Sau vụ thử ICBM, Triều Tiên sẵn sàng đàm phán ngoại giao với Mỹ?

Thứ Sáu, 01/12/2017 19:50 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Sau vụ thử tên lửa mới nhất, Triều Tiên có thể đã cố gắng bắn tín hiệu công khai với Mỹ rằng họ sẵn lòng tham gia bàn đàm phán ngoại giao.

Theo tạp chí The Diplomat, công bố của chính phủ Triều Tiên về vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục (ICBM) ngày 29/11 mang tên Hwasong-15 khả năng chứa đựng thông điệp cho thấy chính quyền ông Kim Jong-un sẵn sàng tham gia đàm phán trong tương lai gần.

Trong khi bản tuyên bố ngày 29/11 nhấn mạnh mẫu tên lửa mới gắn “một đầu đạn hạng nặng siêu lớn” khả năng “tấn công toàn bộ lục địa Mỹ” và cuộc thử nghiệm đã thành công bất chấp “những thách thức xấu xa” bởi “đế quốc Mỹ” thì nó cũng nhấn mạnh cam kết của Bình Nhưỡng trong việc gìn giữ hòa bình thế giới, quan trọng hơn là tuyên bố nước này cuối cùng có thể sở hữu tiềm lực ngăn chặn hạt nhân đáng tin cậy.

“Là một cường quốc hạt nhân có trách nhiệm và một đất nước yêu hòa bình, CHDCND Triều Tiên sẽ làm tất cả nỗ lực có thể để phục vụ mục đích cao cả bảo vệ hòa bình và ổn định thế giới”, thông báo viết. Như giới quan sát vẫn biết, Bình Nhưỡng từ lâu khẳng định chương trình tên lửa hạt nhân của nước này góp phần duy trì hòa bình và ổn định trên thế giới.

Chú thích ảnh
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 của Triều Tiên. Ảnh: nknews.org

Tuyên bố trên trở nên thú vị và độc nhất vô nhị hơn khi nó lưu ý rằng Triều Tiên đã “nhận ra sứ mệnh lịch sử vĩ đại để hoàn thiện lực lượng hạt nhân quốc gia” và tên lửa Hwasong-15 đáp ứng “mục tiêu hoàn thành việc phát triển hệ thống vũ khí tên lửa của Triều Tiên”. Nó đồng thời nêu rõ rằng tên lửa của nước này “sẽ không gây nguy hiểm đến bất kỳ nước nào” và sẽ chỉ được sử dụng để phòng thủ chống lại “chính sách hăm dọa và đe dọa hạt nhân của đế quốc Mỹ”.

Thông báo mà Triều Tiên phát đi đã đạt được mục tiêu đề ra một biện pháp ngăn chặn hạt nhân đáng tin cậy để ngăn chặn hành động quân sự của Mỹ. Đây là điều đáng chú ý đầu tiên, cho dù nó chính xác hay không. Mặt khác, nó còn có thể được giải thích như một tín hiệu có chủ đích để làm nổi bật sự sẵn sàng của Bình Nhưỡng trong việc tham gia đối thoại với Washington ở tương lai gần. Giả thuyết này được củng cố bởi thực tế là tuyên bố này không hề nhắc tới các vụ thử nghiệm tiếp theo.

Đáng chú ý, cách trình bày này đã giả định rằng Triều Tiên thực sự quan tâm đến một số hình thức trao đổi trực tiếp với Mỹ. Hoặc, ngôn từ có vẻ như hạ bớt căng thẳng trong tuyên bố có thể chỉ là một bước đi chiến thuật của Bình Nhưỡng để gây ảnh hưởng và chia rẽ quan điểm của công chúng tại Mỹ bằng cách cố gắng kìm nén khiêu khích để so sánh với những lời đe dọa tấn công phủ đầu từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cả hai lập luận trên đều có khả năng, tuy nhiên chúng ta không nên kỳ vọng vào những thay đổi chính sách lớn trong vài tuần tới. Hơn nữa, bản thông báo ngày 29/11 không có ý là Triều Tiên sẽ ngừng thử hạt nhân và tên lửa. Dường như quốc Đông Bắc Á này chưa làm chủ được công nghệ đưa tên lửa quay trở lại khí quyển, mặc dù các nguồn tin chính phủ Mỹ cho rằng tên lửa Triều Tiên có thể bắn trúng các mục tiêu tại Mỹ nếu được phóng ở quỹ đạo năng lượng tối thiểu.

Tuy nhiên, khả năng Triều Tiên sẽ tiến hành một vụ thử hạt nhân tầng khí quyển trên Thái Bình Dương vẫn còn tồn tại. Nước này dường như sẽ tiếp tục thử vũ khí để tìm ra biện pháp khả thi có thể sử dụng như một quân bài “mặc cả” trong các cuộc đàm phán tương lai nhằm tháo dỡ lệnh trừng phạt khắc nghiệt.
 
Tháng 8 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết Washington sẵn sàng đàm phán không điều kiện tiên quyết với Bình Nhưỡng. Trong khi đó, Triều Tiên yêu cầu Mỹ giảm chính sách thù địch chống lại nước này và chấp nhận Triều Tiên như một quốc gia hạt nhân để làm điều kiện đàm phán.

Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa xuống biển Nhật Bản

Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa xuống biển Nhật Bản

Quân đội Hàn Quốc và Mỹ thông báo, vào sáng sớm 29/11, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa từ tỉnh Nam Pyongan, bay khoảng 1.000 km trước khi rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

Hoàng Trang/Báo Tin tức

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›