Những cầu thủ ngôi sao "xuôi" về hạng Nhất, âu cũng là một dòng chảy ngược nhưng mang yếu tố của thị trường. Với cầu thủ chuyên nghiệp, nơi nào có môi trường đãi ngộ tốt thì họ nhận việc thôi. Thế nên, nếu xem đây là một vấn đề, thì nó thuộc về nền bóng đá chứ không phải của cầu thủ.
1. Một sự dịch chuyển lớn như vậy, thường có một ý nghĩa nào đó, nhưng trong trường hợp này của bóng đá Việt Nam, nó hầu như không nói lên bất kỳ điều gì.
Giải hạng Nhất sẽ hấp dẫn và giàu tính cạnh tranh hơn chăng? Chưa chắc. Thực tế thì chỉ có 2 đội bóng là Trường Tươi Bình Phước và Ninh Bình thực hiện những sự tăng cường lực lượng "khủng" ấy. Họ làm thế vì mùa này có 1,5 suất thăng hạng V-League. Nghĩa là nếu 2 đội này mà cuối mùa lên đá chuyên nghiệp thì giải hạng Nhất "mèo vẫn hoàn mèo", chẳng có gì biến chuyển về chất lượng chung cả.
Ngay ở mùa hiện tại sắp khởi tranh cũng vậy thôi. Năm ngoái, đội xuống hạng là SHB Đà Nẵng còn "máu" trở lại V-League chứ năm nay thì Khánh Hòa suýt nữa còn dẹp luôn đội bóng vừa xuống hạng. Ngoài Trường Tươi Bình Phước và Ninh Bình, chẳng có đội hạng Nhất nào có tham vọng thăng hạng.
Giải đấu này suýt nữa cũng chỉ còn 9 đội đăng ký. Thế nên, với việc 2 đội kia quá mạnh, thì nhiều khả năng là giải hạng Nhất mùa này sẽ có nhiều trận đấu vô thưởng - vô phạt do phần lớn các đội không có mục tiêu thăng hạng. Thậm chí, việc xuống hạng Nhì cũng chưa chắc đã khiến các đội bóng phải lo lắng.
Về cơ bản, một vài trận đấu của giải hạng Nhất sẽ được quan tâm nhiều hơn từ truyền thông và người hâm mộ do có sự xuất hiện của các ngôi sao V-League. Có lẽ cũng chỉ vậy thôi. Những tác động ấy không đủ sức để đưa chất lượng giải hạng Nhất đến gần với V-League.
Vậy còn các ngôi sao, họ sẽ có những mất mát về mặt phong độ? Cũng chưa chắc. Theo tính toán, có thể đây chỉ là một kỳ "thả lỏng" chừng 4-5 tháng để rồi khi đội nhà thăng hạng, họ sẽ quay lại với sân chơi V-League.
Thu nhập cao, áp lực không nhiều, số thời gian chơi bóng ít, lợi ích cá nhân rõ ràng là không thể không cân nhắc. Hơn nữa, một khoảng thời gian ngắn như vậy thì cũng chưa thể tổn hại đến danh tiếng của những người vốn đã có vị thế vững chắc trong lòng người hâm mộ.
Rủi ro duy nhất có là cơ hội lên đội tuyển Việt Nam sẽ giảm sút. Nhưng như đã nói, đây là vấn đề của bóng đá Việt Nam chứ không phải của cầu thủ.
2. Một cầu thủ đá thường xuyên ở giải hạng Nhất và một người chẳng đá phút nào khi xuất ngoại, có gì khác nhau không?
Chúng ta từng chứng kiến một vài trường hợp. Đầu tiên là Đặng Văn Lâm tuy không được ra sân thường xuyên ở Cerezo Osaka vẫn được HLV Park Hang Seo ghi tên vào danh sách thi đấu ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Chúng ta có Nguyễn Công Phượng 6 tháng ngồi dự bị ở Trint-Struident vẫn được ưu áo gọi về khoác áo đội tuyển, thậm chí còn ra sân thi đấu trong trạng thái mất cảm giác bóng khá rõ ràng. Chúng ta cũng có Nguyễn Quang Hải dù bị bỏ quên hoàn toàn ở Pau FC nhưng vẫn dự AFF Cup hay một số trận giao hữu dưới thời HLV Park Hang Seo và Philippe Troussier.
Đó là các cầu thủ đã có sẵn đẳng cấp, và ít nhiều cũng được ăn tập ở các CLB có trình độ cao. Những lần triệu tập ấy về cơ bản là cũng thành công, cho thấy được giá trị của cầu thủ cũng như tài nhìn người của HLV (đặc biệt là trường hợp của Văn Lâm). Nghĩa là ít nhất vẫn còn có thể giải thích.
Nhưng thậm chí chúng ta còn các các ngoại lệ kỳ lạ hơn dưới thời HLV Troussier khi một loạt cầu thủ trẻ, chơi ở giải hạng Nhất, thậm chí hạng Nhì, được gọi lên U23 và cả đội tuyển quốc gia. Với "ngọn cờ" trẻ hóa, và với lý do "không can thiệp vào công việc của HLV trưởng", tự bóng đá Việt Nam đã xâm phạm vào các nguyên tắc căn bản của hoạt động xây dựng các đội tuyển.
Thời HLV Henrique Calisto còn cầm quân, chỉ vì ông gọi Nguyễn Xuân Thành, Trần Trường Giang, Phan Văn Tài Em… ở giải hạng Nhất lên đội tuyển Việt Nam hồi Tiger Cup 2002 thôi mà đã chịu bao lời dị nghị, kiểu như "ưu ái người nhà", dù thực ra thời điểm các cầu thủ ấy được gọi thì CLB của họ đã thăng hạng V-League. Ấy vậy mà sau này, dựa trên một số mục đích nào đó, bóng đá Việt Nam đã tạo ra liên tục các ngoại lệ mà hầu như các HLV trưởng không bị "tuýt còi", mặc dù dư luận cũng đã có những phản biện.
Ở đâu cũng vậy thôi. Dù là lý do gì thì một nguyên tắc cần được tôn trọng đó là các cầu thủ giỏi nhất, đang ở trạng thái thi đấu tốt nhất, tại những đội bóng có phong độ cao nhất… sẽ được ưu tiên gọi lên đội tuyển quốc gia.
Có trẻ hóa, cũng vẫn dựa trên nguyên tắc ấy. Bởi về bản chất, đội tuyển không phải là CLB mà các HLV có thể tự ý tìm người hợp với triết lý của mình mà bỏ qua các nguyên tắc hình thành đội tuyển quốc gia.
Ở chiều ngược lại, HLV đội tuyển quốc gia cũng có đặc thù đó là phải dựa trên những gì mà nền bóng đá cung cấp để hoàn thành mục tiêu thành tích. Càng tạo ra ngoại lệ, thì sẽ làm khó cho những người kế nhiệm.
3. Vậy nên, giờ bóng đá Việt Nam rơi vào thế khó xử khi chứng kiến một dòng chảy ngược về hạng Nhất của các ngôi sao. Trường hợp của Hoàng Đức khá nhạy cảm. Quả bóng vàng Việt Nam 2023 là cầu thủ mới nhất được kỳ vọng là sẽ xuất ngoại với triển vọng thành công hơn những người đi trước. Đột ngột, con đường ấy bị bẻ cong, vòng về hạng Nhất.
Với Hoàng Đức, có lẽ là anh tự tin vào năng lực của mình khi có xuống hạng Nhất vẫn sẽ giữ được đẳng cấp của mình. Hơn nữa, bài học của những người đi trước vẫn còn đó. Ra nước ngoài thi đấu mà không được ra sân, thì có khác gì… đá hạng Nhất. Không thi đấu mà vẫn được triệu tập lên đội tuyển, thì xuống hạng Nhất… đã có làm sao?!
Nhưng trường hợp này, cũng khiến chúng ta đặt vấn đề: Giả sử như chúng ta đừng có các ngoại lệ xây dựng đội tuyển như đã nói, thì liệu các cầu thủ có "dám" từ bỏ khát khao lên đội tuyển chỉ để "thả lỏng" mình tại giải hạng Nhất không? Nếu chúng ta giữ các nguyên tắc, thì cầu thủ cũng sẽ tự đề ra cho mình những giới hạn không thể vượt qua về mặt nghề nghiệp.
Vấn đề là có quá nhiều ngoại lệ, nên bây giờ mọi thứ có thể tranh cãi theo nhiều cách khác nhau. Chẳng có lý do gì mà các cầu thủ trẻ đá rất ít tại giải hạng Nhất mà còn lên được đội tuyển thì một ngôi sao đương đại tại sao lại không thể. Hơn nữa, nếu mọi việc đều là do HLV trưởng quyết định, thì còn gì để nói.
Bóng đá là cuộc chơi của khao khát và sự phát triển của các tài năng, cũng dựa trên nền tảng ấy. Thiếu đam mê, mất khát vọng được phát triển bản thân, thì nói cho cùng đá tại V-League hay hạng Nhất, có gì khác nhau? Một nền bóng đá để xảy ra xu hướng mất động lực chơi bóng, thì nguy hiểm còn hơn cả việc thiếu tài năng.
Trong trận đấu gần nhất, đội tuyển Việt Nam đã giành chiến thắng 3-2 trước Thép xanh Nam Định trên sân Thiên Trường. Đây là trận đấu kín, được tổ chức nhằm thay thế trận giao hữu với Li băng do đội khách không thể sang Việt Nam như kế hoạch ban đầu.
Dù đã có kết quả tích cực đầu tiên sau chuỗi trận thất vọng thời gian qua nhưng hàng thủ đội tuyển Việt Nam vẫn khiến người hâm mộ lo lắng. Theo thống kê, đây đã là trận đấu thứ 5 liên tiếp đội tuyển Việt Nam để đối thủ chọc thủng lưới từ 2 bàn trở lên. Trong thời gian đó, đoàn quân của HLV Kim Sang Sik nhận tổng cộng 12 bàn thua, giành được 2 chiến thắng.
Theo kế hoạch, Việt Nam còn tập luyện tại Hà Nội thêm hai ngày trước khi di chuyển xuống Nam Định vào sáng 11/10 để chuẩn bị cho trận gặp đội tuyển Ấn Độ trên SVĐ Thiên Trường lúc 18h00 ngày 12/10.
Tags