Chấn thương của Xuân Son phải cần ít nhất 8 tháng mới hồi phục, điều đó cũng đồng nghĩa đội tuyển Việt Nam sẽ không có tiền đạo nhập tịch này ở chiến dịch vòng loại Asian Cup 2027. Nhưng xa hơn, là yếu tố xây dựng nguồn lực tại chỗ để tính đến tham vọng lâu dài.
Có một sự thật là con đường đi đến chức vô địch Đông Nam Á lần thứ 3 của đội tuyển Việt Nam được trải trên những bàn thắng quan trọng của Xuân Son, cầu thủ nhập tịch đầu tiên thi đấu tại một giải chính thức. Nhưng có một sự thật khác, đó là đội tuyển vẫn lên ngôi vô địch với một "phiên bản không có Xuân Son", mà cụ thể là gần 90 phút ở trận chung kết lượt về, khi tỷ số đang là 1-1 và sau khi chân sút số 1 đã rời sân vì chấn thương. Những cầu thủ đã ghi bàn trong trận chung kết lượt về, là Tuấn Hải (2 bàn) và Hai Long, thành viên của Hà Nội FC, đội bóng giàu thành tích nhất lịch sử V-League và là hình mẫu tiêu biểu trong việc sử dụng cầu thủ nội.
Chức vô địch ASEAN Cup 2024 chính thức đặt bóng đá Việt Nam vào một vạch xuất phát mới cho một tham vọng lớn hơn. Nhưng đây lại là cuộc hành trình hoàn toàn khác biệt so với những thách thức ở ASEAN Cup, một giải đấu cấp khu vực. Chúng ta có thể trở nên mạnh hơn so với phần lớn các đội Đông Nam Á chỉ bằng việc bổ sung một cầu thủ có trình độ vượt trội, nhưng điều đó không thay đổi được bản chất vấn đề: không thể có một đội tuyển Việt Nam chỉ toàn các cầu thủ nhập tịch có chất lượng tương đương hoặc hơn so với Nguyễn Xuân Son. Hay nói cách khác, là đội tuyển Việt Nam vẫn phải xây dựng trên nòng cốt là các cầu thủ nội.
Sự khác biệt mà Xuân Son tạo ra là rất rõ ràng. Thật khó để so sánh liệu có một cầu thủ Việt Nam nào từng tạo ra tác động lớn như tiền đạo gốc Brazil này đã làm. Cũng không thể hình dung được bao lâu thì bóng đá Việt Nam sẽ có một cầu thủ như vậy trong tương lai. Thế nên, tiếp tục xu hướng tìm kiếm nguồn ngoại lực thông qua nguồn cầu thủ Việt kiều hay các ngoại binh đang chơi bóng ở V-League là điều không thể tránh khỏi. Nói cho cùng, đó là cách nhanh nhất và cũng có cơ sở nhất trong tiến trình nâng cấp đội tuyển trong một thời gian ngắn. Chắc chắn là khả thi hơn nhiều việc "ép" đội tuyển phải trẻ hóa và chơi thứ bóng đá xa lạ với hy vọng sẽ có một đội tuyển có thể dự World Cup như dưới thời HLV Philippe Troussier.
Nhưng sự kém may mắn của Xuân Son với chấn thương đáng tiếc cũng là lời cảnh báo cho xu hướng nhập tịch cầu thủ và phụ thuộc vào điều đó. Bóng đá Indonesia là một lời cảnh báo khác, khi chính sách nhập tịch cực đoan của họ đang đẩy sự việc đi khá xa. Các cầu thủ nhập tịch với đa phần là người Hà Lan gốc Indonesia dường như đã tạo sức ép để khiến Liên đoàn bóng đá quốc gia này phải thay HLV Shin Tae Yong bằng một cựu danh thủ người Hà Lan với các nét văn hóa tương đồng là HLV Patrick Kluivert.
Từ chỗ thuê ông Shin Tae Yong để xây dựng một đội tuyển Indonesia từ gốc, giờ thì bóng đá Indonesia chỉ tập trung cho việc làm sao để đội tuyển "phiên bản quốc tế" của họ chơi thành công ở vòng loại thứ 3 World Cup. Đây là một hình thái khác của sự phụ thuộc vào ngoại lực, nó có thể bẻ cong các định hướng dài hạn trước đó.
Khác với Indonesia, bóng đá Việt Nam may mắn khi chúng ta vẫn đang có những niềm tin vào khả năng tạo được nguồn lực tại chỗ. Tại ASEAN Cup 2024, HLV Kim Sang Sik đã giới thiệu được những nhân tố mới mà theo ông tâm sự, là kết quả của quá trình "tìm kiếm tài năng từ giải hạng Ba đến V-League" suốt nhiều tháng qua.
Chúng ta vẫn có những CLB sẵn sàng ra sân với đội hình toàn cầu thủ nội. Các đội bóng "mát tay" với cầu thủ trẻ như Hà Nội FC, Thể Công… vẫn đang là các ứng cử viên vô địch tại V-League. Chính nguồn chảy nội lực đó là điều mà các nhà quản lý không được phép lãng phí khi bàn về chiến lược vươn tầm.
Hãy lấy bài học Thái Lan. Họ không thể có đội hình mạnh nhất tại ASEAN Cup 2024 nhưng ai cũng biết họ vừa chơi trận chung kết thứ 3 liên tiếp và trước đó suýt lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup khi chỉ kém Trung Quốc chỉ số đối đầu. Bóng đá Thái Lan vẫn theo đuổi xu hướng nhập tịch nhưng sức mạnh thực sự của họ vẫn là nguồn cầu thủ nội địa luôn có một chất lượng hàng đầu Đông Nam Á.
Tags