(Thethaovanhoa.vn) – Các nhà khoa học đã đưa ra những lý giải khác nhau về cú sút hình quả chuối của Roberto Carlos vào lưới Fabien Barthez và nhiều người cho rằng việc tái hiện cú sút này là bất khả thi.
Vào ngày 03/06/1997, Roberto Carlos đã khiến cả thế giới kinh ngạc với pha đá phạt kỳ dị. Đó cũng có thể coi là bàn thắng đẹp nhất trong sự nghiệp của danh thủ người Brazil này. Cú sút hình quả chuối của Roberto Carlos vào lúc đó đã làm làng túc cầu chấn động, giúp Brazil vươn lên dẫn trước ở trận hoà 1-1 với Pháp tại Cúp Tứ hùng 1997.
Ở khoảng cách 35m, Roberto Carlos thực hiện quả đá phạt của mình, khiến trái bóng đi với quỹ đạo không tưởng. Ban đầu, người ta nghĩ rằng trái bóng sẽ đi ra ngoài. Tuy nhiên quả bóng đã bất ngờ lượn vào phía trong và bay vào lưới.
“Thành thật mà nói, cho tới ngày hôm nay, tôi không biết mình đã thực hiện được quả đá phạt đó như thế nào. Đó là một bàn thắng tuyệt đẹp. Tôi đã tập luyện đá phạt rất chăm chỉ trong suốt sự nghiệp của mình. Công sức của tôi đã được đền đáp khi tôi ghi được bàn thắng ngoạn mục như vậy. Đó là khoảnh khắc đặc biệt với tôi”, Roberto Carlos phát biểu.
Các nhà khoa học đã mất nhiều thời gian để lý giải cú sút phạt hình quả chuối của Roberto Carlos. Kết luận của họ về quả đá phạt của Roberto Carlos cũng là khác nhau. Một trong những nghiên cứu nổi tiếng về quả đá phạt này thuộc về các nhà khoa học người Pháp, Guillaume Dupeux, Anne Le Goff, David Quere và Christophe Clanet công bố vào năm 2010.
Họ tiến hành thí nghiệm lấy một khẩu súng lục nhỏ và bắn vào trong nước, khi ấy tốc độ của viên đạn là hơn 100 km/giờ - gần với tốc độ cú “nã đại bác” của Carlos – và thấy rằng viên đạn cũng xoắn tròn và dần dần di chuyển vòng cung.
“Tôi nghĩ để tác động đến quỹ đạo của trái bóng tốt nhất là khi nó đang di chuyển chậm, hoặc là đứng yên như trong trường hợp của Carlos”, Quere nói. “Khi ấy quỹ đạo của trái bóng sẽ có xu hướng đi theo xoắn ốc dễ hơn. Khi Michel Platini hay David Beckham thực hiện đá phạt từ cự ly 20 mét, trái bóng cũng đi theo hình cung. Nhưng tất cả đều không giống với bàn thắng của Roberto Carlos. Quỹ đạo của anh ấy khác rất nhiều bởi ảnh hưởng của lực sút cũng như khoảng cách điểm đá phạt. Các cầu thủ khác cũng có thể lập lại điều này, với điều kiện trái bóng được sút đủ mạnh và ở cự ly khoảng 40 mét”.
Mặc dù vậy, một nhà khoa học Brazil cho rằng việc thực hiện cú sút quả chuối tương tự là bất khả thi. Luis Fernando Fontanari, giáo sư đến từ Viện vật lý Sao Roberto Carlos phát biểu: “Mặc dù vật lý đã giải thích hoàn hảo quỹ đạo của quả bóng, tuy nhiên để thực hiện được cú sút như vậy còn cần tới yếu tố như lực sút, điểm tiếp xúc của Roberto Carlos lên trái bóng và khoảng cách với khung thành. Do vậy, rất khó để tái hiện được cú sút như vậy. Vì thế, chúng ta có thể gọi nó là phép màu”.
Fontari là một trong những biên tập viên của hai tạp chí khoa học hàng đầu thế giới, “Physics of Life Reviews” và “Theory in Biosciences”. Ông nói thêm rằng nếu trái bóng không dừng lại khi chạm lưới, nó sẽ tiếp tục bay trong không trung và vẽ ra một quỹ đạo xoắn ốc đáng kinh ngạc.
“Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy quả đá phạt nào như vậy nữa”, Fontari nói thêm.
Erez Garty, nhà khoa học người Israel, cũng đưa ra lý giải của mình về cú sút của Roberto Carlos bằng cách vận dụng định luật 1 về chuyển động của Newton. “Khi Carlos sút bóng, anh ta đã tạo cho nó hướng di chuyển và vận tốc. Nhưng lực nào khiến quả bóng ngoặt đi và tạo ra một trong những bàn thắng đẹp nhất lịch sử bóng đá? Câu trả lời là lực xoáy. Carlos đá vào góc phải bên dưới của quả bóng, đồng thời làm nó bay lên cao về bên phải, trong khi quả bóng cũng quay quanh trục của nó. Quả bóng bắt đầu bằng việc bay theo quỹ đạo giống như đường thẳng. Tuy nhiên luồng không khí ở 2 phía làm nó chậm lại. Một bên luồng không khí chạy ngược chiều với vòng xoáy của quả bóng, làm tăng áp lực. Nhưng ở bên kia, luông không khí chạy cùng chiều với vòng xoáy, tạo ra áp lực thấp hơn. Sự chênh lệch đó khiến quả bóng lượn về phía áp lực thấp hơn. Hiện tượng này gọi là hiệu ứng Magnus, nó được Newton chứng minh sau khi ông để ý khi chơi tennis vào năm 1670. Hiệu ứng này cũng xảy ra với golf, đĩa nhựa hoặc bóng chày”.
VIDEO: Cú sút hình quả chuối của Roberto Carlos
“Câu hỏi là, trên lý thuyết, bạn có thể sút bóng đủ mạnh để khiến nó vòng lại ngay chỗ bạn không? Thật không may, điều đó là không thể. Ngay cả khi quả bóng không bị ảnh hưởng, không bị ngăn cản thì không khí làm giảm tốc độ của quả bóng, góc chệch sẽ tăng lên, khiến quả bóng đi theo vòng tròn nhỏ hơn và nhỏ hơn cho đến khi nó dừng hẳn. Và để làm được điều đó, bạn phải đá bóng nhanh hơn 15 lần so với cú sút huyền thoại của Roberto Carlos”.
Sơn Tùng
Tags