 thứ tiếng: Việt Nam, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản kèm theo hình ảnh minh họa trực quan, sinh động.

Hào hứng tham quan, trải nghiệm tại Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc, chị Nguyễn Thị Vân Anh, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: "Chỉ với thao tác đơn giản mở điện thoại, truy cập mã QR, tôi có thể tra cứu và tìm hiểu thêm nhiều thông tin chi tiết, hữu ích về khu Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc, nghe các bài thuyết minh về di tích trên màn hình điện thoại, rất thuận tiện và phù hợp với du khách trong quá trình tham quan".

Hiện, Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc có 23 mã QR, trong đó có 5 mã QR thuyết minh, giới thiệu về ý nghĩa, giá trị văn hóa, không gian cảnh quan, kiến trúc Văn Miếu và giới thiệu về truyền thống khoa bảng, truyền thống hiếu học của dân tộc. 18 mã QR còn lại được tích hợp thông tin giới thiệu chi tiết về lý lịch, thân thế, sự nghiệp của các tiến sĩ được khắc tên trên bia tại Văn Miếu tỉnh.

Khởi động Tháng Thanh niên 2025, Huyện Đoàn Bình Xuyên đã lựa chọn Nghĩa trang liệt sĩ Trần Hưng Đạo là địa điểm thứ 14 đặt mã QR. Bí thư Huyện Đoàn Bình Xuyên Lê Hồng Quân chia sẻ, việc đặt mã QR tại Nghĩa trang liệt sĩ Trần Hưng Đạo sẽ cung cấp đầy đủ thông tin hình ảnh, video, câu chuyện về các liệt sĩ và thông tin về chiến dịch Trần Hưng Đạo đến người dân, du khách cũng như đoàn viên, thanh niên, giúp giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ.

Để di sản thành điểm đến hấp dẫn

Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có hơn 1.300 di tích lịch sử văn hóa; trong đó, 68 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt, 420 di tích cấp tỉnh; 571 di sản văn hóa phi vật thể, với 7 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 100 công trình số hóa di tích lịch sử đã được gắn mã QR, giúp người dân và du khách dễ dàng tra cứu thông tin, hình ảnh về di tích, địa danh lịch sử, địa điểm du lịch một cách nhanh chóng, đầy đủ và sinh động.

Để các di sản văn hóa trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống và điểm đến hấp dẫn của khách du lịch, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch về việc số hóa và ứng dụng trên nền tảng số hồ sơ khoa học, tư liệu di sản văn hóa Vĩnh Phúc, giai đoạn 2022 - 2030. Tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2030, thực hiện số hóa 100% dữ liệu hồ sơ khoa học, tư liệu các di tích cấp tỉnh; 100% di sản tư liệu, hiện vật, nhóm hiện vật, cổ vật quý hiếm, có giá trị tiêu biểu đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh; 100% dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục kiểm kê, có giá trị đặc sắc hoặc có nguy cơ mai một.

Tỉnh tăng cường đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin, thực hiện số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa và tư liệu, các hiện vật, nhóm hiện vật, cổ vật quý hiếm, có giá trị tiêu biểu tại Bảo tàng tỉnh; xây dựng và hoàn thiện phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu, Cổng thông tin về di sản văn hóa Vĩnh Phúc. Các địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số cho các cán bộ làm công tác chuyên môn trong lĩnh vực di sản văn hóa.

Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều đề án, chương trình hành động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; thực hiện tu bổ, chống xuống cấp các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh đã được xếp hạng; xây dựng Đề án Phiên âm, dịch nghĩa, bảo quản và phát huy nguồn tư liệu Hán - Nôm tại Thư viện tỉnh.

TTXVN

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›