Sau 15 ngày xét xử và nghị án, sáng 24/3, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phạt Nguyễn Thị Hà Thành (sinh năm 1984, trú tại phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng) cùng 25 bị cáo khác bị Viện Kiểm sát nhân dân thành phố truy tố về các tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng", “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".
Bản án sơ thẩm nhận định, các bị cáo trong vụ án đã lợi dụng các sơ hở trong quy định về thẩm định tài sản, không thẩm định hồ sơ chặt chẽ… để vi phạm các quy định về cho vay, chiếm đoạt hơn 430 tỷ đồng của 3 ngân hàng gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Á (VietABank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Dân (NCB).
Theo đó, nhóm 7 bị cáo bị kết án về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" gồm: Nguyễn Thị Hà Thành bị tuyên phạt tù chung thân, Nguyễn Thanh Tùng (Giám đốc Công ty Jeongho Landmark) và Nguyễn Thị Thu Hương (nhân viên VietABank) cùng bị phạt 18 năm tù, Quản Trọng Đức (Giám đốc Chi nhánh VietABank) 17 năm tù, Nguyễn Mai Phương (kiểm soát viên Phòng Giao dịch Đông Đô VietABank) 14 năm tù, Trịnh Trung Kiên (Giám đốc Công ty xây dựng) 5 năm 6 tháng tù, Nguyễn Thanh Bình (kế toán Công ty xây dựng) 6 năm tù.
Đặng Thị Quỳnh Hương (Trưởng Phòng Khách hàng cá nhân, Phòng Giao dịch Đông Đô, VietABank) bị phạt 7 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và 10 năm tù về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng", tổng hợp hình phạt chung là 17 năm tù.
Nguyễn Hồng Trung (nhân viên NCB) bị phạt 5 năm tù về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng" và 1 năm tù về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, tổng hợp hình phạt chung là 6 năm tù.
11 bị cáo bị kết án về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng" gồm: Đỗ Minh Đức (kiểm soát viên VietABank) bị phạt 6 năm tù; Bùi Văn Tuấn (cán bộ PVcomBank) và Trần Thị Hoa (Giám đốc NCB chi nhánh Hà Nội) cùng bị phạt 5 năm tù. Các bị cáo: Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trịnh Phương Ngân (đều là giao dịch viên VietABank) cùng bị phạt 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Các bị cáo: Đặng Thị Thu Hòa (nhân viên NCB), Phạm Thu Hiền, Lê Thị Hiên (đều là giao dịch viên VietABank); Đỗ Thị Liên và Bùi Thị Na (đều là thủ quỹ VietABank) cùng bị phạt 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Phạm Thị Ngọc Lan (đều là nhân viên NCB) 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
6 bị cáo bị kết án về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" gồm: Triệu Đình Hoan (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hải Linh) 30 tháng tù; Nguyễn Thị Là và Triệu Thị Hạnh (đều là nhân viên Công ty Hải Linh) cùng bị phạt 18 tháng tù; Phạm Thế Tuấn (giao dịch viên NCB) 1 năm tù, cộng với mức án 7 năm 6 tháng tù của một bản án trước, tổng hợp hình phạt chung là 8 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thị Hồng Hạnh 12 tháng cải tạo không giam giữ và Nguyễn Giang Hòa 15 tháng tù treo.
Hội đồng xét xử nhận định, hành vi phạm tội của các bị cáo đã xâm phạm vào trật tự quản lý kinh tế, xâm phạm trật tự xã hội, vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, xâm phạm lợi ích của tổ chức và công dân… Trong số các bị cáo, bị cáo Hà Thành đóng vai trò chủ mưu, bị cáo Tùng tham gia giúp sức tích cực cùng các bị cáo khác thực hiện hành vi vi phạm, chiếm đoạt tiền của ngân hàng với số tiền đặc biệt lớn.
Tòa đã xét bị cáo Hà Thành nhân thân chưa tiền án tiền sự, khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình giải quyết vụ án… Tuy nhiên, do bị cáo Thành phạm tội nhiều lần, số tiền bị cáo chiếm đoạt là đặc biệt lớn nên Hội đồng xét xử quyết định cách ly bị cáo Thành ra khỏi xã hội không thời hạn.
Hai bị cáo: Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Thị Thu Hương bị xác định là đồng phạm giúp sức tích cực cho bị cáo Thành, có vai trò đứng sau Thành trong việc lừa đảo chiếm đoạt tiền của các ngân hàng. Bị cáo Hương phạm tội trong thời gian mang thai, bị cáo Tùng phạm tội nhiều lần. Hai bị cáo có thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, chưa tiền án tiền sự, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra… nên được xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.
Các bị cáo còn lại giữ vai trò giúp sức thực hiện hành vi phạm tội.
Bản án sơ thẩm nêu, do có nhu cầu cần tiền để chi tiêu cá nhân, Nguyễn Thị Hà Thành và Tùng đã bàn nhau sử dụng các pháp nhân gồm Công ty Jeongho Landmark, Công ty MHD và Công ty Eurocell để thực hiện vay tiền tại các ngân hàng.
Tại NCB, Thành và các đồng phạm thực hiện 4 vụ lừa đảo chiếm đoạt 47,5 tỷ đồng. Cuối năm 2017, Thành gặp Nguyễn Hồng Trung - chuyên viên cao cấp Bộ phận Quan hệ khách hàng của NCB. Thành thỏa thuận với Trung sẽ giới thiệu khách hàng Đặng Nghĩa Toàn đến gửi tiền tiết kiệm và thế chấp sổ tiết kiệm để vay vốn khi cần. Từ ngày 18/6/2018 đến ngày 21/8/2018, Thành vay ông Đặng Nghĩa Toàn 50 tỷ đồng bằng hình thức, ông Toàn gửi tiền tiết kiệm vào NCB rồi đưa cho Thành giữ. Để thực hiện khoản vay, Thành và Tùng sử dụng tài sản đảm bảo là hai sổ tiết kiệm đứng tên Đặng Nghĩa Toàn để vay 19 tỷ đồng.
Các bị cáo lập khống hợp đồng kinh tế “cung cấp dây truyền đùn phôi nhôm 6 inch” giữa Công ty Jeongho Landmark và Công ty Eurocell. Mặc dù Công ty Eurocell bị thu hồi giấy phép song Tùng vẫn giả mạo chữ ký giám đốc trên các hợp đồng, chứng từ vay.
Tương tự, tại PVcomBank, ngày 17/10/2018, Thành và Tùng làm giả hồ sơ vay vốn bằng cách cầm cố 5 sổ tiết kiệm đứng tên vợ chồng Đặng Nghĩa Toàn để chiếm đoạt 49,4 tỷ đồng của ngân hàng này…
Tags