Bản có tên Sảo Há trong thôn Khó Chớ thuộc xã Vần Chải, Đồng Văn, Hà Giang nằm vào mép khu rừng nguyên sinh. Nơi đây có thừa điều kiện để tạo dựng một khu du lịch khám phá đầy hấp dẫn.
Đường lên bản là đường nhỏ, ngoằn ngoèo như sợi dây diều. Nhằm màu xanh cây lá quẩn trong sương mù mà đặt ngược từng bước chân vài cây số, ta sẽ bước vào một không gian khác biệt. Chặng đường vài cây số ấy trên đỉnh cao cho ta ngắm cả vùng non nước đến đuối tầm mắt bên sườn phía Đông như trên máy bay nhìn xuống.
Đến sát khu vực rừng nguyên sinh với những đại thụ trăm tuổi bên đường san sát ken trong rừng đá, thì tại một khe hẹp bên lối đi, người ta bắt gặp ngay ngôi miếu thần rừng. Ngôi miếu hoang sơ có tượng gỗ và những phiến gỗ nhỏ hình người được đặt trên bệ thờ rất huyền bí.
Bước qua đó là những vạt rừng trúc. Trúc Vần Chải là giống trúc cần câu, nhỏ mà thanh thoát.
Vào sâu bên trong, những ngôi nhà mái ngói âm dương xạm màu thời gian và tầng tầng rêu tảo bám trên nóc. Bên lối ngựa đi, những vạt cải mèo xanh nõn ngọt ngào. Xa vài chục bước chân, đại thụ buông bóng. Những bạnh cây hình sống trâu mốc meo bởi rêu bám, trông như những chấm lang ben. Nhìn xa bạnh cây giống những gân núi chìa ra tứ bề, rồi lặn sâu vào nền rừng đầy đá và xác lá cây chất ngợp, khiến người ta khó đọc ra tuổi của cây.
Đi qua mấy lèn đá dưới bóng rợp đại ngàn, bước đến một căn nhà kiến trúc Mông vững chãi. Những bẩy đỡ vì kèo đẽo chạm thô sơ, hình linh vật nhưng rất có phong cách. Hai mép tường sát đầu hồi nhô lên hai mái phụ kiểu cách làm cho ngôi nhà trở nên bề thế. Đó là nhà của Vàng Sái Sì, trưởng thôn Khó Chớ. Nhà khóa cửa, người đi vắng nên không gặp ai để hỏi chuyện.
Nơi này thế đất, lèn đá, đại thụ sắp xếp khéo đến lạ lùng. Chỉ cần dọn dẹp nền rừng sạch mùn đất và bỏ đi thứ cũ nát rồi thu gọn những đống củi gộc sẽ có cả một không gian rộng hàng hécta để ngắm nhìn và khám phá. Chẳng mấy khi tôi gặp được một không gian rừng thiêng nằm sâu trong núi và đỉnh cao lý tưởng được đắp trong mây trắng bốn mùa diệu kì như thế.
Sảo Há là một bản nhỏ gần như bị bỏ quên giữa bốn bề mây núi. Ngay nhưng con người xứ sở ấy hình như cũng chưa biết bên cạnh họ có những viên ngọc quý đến thế. Đặc biệt ở Sảo Há còn những cái cổng điển hình của nhà người Mông. Nó đặc biệt về độ vững chắc và kiểu cách cầu kì mà ít nơi còn. Đó thực là di sản! Một kiến trúc hoàn hảo hàng trăm năm thành cổ vật đã tồn giữ những giá trị văn hóa bày ra trước mắt tôi. Cái cổng đó, chỉ đứng ngoài đường ngắm đã có thể thấy rõ bề thế của chủ nhân sau cánh cổng vững chãi như thế nào.
Sảo Há chưa bị hiện đại hóa. Chỉ mới có con đường bê tông cho xe máy có thể leo vào tận nơi chứ chưa bê tông hóa xâm thực không gian này. Tôi nghĩ nếu nghiên cứu kĩ và biết cách làm thì đây là điểm du lịch khám phá đầy tiềm năng. Một bản Mông hiếm hoi còn giữ được nguyên chất giữa thâm sơn cùng cốc, một thiên nhiên u tịch huyền bí gợi mở cho người đến khám phá nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, đó là chưa kể đến thảm thực vật rừng nguyên sinh quý giá chưa bị cuộc sống xô bồ tàn phá.
Hãy làm cho Sảo Há thức dậy đi, Đồng Văn ơi!
Tags