6/10 HCV là con số mà kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên giành được ở SEA Games 30 cho Đoàn thể thao Việt Nam. Dù không hoàn thành chỉ tiêu 11 HCV năm đó nhưng ở kỳ Đại hội trên sân nhà năm nay, ai đủ sức bù lấp khoảng trống mà Ánh Viên để lại là câu hỏi không dễ giải đáp.
Ánh Viên đã đoạt tới 8 HCV SEA Games 2017 ở Malaysia và 6 HCV, 2 HCB ở SEA Games 2019 tại Philippines.
Nỗi thất vọng sau Olympic Tokyo 2020 đã khiến Ánh Viên quyết định giải nghệ.
Nhiều CĐV Việt Nam tiếc cho Ánh Viên và nền thể thao, bởi lẽ với chuyên môn của mình, Ánh Viên dư sức đoạt thêm vài HCV SEA Games ở các nội dung sở trường.
Ở đấu trường khu vực, kình ngư của Quân đội không tìm thấy nhiều đối thủ xứng tầm.
SEA Games 31 ở trên sân nhà Việt Nam do đó rất nhớ cái tên Ánh Viên. Kình ngư 26 tuổi không thi đấu sẽ là cơ hội cho các đoàn thể thao khác vươn lên.
Trong đó, Indonesia từ 1 HCV cũng vừa nêu quyết tâm đoạt tới 6 HCV ở Việt Nam lần này. Họ tự tin bởi những nội dung sở trường của Ánh Viên đã không còn VĐV chủ nhà tham dự.
Singapore, Thái Lan, Malaysia và Philippines cũng là những đoàn thể thao có thể mạnh, trong đó Singapore nổi bật vượt khỏi trình độ khu vực.
Khi không có Ánh Viên, đội tuyển bơi Việt Nam đặt chỉ tiêu khá khiêm tốn là 6-8 HCV và vẫn xếp thứ 2 toàn đoàn, sau Singapore. Ở SEA Games 30, Singapore đã gặt hái đến 23 HCV.
Mọi kỳ vọng đổ cả vào Huy Hoàng với 3 nội dung có thể nắm HCV trong tầm tay là 400m, 800m và 1500m. Huy Hoàng là điểm sáng của bơi lội Việt Nam, bên cạnh những VĐV nam rất triển vọng như Trần Hưng Nguyên và Phạm Thanh Bảo. Hưng Nguyên từng gây bất ngờ với 2 HCV 200m và 400m trong lần đầu dự SEA Games 30 khi đó mới 16 tuổi.
Thanh Bảo từng giành 2 HCB nội dung 100m và 200m ếch có thể sẽ cải thiện thành tích trong năm nay khi có yếu tố sân nhà hậu thuẫn. Ban huấn luyện đội tuyển bơi Việt Nam đã chuẩn bị sẵn công tác tâm lý cho kình ngư gốc Bến Tre.
Ngoài ra, nguồn lực trẻ của đội tuyển bơi Việt Nam như em trai Ánh Viên là Nguyễn Quang Thuấn, Phạm Thị Vân... cũng đang gặt hái thành tích ấn tượng ở các sân chơi quốc gia. Sự ủng hộ của CĐV nhà có thể giúp họ tạo nên bất ngờ ở các nội dung mình tham gia.
Theo lịch dự kiến, Huy Hoàng sẽ thi đấu nội dung đầu tiên của đại hội là 1.500m nam vào lúc 18h00 tối nay. Huy Hoàng đang giữ kỷ lục SEA Games và hơn đối thủ đoạt HCB SEA Games 30 của Indonesia là Aflah Fadlan Prawira đến gần 30 giây.
Ngoài Huy Hoàng, kình ngư Lê Nguyễn Paul đã có mặt ở chung kết nội dung 100m ngửa nam. Kình ngư Việt kiều được kỳ vọng sẽ có chiếc HCV đầu tiên ở đấu trường SEA Games.
Ngoài Huy Hoàng và Lê Nguyễn Paul, bơi Việt Nam sẽ còn 3 trận chung kết khác trong tối 14/5 gồm Nguyễn Thị Nhật Lam với thành tích 2 phút 23 giây 82, vào chung kết 200m hỗn hợp nữ.
Ở nội dung 100m bơi ếch nam, đại diện của Việt Nam giành quyền vào thi đấu chung kết là Phạm Thanh Bảo với thành tích tốt nhất là 1 phút 02 giây 17.
Ở nội dung 100m tự do nữ, Phạm Thị Vân là đại diện của chủ nhà Việt Nam góp mặt ở vòng thi chung kết với thành tích 57 giây 22. Cô phải đua tranh rất quyết liệt với VĐV mạnh người Singapore với thành tích 56 giây 49.
Điều tiếc nuối nhất với các CĐV Việt Nam là những môn thể thao hấp dẫn bậc nhất SEA Games như bơi và điền kinh hiện tại đang diễn ra ở cụm sân Mỹ Đình lại có giờ thi đấu trùng nhau.
Các nội dung chung kết đa phần diễn ra từ chiều tối và buộc các CĐV phải chọn môn để theo dõi, cổ vũ cho các VĐV.
VH
Tags