Sắp khánh thành nhiều công trình giao thông trọng điểm chào mừng ngày 30/4

Thứ Tư, 16/04/2025 11:11 GMT+7

Google News

Ngày 30/4 năm nay đang đến rất gần, kỷ niệm tròn 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Nam Bộ đã sẵn sàng đi vào hoạt động, hòa trong niềm vui lớn của cả dân tộc.

Vượt tiến độ những nhịp nối bờ vui

Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận Trần Văn Thi chia sẻ, ngày 19/4/2025 tới đây, cầu Rạch Miễu 2 sẽ chính thức được hợp long. Đây là một dấu mốc quan trọng trong tiến độ thi công và là tiền đề quan trọng để hoàn thành công trình, đưa vào khai thác theo mục tiêu đã đề ra.

Cầu Rạch Miễu 2 kết nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre là một trong những công trình giao thông trọng điểm quốc gia, không chỉ góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao trên tuyến Quốc lộ 60, chia lửa cho cầu Rạch Miễu hiện hữu, mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung, phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia và quy hoạch của các địa phương đã được phê duyệt, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực.

Sắp khánh thành nhiều công trình giao thông trọng điểm chào mừng ngày 30/4 - Ảnh 1.

Công trường thi công cầu Rạch Miễu 2 thời điểm cuối tháng 3/2025. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Theo ông Trần Văn Thi, cầu Rạch Miễu 2 (cách cầu Rạch Miễu hiện tại khoảng 4 km về phía thượng lưu sông Tiền) dài hơn 17,6 km có tổng mức đầu tư trên 6.800 tỷ đồng, khởi công từ tháng 3/2022 (phần đường dẫn), từ tháng 3/2023 (cầu chính dây văng). Từ khi khởi công đến nay, dự án đã nhận được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Xây dựng, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ đã hai lần trực tiếp đến kiểm tra, động viên các cán bộ, kỹ sư, công nhân đang thi công dự án.

Với tinh thần "vượt nắng thắng mưa", làm việc xuyên lễ, Tết, "3 ca 4 kíp", hưởng ứng phong trào thi đua "45 ngày đêm đẩy nhanh tiến độ thi công, kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)", cầu Rạch Miễu 2 đang thi công vượt tiến độ, dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án đưa vào khai thác trong tháng 8/2025 (trước khoảng ba tháng so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ) và toàn bộ dự án sẽ rút ngắn tiến độ hoàn thành trước khoảng sáu tháng so với kế hoạch.

Tại tỉnh Sóc Trăng, cầu Đại Ngãi 2 (bắc qua sông Hậu giáp cửa biển Trần Đề, nối liền huyện Cù Lao Dung với Quốc lộ Nam sông Hậu) đang gấp rút hoàn thiện để kịp thông xe kỹ thuật đúng dịp 30/4/2025. Cầu Đại Ngãi 2 và cầu Đại Ngãi 1 nằm trong dự án cầu Đại Ngãi có tổng chiều dài tuyến hơn 15 km, tổng kinh phí gần 8.000 tỷ đồng, nối hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh.

Sau khi cầu Đại Ngãi 2 thông xe kỹ thuật, cùng với cầu Đại Ngãi 1 dự kiến hoàn thành vào năm 2028 thay thế cho việc đi lại bằng phà qua sông Hậu, vốn gây mất nhiều thời gian và hạn chế khả năng vận chuyển hàng hóa liên tỉnh. Toàn bộ công trình cầu Đại Ngãi cùng với các cầu Rạch Miễu, Hàm Luông, Cổ Chiên tạo thành mạng lưới giao thông chiến lược, hỗ trợ phát triển vận tải, thương mại và du lịch cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đáng chú ý, tuyến đường qua cầu sẽ rút ngắn khoảng 80 km so với hành trình trên Quốc lộ 1 khi di chuyển từ các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng đến Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại. Qua đó, hoàn thiện mạng lưới Quốc lộ 60, góp phần nâng cao năng lực vận tải toàn vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh ven biển phía Nam.

Giảm áp lực hạ tầng giao thông

Ngày 19/4/2025, nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất - công trình trọng điểm quốc gia mang tính biểu tượng của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chính thức được khánh thành, cùng lúc với lễ thông xe tuyến đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa kết nối vào nhà ga T3. Đây là sự kiện cấp quốc gia, được kỳ vọng góp phần giải tỏa áp lực giao thông khu vực cửa ngõ Tây Bắc Thành phố và nâng cao năng lực hạ tầng phục vụ hàng không.

Trước đó, từ ngày 17/4/2025, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ khai thác thử nghiệm chuyến bay đầu tiên tại nhà ga T3. Sau đó, nhà ga sẽ được đưa vào khai thác ngay sau đợt cao điểm lễ 30/4 - 1/5, tiếp nhận gần 80% tổng số chuyến bay nội địa đến và đi tại sân bay Tân Sơn Nhất. Các chuyến bay nội địa của Vietnam Airlines và Vietjet Air sẽ chuyển về nhà ga T3.

Sắp khánh thành nhiều công trình giao thông trọng điểm chào mừng ngày 30/4 - Ảnh 2.

Các đại biểu thực hiện nghi thức hợp long cầu Đại Ngãi 2. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN

Dự án nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất có tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, quy mô gồm 1 tầng hầm và 4 tầng nổi, tổng diện tích sàn lên tới 112.500 m². Bên trong nhà ga được bố trí khoa học và hiện đại với 90 quầy thủ tục truyền thống, 20 quầy thả hành lý tự động (bagdrop) và 42 kiosk check-in tự phục vụ, giúp tối ưu hóa thời gian làm thủ tục cho hành khách. Theo thiết kế, nhà ga T3 có công suất khai thác 20 triệu khách/năm, tương đương 7.000 khách/giờ cao điểm.

Một công trình trọng điểm được người dân Thành phố Hồ Chí Minh và cả các tỉnh lân cận mong chờ nữa là nút giao thông An Phú (thành phố Thủ Đức) sẽ chính thức thông xe hầm chui đầu tiên - hầm HC1 vào ngày 27/4 tới, vừa đúng dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vừa góp phần giải tỏa áp lực giao thông và phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa dịp Lễ 30/4 và 1/5.

Hầm chui HC1 kết nối cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây với đại lộ Mai Chí Thọ (dài 760 m, rộng 4 làn xe) và hầm chui HC2 (dài 480 m, rộng 4 làn xe) tại giao lộ Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống thuộc dự án nút giao An Phú. Sau khi đưa vào sử dụng, hầm HC1 sẽ giúp các phương tiện di chuyển thuận tiện từ cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đến đường hầm sông Sài Gòn, giảm áp lực giao thông đáng kể tại cửa ngõ phía Đông thành phố.

Dự án nút giao An Phú có tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng, được thiết kế với ba tầng giao thông nhằm giảm ùn tắc và tăng khả năng kết nối. Trên cao, nút giao có 4 cầu vượt cho xe rẽ đi các hướng; mặt đất sẽ có đảo tròn trung tâm cùng tháp biểu tượng.

Bên cạnh đó, ngày 27/4 tới đây, Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ tổ chức lễ thông xe kỹ thuật cầu nhánh A thuộc nút giao HLD (trên tuyến Vành đai 3), kết nối trực tiếp với cầu Nhơn Trạch và tăng cường tính liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Đến ngày 30/4, công trình nâng cấp và mở rộng đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp) sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng, dù không tổ chức lễ thông xe nhưng vẫn là một trong những điểm nhấn hạ tầng quan trọng của Thành phố trong dịp Lễ trọng đại của cả dân tộc này.

Hồng Đạt/TTXVN

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›